Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước ta

Thứ Năm, 08/11/2018, 09:38
Sáng 7-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Các đại biểu cơ bản tán thành với các quan điểm, định hướng xây dựng dự án Luật, cho rằng đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định đối với người bị kết án phạt tù, do đó các quy định về đặc xá phải có sự khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác đang được giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện. Tính chất đặc biệt này phải được thể hiện ở các nội dung chủ yếu là thẩm quyền, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá.

Thời điểm nào sẽ đặc xá?

Về thời điểm đặc xá, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định ba thời điểm đặc xá gồm nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước.  

Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt); đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2/9, ngày Tết Nguyên đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4. Có ý kiến đề nghị làm rõ sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào; căn cứ, mức độ nào để xác định sự kiện trọng đại của đất nước..

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Quý (Hưng Yên) đồng tình về ba thời điểm đặc xá được quy định trong dự thảo Luật vì đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án, nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước.  

Đại biểu Lê Xuân Thân, Khánh Hòa.

"Với các chế định này, tôi đồng tình việc trong luật không quy định cụ thể về thời điểm đặc xá, không quy định tần suất thực hiện đặc xá, từ đó do Chủ tịch nước quyết định tùy tình hình đất nước cũng như thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung" - đại biểu Quý nói.

Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng đồng tình với dự thảo luật về giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì thực tiễn thi hành việc đặc xá đã khẳng định qua các lần đặc xá ở 3 thời điểm đặc xá nhân sự kiện trọng đại, nhân ngày lễ lớn của đất nước yêu cầu đối nội, đối ngoại của nhà nước trong thời gian vừa qua không phát sinh vướng mắc gì.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn còn những băn khoăn về quy định thời điểm đặc xá như trong dự thảo Luật. Theo đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình), sở dĩ nhiều đại biểu góp ý vào quy định này do hiện nay, theo quy định tại dự thảo về ba thời điểm đặc xá, ngày lễ lớn của đất nước đã có quy định tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP của Chính phủ. 

Còn hai thời điểm sự kiện trọng đại của đất nước và sự kiện đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước thì chưa có văn bản nào quy định, và cũng chưa có giải thích cụ thể nên các đại biểu còn băn khoăn. 

"Chúng tôi nhận thức rằng, theo quy định về thẩm quyền đặc xá, thời điểm đặc xá, nhưng không nhất thiết đến thời điểm đó phải thực hiện đặc xá, mà việc đặc xá hay không là do Chủ tịch nước quyết định. Và trong nhiều năm qua vẫn thực hiện như vậy" - đại biểu Mai Khanh kiến nghị.

Điều kiện thế nào để được đặc xá?

Đây là vấn đề lớn thứ 2 mà các đại biểu quan tâm. Đó là những người có điều kiện như thế nào sẽ được đặc xá. 

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng việc quy định người bị kết án phạt tù được đề nghị đặc xá đã chấp hành án phạt tù do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất 1/3 thời gian như quy định tại điểm b, khoản 11 sẽ dẫn đến cách hiểu là: mặc dù người bị kết án phạt tù có thời hạn đã chấp hành được 1/3 mức phạt tù có thời hạn và đáp ứng các điều kiện còn lại quy định tại Điều 11 của dự thảo luật nhưng họ chưa chắc được đặc xá vì họ còn phải phụ thuộc vào việc xem xét và quyết định của Chủ tịch nước về thời gian chấp hành án phạt tù. 

“Tôi đề nghị chỉ cần quy định người bị kết án đáp ứng được điều kiện về mức thời gian tối thiểu chấp hành án phạt tù và các điều kiện được đặc xá theo quy định tại Điều 11 dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) thì sẽ được đề nghị đặc xá chứ không nên quy định Chủ tịch quyết định thời gian chấp hành án phạt tù khác với thời gian quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 dự thảo” – đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) quan tâm đến các trường hợp được Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành án phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định như đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù. Người có công với cách mạng, người từ đủ 70 tuổi trở lên, người phạm tội là người dưới 18 tuổi… 

“để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất, cần quy định thời gian chấp hành án thấp nhất là bao lâu,  tránh đề xuất để khó tùy nghi, không đảm bảo sự công bằng” – đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo quy định người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân được, không còn nguy hiểm cho xã hội, có kết luận giám định y khoa xác nhận bệnh như dự thảo là quá rộng, dễ bị lợi dụng kẽ hở để lách luật, chạy giấy xác nhận về tình trạng bệnh tật và kết luận giám định để được hoãn tạm đình chỉ, chấp hành án đặc xá, như vấn đề chạy án tâm thần để thoát án tù. 

