Đặc xá thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với người phạm tội

Thứ Năm, 05/04/2018, 13:47
Ngày 5-4, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đã có phiên họp toàn thể lần thứ 9 lấy ý kiến về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội dự, phát biểu chỉ đạo; đồng chí Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì phiên họp.

Dự án Luật nhằm thể chế hoá những quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với người phạm tội, bị kết án phạt tù nhằm khuyến khích họ cải tạo tốt, sớm được trở lại với cộng đồng đồng để trở thành người có ích cho xã hội; xác định rõ những nguyên tắc pháp lý cơ bản, trình tự, thủ tục, đối tượng, tiêu chuẩn được hưởng đặc xá, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác trong việc đặc xá...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đặc xá do Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày nêu rõ, trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quy định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, qua đó đã đặc xá cho 85.897 phạm nhân, 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Trong thời gian từ năm 2009-2017, công tác thi hành án dân sự liên quan đến công tác đặc xá đã thi hành xong 199.109 việc với số tiền thu được hơn hơn 3 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước gần 1.500 tỷ thu bồi thường cho công dân, tổ chức xã hội hơn 1 nghìn tỷ, giá trị tài sản thu được là hơn 1 nghìn tỉ.

Kết quả thực hiện công tác đặc xá những năm qua cho thấy, đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá cơ bản phù hợp và có tính răn đe, giáo dục cao, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Công tác đặc xá được tiến hành theo quy trình xét duyệt thống nhất, khoa học và chặt chẽ, thể hiện sự công khai, dân chủ, minh bạch; khẳng định hiệu quả, thành tựu đổi mới công tác thi hành án phạt tù, nhất là sự đổi mới trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Qua đặc xá, đã khuyến khích phạm nhân học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, sớm trở về đoàn tụ với gia đình và cộng đồng. Tỷ lệ người được đặc xá tái phạm rất thấp. Với số lượng lớn người được đặc xá, tha tù trước thời hạn đã tiết kiệm được số kinh phí lớn trong việc đảm bảo ăn, mặc ở, khám chữa bệnh...

Tại phiên họp, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về thời điểm Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá là sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước nhưng chưa rõ sự kiện trọng đại của đất nước là sự kiện gì, ngày lễ lớn là ngày nào, đề nghị quy định rõ ngay trong dự thảo.

Vấn đề các đại biểu quan tâm nhất đó là điều kiện đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước (điều 10). Theo điều 10 của dự thảo Luật điều kiện được đặc xá là “phạm tội lần đầu đã chấp hành án phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quy định nhưng ít nhất là ½ thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn; đã chấp hành án phạt tù ít nhất 15 năm đối với trường hợp phạt tù chung thân” (tăng thời gian chấp hành án phạt tù so với Luật Đặc xá hiện nay).

Về điều này, có 2 nhóm ý kiến, nhóm thứ nhất tán thành vì điều kiện đề nghị được đặc xá chặt chẽ hơn, cơ bản khắc phục được tình trạng diện người được đặc xá có số lượng lớn.

Nhóm ý kiến thứ 2 cho rằng kể từ ngày 1-1-2018, hàng năm Toà án Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại điều 66 của Bộ Luật hình sự, do đó, số lượng người người để xem xét, đề nghị đặc xá không còn nhiều. Để đảm bảo đầy đủ đặc ân của Nhà nước, thì điều kiện đề nghị đặc xá cần thông thoáng hơn...; các đại biểu cũng góp ý về thủ tục, trình tự đặc xá; thực hiện quyết định đặc xá...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khẳng định việc sửa đổi Luật Đặc xá là là cần thiết; đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá tác động của việc sửa đổi bổ sung từng quy định trong dự thảo, nhằm làm rõ việc sửa đổi luật là cần thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đặc xá là chính sách khoan hồng của Nhà nước; đặc xá là đặc biệt nên trình tự, thủ tục cũng cần đặc biệt. Do vậy, ban soạn thảo cần làm rõ sự khác biệt về các quy định, điều kiện, thời điểm đặc xá trong dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) với việc áp dụng các quy định  trong điều 66 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, gia đình trong việc giúp người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, giảm thấp nhất tỷ lệ tái phạm sau khi được đặc xá; đồng thời đề nghị nên đặc xá 1 năm làm 1 lần, sự kiện trọng đại có thể là Quốc khánh hay ngày quan trọng khác...

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn thay mặt Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến, khẳng định những góp ý, đóng góp của đại biểu có nội dung hết sức quan trọng, là những vấn đề cần làm rõ hơn và thống nhất trước khi trình Quốc hội; đồng thời đề nghị các đại biểu tiếp tục có ý kiến để Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa.

Đồng chí Lê Thị Nga kết luận khẳng định đặc xá là đặc biệt, chính vì vậy, trình tự thủ tục phải công khai minh bạch; sửa đổi là phải có thay đổi, đảm  tính nghiêm minh của pháp luật nhưng vẫn thể hiện được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với người phạm tội; đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa để khi trình ra Quốc hội đảm bảo yêu cầu đặt ra.

Phương Thuỷ
.
.
.