Đề xuất tăng lương cơ sở 1,6 triệu đồng/tháng trong năm 2020
Chiều nay, 21-10, Quốc hội nghe báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
- Lấy ý kiến tăng lương tối thiểu vùng: Cả công nhân, doanh nghiệp cùng tâm tư
- Từ 1-7, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng
- Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2019
- Tăng lương tối thiểu lên 1,49 triệu đồng từ 1-7-2019
Theo Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, sự chủ động, tích cực của ngành tài chính, cùng với sự phối hợp có trách nhiệm cao của các cơ quan trong hệ thống chính trị đã nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ TCNS trong năm 2019 đã đề ra.
Tuy nhiên Uỷ ban TCNS lo ngại về sự bền vững của thu NSNN. Mặc dù ước thu NSNN năm 2019 là năm thứ tư vượt dự toán, nhưng còn chưa chắc chắn. Thu nội địa chỉ tăng 1,9% so với dự toán. Số thu NSNN thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng còn thấp. Năm 2019 nhiều địa phương ước thu thấp không đạt dự toán Chính phủ giao và HĐND giao. Một số địa phương là trọng điểm thu NSNN lại có tiến độ thu chậm, như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. |
Về thu từ thuế và thu từ các khu vực kinh tế, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN chỉ đạt 20,2%GDP, chưa đạt yêu cầu do Quốc hội đề ra là 21% GDP. Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. “Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp mới để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, góp phần bảo đảm thu NSNN ngày càng vững chắc hơn từ các khu vực kinh tế”, Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS Nguyễn Đức Hải nói.
Về chi NSNN năm 2019, Ủy ban TCNS nhận thấy, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để.
“Tuy nhiên vẫn có tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật; nhiều lễ hội, hội nghị, kỷ niệm ngày thành lập, tái thành lập, các lễ khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách, chưa thực sự tiết kiệm”, Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS lưu ý. Một số địa phương tự ban hành chính sách trong khi nguồn lực chưa thực sự chắc chắn, khiến việc cân đối ngân sách căng thẳng và khó khăn kéo dài trong nhiều năm...
Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS Nguyễn Đức Hải. |
Qua thẩm tra, Ủy ban TCNS tán thành với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bội chi, cân đối NSNN năm 2019. Theo đó, bội chi NSNN năm 2019 ước bằng 3,4%GDP; nợ công bằng 56,1%GDP, nợ chính phủ bằng 49,2%GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 45,8%GDP, đều giảm so với dự toán; bội chi ngân sách địa phương giảm so với dự toán Quốc hội quyết định (giảm 12.500 tỷ đồng).
Về tổng dự toán thu NSNN năm 2020, Chính phủ xây dựng tổng dự toán thu NSNN tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019. Ủy ban TCNS cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi sát tình hình, đánh giá tác động các khoản tăng thu và giảm thu NSNN trong năm 2020 để phấn đấu tăng thu ở mức cao hơn (khoảng 4-4,5%), tập trung các biện pháp để phấn đấu thu NSNN cao hơn so với mục tiêu đề ra của cả giai đoạn.
Đối với chi cải cách tiền lương, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng của Chính phủ. Một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi NSNN mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi đầu tư phát triển khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của NSĐP và 40% tăng thu của ngân sách Trung ương cho cải cách tiền lương.
Một số ý kiến đề nghị tăng phụ cấp công vụ, vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%; đề nghị dành một phần nguồn lực để tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993, vì mức thu nhập của các đối tượng này khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội...