Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Pháp

Thứ Ba, 19/05/2020, 08:26
Những năm tháng sống và đấu tranh trên đất Pháp từ khi còn trẻ của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong ký ức tập thể của nước Pháp.

Trong khuôn viên xanh mát của Bảo tàng lịch sử sống tại thành phố Montreuil, ngoại ô phía Đông thủ đô Paris, có một căn phòng nhỏ, chỉ chừng 10m2. Khách tham quan đặt chân vào bảo tàng sẽ lập tức nhìn thấy một hành lang nhỏ hẹp bên tay trái dẫn đến căn phòng. Trên bức tường hành lang là những tấm ảnh của một nhân vật đã ghi dấu ấn lớn trong lịch sử thế giới của thế kỷ 20 – Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, lãnh tụ của phong trào cộng sản và phong trào đấu tranh của những dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Căn phòng Hồ Chí Minh trong bảo tàng Montreuil.

Các bức tranh sắp xếp trên tường như một chiếc đồng hồ thời gian quay ngược. Từ một bài báo của tờ “Chiến đấu vì hoà bình” năm 1953, đến bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp cùng Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet năm 1946 khi sang Pháp đàm phán. Cuối hành lang, trước cánh cửa bước vào căn phòng là một tấm biển gỗ rất nhỏ cùng dòng chữ “Chụp chân dung – Phóng to ảnh – Nguyễn Ái Quốc, ngõ Compoint, Paris quận 17”. Ngay cạnh đó, là cánh cửa gỗ cùng số nhà “số 9”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ký bản tạm ước ngày 14/9/1946. 

Đó là những đồ vật nguyên bản, gợi lại những ký ức sống động nhất về những năm tháng trên đất Pháp của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc trong những ngày đầu tiên dấn thân trên con đường đấu tranh tìm kiếm độc lập, tự do cho quê nhà An Nam.

Tháng 6/1919, cái tên Nguyễn Ái Quốc bắt đầu được chú ý khi một người thanh niên xa lạ tìm đến tận nhà của Jules Cambon, một thành viên trong phái đoàn Pháp dự Hội nghị hoà bình Versailles để tìm cách gửi bản yêu sách 8 điểm của Nhân dân An Nam lên bàn hội nghị của những cường quốc. Đó là dấu mốc đánh dấu thời điểm bắt đầu cuộc đấu tranh về sức lực và trí tuệ của Nguyễn Ái Quốc trên đất Pháp, trong sự theo dõi gắt gao của chính quyền Pháp.

Để mưu sinh, ban ngày Nguyễn Ái Quốc làm thợ chụp ảnh, chấp nhận sống kham khổ trong căn phòng nhỏ ở ngõ Compoint và dùng hầu hết số tiền kiếm được để mua các tờ báo cánh tả cấp tiến, đặc biệt là báo “Nhân đạo”. Ông cũng lui tới hầu hết các cuộc gặp gỡ tranh luận chính trị, nghệ thuật, kết giao với nhân sĩ yêu nước người Việt và những người đấu tranh đến từ các nước thuộc địa châu Á, châu Phi. Ông tranh luận, viết báo và thậm chí viết cả một vở kịch mang tên “Con rồng tre” trình diễn tại Câu lạc bộ Faubourg. Nhưng ngòi bút là phương tiện đấu tranh ghi dấu ấn sâu đậm nhất của Nguyễn Ái Quốc.

Cánh cửa của số nhà số 9 căn nhà ở ngõ Compoint.

Từ 1920 đến 1923, Nguyễn Ái Quốc viết khoảng 20 bài trên tờ «Nhân đạo», chủ yếu về Đông Dương, nhưng cũng không thiếu các bài viết về quốc tế. Nguyễn Ái Quốc viết về sự nghèo khổ của người da đen châu Phi, về phong trào công nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, về cuộc đấu tranh của nhân dân Triều Tiên.

Nhưng trên hết, và quan trọng nhất, là về vấn đề thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc chính là một trong những người đầu tiên khiến vấn đề thuộc địa trở thành một trong những phương hướng đấu tranh quan trọng của những người cộng sản Pháp. Và để làm điều đó, Nguyễn Ái Quốc không ngần ngại bảo vệ đến cùng lý tưởng của mình. Ngày 25/5/1922, trên tờ «Nhân đạo», Nguyễn Ái Quốc thậm chí viết cả một bài báo chỉ trích chính sự thụ động của những người đồng chí cộng sản Pháp, mà ông là một thành viên, phê phán sự thờ ơ của giai cấp vô sản tại nước Pháp lục địa đối với các thuộc địa. Marchel Cachin, Tổng biên tập tờ «Nhân đạo» ngày đó nhận xét rằng «ngay từ đầu Nguyễn Ái Quốc đã là một người cực kỳ thông minh và quyết liệt».

