Dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) gây khó khăn cho doanh nghiệp
- Nhà văn trước dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân
- Từ 15/6 - 15/8: Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân
Thông tin về Đề cương xây dựng Dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi), ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, liên quan đến hồ sơ khai thuế, giải pháp sửa đổi được đưa ra là bỏ tờ khai quyết toán thuế và lồng ghép khai quyết toán thuế vào báo cáo tài chính. Theo đó, sẽ bổ sung chỉ tiêu để khai thuế, tính thuế thu nhập doanh nghiệp vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp. Hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp là Báo cáo tài chính và các tài liệu có liên quan.
cần tiếp tục chỉnh sửa để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của DN cũng như công tác quản lý thuế |
Về vấn đề này, Ths. Hà Thị Tường Vy- Trưởng ban Quản lý hành nghề kiểm toán; Tổng thư ký Chi hội kế toán hành nghề Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng ý với giải pháp này bởi sẽ dẫn đến sự không độc lập giữa công tác kế toán, lập báo cáo tài chính và việc kê khai thuế, trái với định hướng xây dựng chế độ kế toán Việt Nam tách rời kế toán và thuế của Bộ Tài chính. Nếu gộp chung thì vô hình chung là sẽ làm công tác hạch toán kế toán, lập báo cáo tài chính chủ yếu phục vụ mục đích thuế mà không phải cho mục đích quản trị DN.
Mặt khác, bà Tường Vy cũng cho rằng, trên thực tế tờ khai quyết toán thuế thu nhập DN không quá dài mà chủ yếu phức tạp ở các phụ lục đính kèm. Về bản chất báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ là một phần trong phụ lục kèm theo quyết toán thuế thu nhập DN và không thể thay thế được quyết toán thuế thu nhập DN. Việc thay đổi các biểu mẫu không cần thiết làm gia tăng chi phí cho ngân sách Nhà nước, cho xã hội và cho DN. “Do đó, chúng tôi đề nghị giữ nguyên các quy định như hiện hành”, bà Tường Vy nói.
Về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, Dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) quy định, đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm, đó là chậm nhất là ngày thứ 30 của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm; chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý; chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm.
Bà Phạm Thu Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young cho rằng, đối với hồ sơ và thời hạn khai quyết toán thuế thu nhập DN, việc quy định DN nộp báo cáo tài chính, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và các tài liệu về thông tin giao dịch liên kết… có cùng một thời hạn nộp (chậm nhất ngày thứ 90 kể từ khi kết thúc năm tài chính) đã không còn phù hợp với tình hình thực tế cũng như thông lệ quốc tế. Cụ thể, việc nộp báo cáo tài chính và hồ sơ quyết toán thuế cùng một thời điểm gây áp lực rất lớn cho DN vì quyết toán thuế thu nhập DN phải dựa trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Hệ quả là DN gặp rất nhiều khó khăn để có thể hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình.
Góp ý về giải pháp cơ quan thuế thực hiện nhiệm vụ thu các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động, các DN cho rằng hiện tại các khoản bảo hiểm bắt buộc đang được cơ quan bảo hiểm theo dõi và có thông báo đối chiếu với DN hàng tháng, ngoài việc thu nộp, cơ quan bảo hiểm còn phải thanh toán cho DN các khoản trợ cấp thai sản, ốm đau. Vì vậy, việc theo dõi đúng hoặc không đúng sổ phải nộp, đã nộp bảo hiểm của DN còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Về phía cơ quan thuế, DN cho rằng việc theo dõi nợ thuế đối với DN còn nhiều trường hợp chưa chính xác, thời gian vừa qua còn rất nhiều trường hợp DN bị thông báo sai số thuế nợ đọng. Theo đó, phía DN đề nghị giữ như hiện nay.
nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu giảm số ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế để DN có thời gian tập trung vào công việc kinh doanh và không thể để doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian phục vụ cho công tác thanh tra. |
Bên cạnh đó, theo Dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi), hiện nay thời hạn thanh tra thuế không quá 45 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế. Trường hợp thanh tra doanh nghiệp có giao dịch liên kết xuyên biên giới thời hạn thanh tra không quá 360 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại trụ sở người nộp thuế.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu giảm số ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế để DN có thời gian tập trung vào công việc kinh doanh và không thể để doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian phục vụ cho công tác thanh tra. Theo đó, bà Tường Vi đề xuất, thời hạn kiểm tra tối đa 5 ngày, nếu cần thiết đoàn kiểm tra được phép gia hạn thêm 5 ngày là phù hợp; không nên để thời gian gia hạn lên tới 30 ngày nhằm giảm bớt thời gian về thuế cho các DN.
Đại diện Công ty TNHH Ernst & Young cũng cho biết, hiện nay việc thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở DN là 30 ngày. Điều này cũng mất rất nhiều thời gian, nhân lực của DN để hỗ trợ đoàn thanh tra khi họ thực hiện thanh, kiểm tra tại DN. Trong một số trường hợp, đoàn thanh tra cũng không có mặt ở DN toàn bộ thời gian 30 ngày và vẫn thực hiện thanh tra cùng lúc một số DN.
Tại hội thảo, đại diện đơn vị soạn thảo cho biết, sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến tại hội thảo để hoàn thiện Dự thảo Luật này, đáp ứng mục tiêu minh bạch, đơn giản, khoa học và phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời giảm thiểu các thủ tục hành chính cho cộng đồng DN và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thuế…