Đẩy nhanh giải quyết chi trả, bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển
Là tỉnh trọng điểm về nghề cá, Quảng Bình có hơn 4.000 tàu cá, trong đó có hơn 2.700 tàu dưới 90CV, khai thác gần bờ. Số lao động trực tiếp trên các tàu cá là trên 15.000 người, số lao động tham gia dịch vụ nghề cá trên 45.000 người.
Hơn 3 tháng qua, với sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nên Quảng Bình được đánh giá là tỉnh làm tốt công tác chi trả, bồi thường thiệt hại cho người dân sau sự cố môi trường biển miền Trung.
Chúng tôi về các làng chài ven biển huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi nhiều năm qua được ngư dân miền Trung xem như “thủ phủ” đóng tàu đi biển, và cũng là nơi có số lượng lớn ngư dân thường đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngư dân xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình nhận tiền đền bù thiệt hại sự cố môi trường biển. |
Nhiều tháng qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch trực tiếp cắt cử cán bộ thường xuyên về với bà con. Mỗi cán bộ về cơ sở có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, đối thoại trực tiếp, thông tin đầy đủ về các chủ trương, chính sách, cách thức giải quyết đền bù thiệt hại để người dân biết.
Ngay sau khi có tiền đền bù, huyện Bố Trạch đã lập ra Ban về giải quyết đền bù. Sau khi có kết quả đánh giá, đền bù thì thẩm định lại nhiều lần theo các bước: Thông tin về đối tượng, hỗ trợ, đền bù phải rõ ràng, khách quan…
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bố Trạch cho biết, Bố Trạch là địa phương có 1.520 chủ tàu với 3.020 lao động trên tàu, và lao động giản đơn liên quan đến nghề biển khoảng 14.700 người, nuôi trồng thủy hải sản trên diện tích 99ha. Đến nay, Bố Trạch đã chi trả đền bù 606 tỷ đồng cho người dân trên địa bàn liên quan đến sự cố môi trường biển…
Hơn 3 tháng qua, chính quyền xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, nơi có 95% người dân làm nghề biển đã tổ chức nhiều cuộc họp từ thôn, xóm rồi đối thoại với bà con để thống nhất phương án hỗ trợ.
Tất cả người dân nằm trong diện đối tượng được hỗ trợ, đền bù từ chủ tàu, thuyền viên đánh cá, làm việc liên quan đến nghề cá… đều được niêm yết danh sách, số tiền được nhận ở UBND xã. Chính nhờ sự công khai, minh bạch, đúng đối tượng nên bà con ngư dân thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh đến Nhà văn hóa thôn nhận tiền đều vui mừng, phấn khởi.
Anh Hoàng Việt Phong, chủ tàu đánh cá đến nhận tiền cho các thuyền viên cho biết, từ tối qua anh em làm nghề biển đi chung tàu với anh Phong đã ngồi lại với nhau, thống nhất để anh đi nhận tiền rồi về chia lại cho các thuyền viên theo quy định được hỗ trợ.
Bởi nếu cùng đi nhiều người lại gây khó khăn cho Ban chi trả. Số tiền nhận được một lần này sau khi chia cho các thuyền viên, số tiền còn lại anh Phong sẽ thêm vào để mua máy lớn đánh bắt xa bờ.
Anh Nguyễn Ngọc Hiếu-Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh cho biết: “Sự cố môi trường đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân, giờ cán bộ thôn, xã cũng vui lây khi bà con được nhận tiền đền bù, hỗ trợ. Nếu làm không tốt công tác chi trả sẽ gây mất đoàn kết trong nhân dân.
Vì vậy, UBND xã Bảo Ninh đã thực hiện niêm yết công khai chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển”. Nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình như thị xã Ba Đồn, TP Đồng Hới, huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Trạch… thực hiện đồng loạt chi trả tiền bồi thường cho người dân.
Trong đó nhiều xã, phương có số tiền chi trả rất lớn song đều diễn ra tốt đẹp, người dân phấn khởi nhận tiền tiếp tục hành nghề biển như: xã Quang Phú, TP Đồng Hới chi trả, hỗ trợ, đền bù đến 26 tỉ đồng, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn chi trả 8 tỉ đồng, hai xã Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy chi trả hơn 19,5 tỉ đồng…
Ngày 17-6, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện toàn tỉnh có 62/65 xã được UBND các huyện, thành phố, thị xã đã phê duyệt bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 2.236 tỷ đồng, giải ngân 2.145 tỷ đồng, đạt gần 92% kinh phí cấp tạm ứng cho các huyện bị ảnh hưởng.
Đối với số hải sản tồn kho, tính đến ngày 14-6-2017, các địa phương đã giải ngân số tiền hơn 38,780 tỷ đồng trên tổng số gần 54,610 tỷ đồng đã được cấp huyện phê duyệt để bồi thường, hỗ trợ cho trên 2.590 tấn hải sản tồn kho.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị và địa phương có đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển đã kịp thời xử lý những vướng mắc ngay tại cơ sở, đặc biệt là địa bàn phức tạp về tình hình an ninh, trật tự nên việc kê khai, bồi thường thiệt hại được thực hiện khẩn trương, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Hiện nay, lãnh đạo tỉnh đang chỉ đạo các ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác, như: Phê duyệt danh sách các xã, phường, thị trấn ven biển, cửa sông thuộc huyện, thành phố, thị xã bị ảnh hưởng; cấp thẻ bảo hiểm cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển năm 2017-2018; thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non, phổ thông và sinh viên đại học các vùng bị ảnh hưởng; hoạt động cho vay, khoanh nợ hỗ trợ ngư dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề...
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương sớm giải quyết những tồn tại, vướng mắc, thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đúng đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, ổn định tình hình, đảm bảo an ninh, trật tự, trật tự an toàn xã hội, hoàn thành việc chi trả bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển trước ngày 30-6-2017.