Do vậy, chỉ nên giới hạn công nhận kết luận của Hội đồng giám định y khoa và tổ chức khác để đảm bảo tính chính xác.

Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị cần quy định giám định y khoa của cấp nào hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền thì Sở Y tế hay Bộ Y tế. 

“Theo tôi, điểm c khoản 2 Điều 11 được cụ thể như sau: Người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân được, không còn nguy hiểm cho xã hội có kết luận giám định y khoa của cấp tỉnh hoặc cấp trung ương hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế, Sở Y tế, Bộ Y tế” đại biểu đề nghị.

Đại biểu Dương Ngọc Hải, TP HCM.

Người chưa thực hiện xong nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại có được đặc xá?

Đây cũng là vấn đề các đại biểu đặc biệt quan tâm bởi quy định thế nào để vẫn thể hiện được sự khoan hồng đối với người phạm tội cải tạo tốt nhưng vẫn thu hồi được tài sản cho nhà nước, công dân và bồi thường cho bị hại.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho rằng, dự thảo quy định về điều kiện thời gian chấp hành hình phạt tù, phạt bổ sung về điều kiện phạt tiền và án phí là điều kiện bắt buộc. Quy định như vậy phù hợp với chính sách nhân đạo và khoan hồng của Đảng và Nhà nước, khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật đối với người phạm tội nhất là đối tượng phạm tội tham nhũng và kinh tế.

Đối với đối tượng đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, dự thảo luật quy định cho tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt bổ sung đối với họ, thể hiện chính sách hình sự của nhà nước ta.

Cũng đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn) cho rằng, tại điểm d khoản 1 Điều 11 có quy định về người được đặc xá lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, không thể thực hiện được phần nghĩa vụ còn lại thì phải có quyết định của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền về việc chưa có điều kiện thi hành án. 

Đại biểu nhấn mạnh: “Tôi đồng ý nội dung này, tuy nhiên để đảm bảo người được đặc xá thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm bồi thường, đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan chức năng trong giám sát, đôn đốc người được đặc xá thực hiện nghĩa vụ đã cam kết, quy định rõ thời hạn người được đặc xá thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, thực hiện các nghĩa vụ công dân khác, quy định các chế tài xử lý đối với người được đặc xá không thực hiện nghĩa vụ”.

Các đại biểu còn quan tâm thảo luận về trách nhiệm của Toà án, Viện Kiểm sát trong thực hiện đặc xá, trình tự, thủ tục xét đặc xá công tác tái hoà nhập cộng đồng cho người được đặc xá…

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề, trong đó, nhấn mạnh đến thẩm quyền của Chủ tịch nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh “Bản chất đặc xá là xá tội trong trường hợp đặc biệt, tức là tha bổng do người đứng đầu nhà nước quyết định cho nên đã tha là tha bổng luôn chứ không có quy định thời gian thử thách để sau đó không đáp ứng điều kiện này để bắt lại”.

Về đối tượng đề nghị đặc xá, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, dự thảo có thêm đối tượng được tạm đình chỉ  thi hành án vì đối tượng được tạm đình chỉ, tạm đình chỉ khác với người được hoãn. 

Tạm đình chỉ người ta có thể vào và đã chấp hành một phần hình phạt tù nhưng do có những điều kiện, lý do sức khỏe, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi và một số lý do khác nên được tạm đình chỉ cũng được xét đặc xá. Nhưng rõ ràng những người này đã có một thời gian chấp hành hình phạt tù cho nên vẫn phải đáp ứng điều kiện như đã được xếp loại tốt và một số điều kiện khác.

Phương Thuỷ
.
.
.