EVN tiếp tục là tập đoàn trụ cột trong cung cấp điện
- EVN nói gì về việc bất ngờ tăng giá điện
- Tòa nhà EVN lọt top 15 công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết: Tập đoàn đã nỗ lực vượt qua khó khăn và cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch, trong đó đảm bảo cung ứng điện cho quốc gia và phục vụ các sự kiện chính trị xã hội quan trọng, đặc biệt là Hội nghị cấp cao APEC 2017.
Ông Võ Quang Lâm cũng cho biết thêm, trong năm 2017, điện sản xuất và mua của Tập đoàn đạt 192,45 tỷ kWh, tăng 8,6% so với năm 2016; điện thương phẩm toàn quốc đạt 174,05 tỷ kWh, tăng 8,92%. Chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam đạt 78,69/100 điểm, tăng 32 bậc so với năm trước, đứng ở vị trí 64/190 quốc gia/nền kinh tế.
Các đại biểu chủ trì Hội nghị. |
Năm 2017 cũng đánh dấu việc EVN đã đảm nhận cấp điện cho 11/12 huyện đảo trên cả nước sau khi tiếp nhận quản lý cấp điện tại các huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), Cồn Cỏ (Quảng Trị).
Về hiệu quả tài chính, EVN tiếp tục bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến cuối năm 2017 là 707.270 tỷ đồng (tăng 15.053 tỷ đồng so với năm 2016), trong đó vốn chủ sở hữu là 216.510 tỷ đồng (tăng 11.275 tỷ đồng).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: EVN là tập đoàn năng lượng chủ lực đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong năm qua. Cùng với việc tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư để chống thất thoát, EVN cũng đẩy mạnh tái cấu trúc để năng lực phát triển bền vững; tích cực cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh. EVN vừa là ngành sản xuất, vừa là ngành phục vụ, đóng góp điện năng vào các sản phẩm của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. |
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhu cầu sử dụng điện trong những năm tới vẫn còn tăng cao, cụ thể theo Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh, đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 60.000 MW và đến năm 2025 là 96.500 MW. Ngành điện đứng trước những thách thức như tốc độ tăng trưởng nguồn điện là rất lớn nhưng vẫn phải đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm để giảm đầu tư; trong đó vấn đề đảm bảo môi trường phải đạt yêu cầu.
Để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng nhấn mạnh EVN tiếp tục khẳng định là tập đoàn trụ cột trong việc thực hiện cung cấp điện. Đặc biệt tham mưu cho Chính phủ và Bộ Công Thương rà soát lại công tác quy hoạch điện, quy mô công suất, gắn tăng trưởng đầu tư với phát triển sản xuất kinh doanh.
Trước hết, EVN phải đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, quyết tâm đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2018 hơn kế hoạch là 6,5-6,7%; không để miền Nam thiếu điện. Hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 3 trong nửa đầu năm 2018 và tiếp theo là 2 Tổng công ty phát điện còn lại.
Bên cạnh đó, cơ cấu lại các nguồn điện cho phù hợp với khả năng cung cấp, điều kiện của nền kinh tế, tiềm năng của Việt Nam, tìm các nguồn điện sạch thay thế các nguồn điện ô nhiễm môi trường. Từ quy hoạch đó xây dựng kế hoạch và nguồn lực thực hiện; xác định các dự án đầu tư.
Đặc biệt, tập trung đổi mới, sắp xếp khối phát điện, phân phối và bán lẻ điện, vận hành hệ thống điện và thị trường điện theo Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc EVN giai đoạn 2017 - 2020, đảm bảo đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào hoạt động hiệu quả, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị. |