Đề xuất lùi thời gian tính lương hưu mới, tránh việc phụ nữ bị thiệt thòi

Thứ Năm, 02/11/2017, 15:41
Sáng 2-11, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung có cuộc trao đổi với báo chí quanh đề xuất của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các đại biểu Quốc hội về việc dừng thực hiện khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về cách tính lương hưu từ 1-1-2018.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐTB&XH đã báo cáo Chính phủ vấn đề này, trong đó có phương án hoãn lộ trình thực hiện khoản 2, điều 56 đến năm 2022.  Cụ thể, theo cách tính lương hưu tại khoản 2, Điều 56, Luật BHXH thì nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (lên đến 10%).

“Nội dung này tôi đã phát biểu tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bàn về bình đẳng giới (tháng 9-2017), phiên họp của Uỷ ban Các vấn đề xã hội… Từ đó đến nay, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo đánh giá tác động, thống kê để xem cái gì được, cái gì chưa được. Mục tiêu là tiến tới cái tốt cho phụ nữ, tuy nhiên vừa qua chưa đạt được mong muốn vì chưa kéo dài được tuổi lao động của nữ, mặc dù chưa giải quyết được nhưng chúng tôi sẽ không để cho phụ nữ thiệt thòi” –Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, số liệu thống kê, tính đến ngày 1-1-2018, sẽ có khoảng 110.000 lao động nghỉ hưu trong đó có khoảng 50.000 lao động nữ và 60.000 lao động nam.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

Theo cách tính của khoản 2, điều 56 Luật BHXH thì nam thiệt ít hơn vì nam có lộ trình 5 năm, còn nữ thì tính ngay. Vì vậy trong 50.000 lao động nữ nghỉ hưu sẽ có khoảng 21.000 lao động nữ bị thiệt, trong số đó có khoảng 4.000 lao động nữ thiệt nhiều nhất khoảng từ 5-10% lương hưu. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ LĐTB&XH là đơn vị đề xuất Luật BHXH vì vậy sẽ có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ tính toán các giải pháp về việc dừng thực hiện khoản 2, điều 56, Luật BHXH. 

Trong đó các giải pháp phải đảm bảo các nguyên tắc: không để lao động nữ thiệt thòi; thực hiện có lộ trình; đảm bảo có đóng (BHXH) có hưởng; tạo điều kiện cho quỹ BHXH ổn định và phát triển bền vững, không tạo ra những bức xúc trong xã hội. “Vấn đề này Chính phủ phải thảo luận, Thủ tướng Chính phủ phải cho ý kiến sau đó mới trình Quốc hội, hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì mới thực hiện” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

BHYT nên có mệnh giá, nên ưu tiên người nghèo được hưởng mệnh giá cao nhất

Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, hiện nay, đang có sự xung đột rõ rệt và mạnh mẽ giữa Y tế và Bảo hiểm Y tế (BHYT) bởi theo chức năng của từng đơn vị thì ngành y tế cần có kinh phí để khám chữa bệnh cho bệnh nhân, còn BHYT thì phải cố gắng giữ tiền, không được để “vỡ quỹ”.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Trí, về lâu dài cần phải giải quyết được gốc rễ là cơ chế, luật định. Cụ thể như đóng BHYT có trần có mức nhưng thụ hưởng BHYT lại không có trần là vô lý. Mặt khác, hàng loạt quy định như giao quỹ, thông tuyến bảo hiểm, quy định thuốc nào, hướng dẫn điều trị như nào khiến cho hoạt động điều trị bị “rối tung”.

Việc soạn thảo văn bản luật duyệt thông qua theo đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng không có tính kịp thời, bởi một văn bản với 6.000 hướng dẫn điều trị mất 2 – 3 năm duyệt xong thì cũng đã lạc hậu. Việc ra văn bản như thế cũng làm mất đi tính mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo của người thầy thuốc. 

“Vấn đề là luật, cơ chế. Xin hãy để cho y tế có quyền quyết định trong các biện pháp điều trị, để cho BHYT làm đúng công việc của mình, đừng bắt họ làm ông chủ bất đắc dĩ. Xin để cho bệnh nhân tham gia BHYT như là người có quyền lựa chọn cho mình, phù hợp với đồng tiền đã đóng. Đừng để xã hội, nhân dân thi thoảng giật mình vì thông tin vỡ quỹ BHYT”, ông Trí nhấn mạnh

Đề xuất giải pháp, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng luật BHYT đã dần lỗi thời, cần sửa theo hướng BHYT phải có mệnh giá, thanh toán BHYT cũng phải có trần theo mệnh giá. Đồng thời cần có chính sách ưu tiên cấp thẻ BHYT cho người nghèo ở mệnh giá cao nhất có thể. Bên cạnh đó, người bệnh có quyền chọn cơ sở chữa bệnh, thầy thuốc, dịch vụ y tế, xét nghiệm...

Còn thầy thuốc, bệnh viện có quyền lựa chọn phác đồ tốt nhất có thể để điều trị cho bệnh nhân. BHYT cần trở lại công việc của chính mình chính là tuyên truyền vận động để bán bảo hiểm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để thanh toán bảo hiểm đúng, hợp lý và nhanh nhất, triển khai các hoạt động để hỗ trợ cho bệnh nhân có bảo hiểm được khám chữa bệnh tốt nhất. BHYT cũng phải tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt đông phòng ngừa bênh tật.

Ông Nguyễn Anh Trí cho biết, trong những năm quản lý bệnh viện (đại biểu Nguyễn Anh Trí nguyên là Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương), việc thanh quyết toán giữa bệnh viện và BHYT nhiều khi gặp trục trặc. Những lúc như thế hai bên thường ngồi lại trao đổi, tháo từng nút thắt theo cách “vừa có tình vừa có lý”.

“Chính vì vậy, giải pháp trước mắt với mâu thuẫn này, theo tôi, là các cấp của hai bên cần cởi mở, thẳng thắn, chân thành tháo gỡ vướng mắc vì lợi ích bệnh nhân. Nếu có bên thắng, bên thua thì bệnh nhân là người thiệt thòi nhất. Phải hai bên cùng thắng thì bệnh nhân mới thắng”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận định.


Thu Thuỷ
.
.
.