Cũng trong giai đoạn đấu tranh đó, Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng được mạng lưới đồng chí, bè bạn thân thiết mà sau này, nhiều người trong số họ không bao giờ quên được sự chân thành và son sắt trong con người ông. Nhà sử học Pierre Brocheux, tác giả cuốn sách «Hồ Chí Minh» nhận xét, từ những ngày đó cho đến về sau, Hồ Chí Minh luôn là con người thành thật, chân thành, đầy viễn kiến và đặc biệt kiên định.

Ông Brocheux kể lại một câu chuyện mà theo ông dù nhỏ, nhưng cũng nói lên rất nhiều về Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh. Theo lời kể của ông, khi Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, ông có quen biết với một nhà báo của tờ “Nhân đạo”. Sau Đại hội Tours năm 1920 dẫn đến việc phân rã, Nguyễn Ái Quốc tham gia đảng Cộng sản Pháp còn nhà báo kia vẫn là người của đảng Xã hội. Nhưng hai người vẫn duy trì tình bạn thân thiết. Cả trong những thời điểm chiến tranh, cả hai vẫn liên lạc với nhau, gửi điện tín cho nhau qua trung gian ở Hồng Kông. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nhà báo Pháp đó nói rằng, dù cả hai có những khác biệt về lý tưởng chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là người bạn thuỷ chung và bền vững nhất trong cuộc đời ông.

Nhà sử học Pierre Journoud, chuyên gia về chiến tranh Đông Dương và chính sách đối ngoại của Pháp thời đó, thì có một nhận định khác rất riêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông Journoud, chính những năm tháng bôn ba hiếm có từ khi còn trẻ, từ châu Mỹ, đến châu Âu, châu Á, và đặc biệt là những năm tháng đầu tiên đấu tranh trên đất Pháp, đã là hoàn cảnh tuyệt vời để rèn luyện và phát lộ những phẩm chất của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh như một chiến lược gia và nhà ngoại giao xuất sắc, điều đã thể hiện rất rõ trong những năm tháng khó khăn khi Việt Nam mới giành độc lập năm 1945.        

“Khi chúng ta tìm hiểu về chặng đường của Hồ Chí Minh, đặc biệt trong quãng thời gian ở Pháp, vốn được lưu trữ rất nhiều trong các tài liệu mật vụ Pháp, có thể thấy là dù rất trẻ nhưng ông đã sớm vượt lên trên các vị tiền bối người Việt, nhờ vào các phẩm chất của một người tổ chức biết tạo ra mạng lưới, nhờ tư chất của một người đàm phán và khả năng thuyết phục không chỉ những người xung quanh mà cả công chúng Pháp về tính chính đáng trong cuộc đấu tranh của mình»- nhà sử học Pierre Journoud kể.

Ông Gilbert Schoon.

Còn đối với những người làm bảo tàng như ông Gilbert Schoon, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử sống ở Montreuil và là người đã trực tiếp thuyết trình không biết bao nhiêu lần về không gian Hồ Chí Minh, thì giai đoạn người thanh niên Nguyễn Ái Quốc sinh sống và đấu tranh trên đất Pháp đã để lại một ký ức sống với nhiều thế hệ người Pháp.

Những người Pháp có thể đến đây và nhận ra rằng, thực sự là đã có một con người mà tầm vóc đủ để thay đổi lịch sử nhân loại trong thế kỷ 20, lại đã từng sống như thế trên đất Pháp. Theo ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một con người như bao người khác. Ông không phải vị Thánh, không phải người đứng trên tất cả mọi người. Ông là một biểu tượng, là người dẫn dắt nhưng ông là một con người bình dị.

Ông Gilbert Schoon ấn tượng sâu sắc về những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm, cho không chỉ đất nước Việt Nam mà cho cả thế giới, bởi vì ông đã cho thế giới thấy là các dân tộc bị nô dịch có thể đứng lên đấu tranh để giải phóng khỏi các thế lực thực dân ngoại bang. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra cánh cửa để rồi sau đó các dân tộc khác như Algeria và nhiều nước khác đã tiếp bước để giành lấy quyền tự quyết./.

B.S (Theo VOV)
.
.
.