Đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc luật hoá cấp thị thực điện tử

Thứ Ba, 29/10/2019, 17:54
Việc luật hoá cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là hết sức cần thiết trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay - đại biểu Quốc hội đánh giá khi thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tham gia góp ý hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chiều 29-10, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đào Thanh Hải (TP Hà Nội) đánh giá việc luật hoá cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là hết sức cần thiết trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay.

Đại biểu Đào Thanh Hải phát biểu chiều 29-10. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cũng cần bỏ quy định “miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam 30 ngày” để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Thiếu tướng Đào Thanh Hải cho biết, theo quan điểm của Bộ Công an là chúng ta cần đối đẳng ngoại giao với điều kiện quốc gia đó phải có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho người Việt Nam.

Về việc sửa đổi ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng nâng thời gian tối đa của thẻ tạm trú lên 10 năm, ĐBQH Đào Thanh Hải cho rằng nhằm khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược hoặc đầu tư vào lĩnh vực địa bàn ưu tiên, cần thời gian dài; đồng thời đề nghị phân loại các nhà đầu tư để phân biệt các nhà đầu tư chiến lược, có tính chất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam.

ĐBQH Võ Đình Tín (Đắk Nông) cũng bày đồng tình việc dự án Luật có nội dung bổ sung quy định về điều kiện đơn phương miễn thị thực cho công dân của một số nước bởi đây là yếu tố quan trọng để các nước nhìn thấy thiện chí của Việt Nam, từ đó đảm bảo quyền lợi tương ứng cho công dân Việt Nam. “Với số lượng khoảng 10 triệu lượt người ra nước ngoài hàng năm thì việc đảm bảo cho công dân Việt Nam được đối xử bình đẳng là điều hết sức cần thiết”, đại biểu lập luận.

Đại biểu Võ Đình Tín phát biểu chiều 29-10.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Nhân Chiến (Bắc Ninh) nhấn mạnh thêm việc ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ góp phần thu hút người nước ngoài tới Việt Nam.

Từ thực tiễn địa phương, nhất là các địa phương có nhiều khu công nghiệp như Bắc Ninh, với hơn 10.000 người nước ngoài thường xuyên có mặt trên địa bàn thì việc ban hành luật sửa đổi bổ sung một mặt thắt chặt các quy định cần thiết để quản lý, mặt khác có những quy định mang tính mở, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị đặt ra quy định, điều kiện cụ thể đối với các đối tượng được chuyển đổi mục đích thị thực vì lí do chính đáng để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng...

ĐBQH Triệu Tài Vinh (Hà Giang) khẳng định nhu cầu được cấp thị thực của người dân rất lớn, nhất là người dân tại các địa phương khu vực biên giới. Dẫn ví dụ về trường hợp của tỉnh Hà Giang phần lớn người dân sang Trung Quốc lao động dưới dạng phi pháp nên họ rất muốn được cấp thị thực để sang lao động một cách hợp pháp.

“Mong muốn của lãnh đạo tỉnh là người dân Hà Giang được đi lao động Trung Quốc một cách chính thức, được pháp luật bảo hộ. Trong một số trường hợp cụ thể với bộ phận người dân thì hộ chiếu phổ thông nên là chính sách. Hội nhập ngày càng sâu rộng thì có hộ chiếu cũng giống chứng minh thư để quản lý người dân. Có hộ chiếu thì cũng như chính sách giúp người dân ở biên giới được pháp luật bảo hộ”, đại biểu nêu quan điểm.

Bảo Quân - Thiện Nhân
.
.
.