Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quá nhiều tham vọng
Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV gồm 38 điều, trong đó đề ra 7 nội dung hỗ trợ cho các DNNNV, gồm: Hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin và tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DN tham gia chuỗi liên kết ngành và chuỗi giá trị, Quỹ phát triển DNNVV.
Ông Phan Đăng Tuất – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng: “Đọc luật này tôi thấy quá buồn vì nó giống như một bài văn mẫu, làm cho có. Luật dài, hoành tráng nhưng không khả thi. Giả sử luật này có được ban hành, cũng không thể đi vào đời sống” - ông Tuất nói.
Theo đó, ông Phan Đăng Tuất đã chỉ ra các điểm bất cập của dự thảo này. Một là dự thảo luật đề ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là vấn đề nhạy cảm, “kiêng kỵ” bởi lẽ sự hỗ trợ này dễ vi phạm cam kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia. “Và nếu buộc phải hỗ trợ thì có quá nhiều chủ thể đứng ra hỗ trợ, gồm: Chính phủ, VCCI, hiệp hội, UBND các tỉnh, thành phố…
Về 7 nội dung hỗ trợ, thì dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cũng không thể “đè” Luật Tín dụng, Luật Đất đai… nên 7 nội dung hỗ trợ này là vô dụng. Về mức hỗ trợ, với khoảng 97% quy mô nhỏ và vừa, tương đương khoảng 500.000 doanh nghiệp, tính ra mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ khoảng 10 triệu. Số tiền này quá nhỏ, chỉ bằng 2 vé máy bay đi lại giữa Hà Nội và Sài Gòn”- ông Phan Đăng Tuất nói.
Cũng theo ông Tuất, DNNVV là tế bào kinh tế của đất nước, họ cần môi trường kinh doanh minh bạch, sòng phẳng, được bảo vệ trước hàng rào của FTA, trước việc thương lái ép giá và nhiều thủ tục hành chính chứ không cần được hỗ trợ. “Các DN không cần hỗ trợ mà cần được bảo vệ để làm ăn đàng hoàng, chính trực. Họ cần được kinh doanh sòng phẳng, có trách nhiệm với đất nước.
DNNVV cần sự bảo vệ hơn là hỗ trợ (ảnh mang tính minh hoạ). |
Hiện nay, các DNNVV Việt Nam rất đáng thương, hàng rào FTA không được bảo hộ, hàng hóa bị cạnh tranh, bị thương lái Trung Quốc dùng đủ mọi cách để ép giá, bị cạnh tranh bất chính. Các DNNVV mong muốn làm ăn đàng hoàng và họ cần được bảo vệ hơn là hỗ trợ”, ông Tuất nói. Chính vì thế, ông Phan Đăng Tuất kiến nghị, nếu có sửa luật thì nên sửa thành Luật Bảo vệ DNNVV.
Đồng quan điểm này, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho rằng, nên xem xét kỹ trước khi ban hành bởi DNNVV khó tiếp cận được sự hỗ trợ. Lắng nghe ý kiến góp ý của các hiệp hội, doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thừa nhận: “Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV đã quá tham vọng nên dẫn tới thất vọng”.