Định kiến nhân quyền!

Thứ Ba, 23/04/2013, 13:56
Ngày 21/4/2013, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2012, trong đó có phần đánh giá về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân. Mọi người dân được thực thi các quyền của mình trong khuôn khổ luật pháp.

Báo cáo, dự luật hay các bản đánh giá nhân quyền... với những thông tin sai lệch, đã lặp lại có tính “thường niên”. Chúng tôi không nhắc lại những bản báo cáo hay dự luật có nội dung sai lệch, thiếu khách quan này cũng như những cá nhân, tổ chức thực hiện hay đứng sau các báo cáo.

Vấn đề là nếu cứ tiếp tục lặp lại điệp khúc “báo cáo nhân quyền” không khách quan như trên không những lạc lõng với xu thế phát triển đối thoại ngày nay mà cách tiếp cận này cũng hoàn toàn không đúng tinh thần Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền.

Thực tế, nếu định kiến một quốc gia, một khu vực về tình hình nhân quyền theo hướng cố tình làm xấu đi, bôi nhọ sự thật thì chính những cá nhân, cơ quan làm bổn phận “theo dõi nhân quyền” lại vi phạm chính quy định của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948. Tại Điều 7, bản tuyên ngôn nêu rõ: “Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và phải được bảo vệ một cách bình đẳng, không kỳ thị phân biệt. Tất cả đều được quyền bảo vệ ngang nhau, chống lại mọi kỳ thị vi phạm Bản Tuyên ngôn này, cũng như chống lại mọi kích động dẫn đến kỳ thị như vậy”. Việc liên tục có các báo cáo, các đánh giá dưới hình thức này hay hình thức khác với nội dung sai lệch thực tế khách quan về nhân quyền ở Việt Nam, thì chính hành động đó là biểu hiện rõ nét của sự kỳ thị và mặt nào đó trực tiếp hay gián tiếp tạo cơ hội cho các hành động chống Việt Nam của các thế lực thù địch, chống đối. Tất cả những điều đó đều trái với lẽ nhân văn mà bản Tuyên ngôn nêu ra.

Hồi tháng 2 năm nay, phát biểu trong phiên họp cấp cao khóa họp lần thứ 22 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) tại Geneva, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định việc Chính phủ Việt Nam quyết định ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 nhằm đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ quyền con người. Trong 7 năm qua, Hội đồng Nhân quyền đã có những đóng góp thiết thực hơn vào việc bảo vệ nhân quyền trên thế giới so với Ủy ban Nhân quyền trước đây. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng, hội đồng cần tăng cường hiệu quả hoạt động để đối phó với các thách thức nhiều mặt về nhân quyền mà dư luận đang hết sức quan tâm. Hội đồng nhân quyền cần phải thực sự trở thành diễn đàn đối thoại và hợp tác, có cách tiếp cận toàn diện, cân bằng về nhân quyền, tôn trọng các nguyên tắc phổ quát, minh bạch, khách quan, không thiên vị trong mọi hoạt động.

Chính sách nhất quán đảm bảo quyền con người của Nhà nước Việt Nam xuất phát từ nhận thức coi quyền con người là giá trị chung của nhân loại, có gốc rễ sâu xa từ truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, từ nguyện vọng thiết tha của người dân Việt Nam từng bị tước bỏ những quyền và tự do cơ bản nhất khi làm người dân của một nước thuộc địa. Ngày nay, Việt Nam tiếp tục khẳng định rõ chính sách, luật pháp, thành tựu về đảm bảo quyền con người.

Việt Nam tin tưởng sẽ đảm nhiệm tốt vai trò này nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy việc hưởng thụ và bảo vệ quyền cho tất cả mọi người. Việt Nam có chung mục đích với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đó là đề cao cũng như tôn trọng quyền của con người và đặt con người làm trung tâm trong mọi chính sách phát triển của đất nước. Uy tín của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người còn được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế công nhận. Chẳng hạn, Cuba, Venezuela, Nga coi cách tiếp cận và việc giải quyết các vấn đề về nhân quyền của Việt Nam là một trường hợp điển hình để các nước khác có thể tham khảo, học hỏi. Hội đồng hoà bình thế giới công nhận các nỗ lực của Việt Nam nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của con người trong đó có các quyền về dân sự, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Còn Hiệp hội Luật sư dân chủ và Trung tâm châu Âu đánh giá cao các thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của con người trong tất cả các lĩnh vực.

Rõ ràng, nguyện vọng nói trên là hoàn toàn chính đáng và được nhiều quốc gia ủng hộ. Việc gần đây xuất hiện nhiều bài viết, thông tin cố tình làm sai lệch sự thật về thành quả nhân quyền ở Việt Nam, từ đó lấy cớ cho rằng, Việt Nam “vi phạm về nhân quyền” và “không đủ tư cách ứng cử” là hoàn toàn lạc lõng, vô căn cứ

Đ.T.
.
.
.