Cán bộ thuế chỉ đường cho doanh nghiệp trốn thuế để “chia quả”?

Thứ Hai, 12/11/2018, 11:53

Sáng nay, 12-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.



Nhiều doanh nghiệp không chấp nhận phong bì “dưới gầm bàn” để nộp thuế nhanh chóng

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, lâu nay qua tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp thì ông thấy hai hiện tượng kéo dài cả chục năm nay, một là trốn thuế, nợ thuế kéo dài dai dẳng làm tổn thương ngân sách và hai là cán bộ thuế tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp cách trốn thuế, “chia quả”.

“Nếu doanh nghiệp bị nhũng nhiễu thì họ kêu nài nọ kia, mà gần đây nhất là vừa rồi có doanh nghiệp gửi thư cho Tổng Bí thư, Thủ tướng đã chỉ đạo xem xét. Nói “trên nóng dưới lạnh” tức là ở dưới vẫn còn nhiêu khê lắm, chưa có chuyển động, mà cố tình nhũng nhiễu, quan liêu để doanh nghiệp phải chung chi, “lót tay” thì họ than phiền là đúng. Nhưng ngược lại nếu có sự thoả thuận của cán bộ thuế chỉ vẽ, hướng dẫn để trốn thuế thì doanh nghiệp đâu có kêu, vì doanh nghiệp có lợi, đôi bên cùng có lợi, chỉ có nhà nước là thiệt” – ông nói.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa thảo luận tại tổ sáng 12-11

Đại biểu đề nghị tăng cường quyền và nghĩa vụ của cán bộ ngành thuế để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, đây là điều mà Luật chưa nêu được. Trong đó phải có nghĩa vụ tận tâm hướng dẫn doanh nghiệp nộp thuế nhanh chóng, đầy đủ, tiện lợi. Bởi rất nhiều doanh nghiệp chỉ muốn hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế một cách nhanh chóng, không mất nhiều thời gian.

“Đặc biệt đối với nhóm cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, “lót tay” chỉ vài ba trăm ngàn thôi họ cũng không chấp nhận được vì luật của nước họ tuyệt đối cấm vấn đề hối lộ. Họ nói chẳng thà anh bắt tôi đóng thêm khoản gì chính thức, có hoá đơn chứ không thể bắt tôi đưa những phong bì “dưới gầm bàn” cho nhanh chóng, dễ dàng” – ĐBQH Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn đề cập.

Theo ông, doanh nghiệp không làm việc với cơ quan thuế mà chỉ làm việc với cán bộ, do đó quy định quyền và nghĩa vụ của cán bộ ngành thuế cũng là công cụ để cán bộ ngành thuế tự kiểm tra, tự chấn chỉnh. ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất xây dựng điều cấm cán bộ thuế hướng dẫn, thoả thuận với những người đóng thuế để trốn thuế. Đây là hiện tượng kéo dài mà doanh nghiệp cũng được hưởng lợi nên họ không bao giờ nêu ý kiến.

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nếu có một bộ tiêu chí đánh giá đầu tư công thì sẽ là giải pháp để chống đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

“Các nước có bộ tiêu chí đánh giá đầu tư công không? kể cả dự án BOT cũng dự toán lãi được hết, kiểm soát ngay từ đầu được, đảm bảo mức lãi tối thiểu cho nhà đầu tư là bao nhiêu. Thí dụ ta bỏ tiền xây dựng cầu Thủ Thiêm đến nay đem lại hiệu quả gì? Theo tôi nghĩ, các quốc gia khác đo được, lượng hoá được, có bộ tiêu chí đánh giá từ khi quyết định chủ trương đầu tư. Sau này làm xong họ sẽ đánh giá có đạt được hiệu quả như kế hoạch ban đầu hay không, và đạt cho ai. Quốc tế họ có như vậy, chúng ta nên học” – ông Nghĩa nêu quan điểm.

Ông cũng cho rằng, Bộ Tài Chính và Chính phủ cần xây dựng bộ tiêu chí đó, còn hơn là đi rà soát, bắt bẻ nhau, ngành này đá qua ngành kia đá lại nhưng không có tiêu chí khoa học để xác định.

Đầu tư công phải có trọng tâm trọng điểm, tránh cào bằng

“Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nghị quyết của Đảng đã nói rõ là tuân thủ những nguyên tắc, quy luật khách quan của kinh tế thị trường. Mà kinh tế thị trường nói rằng, đầu tư phải có hiệu quả. Nói nôm na, khi vắt sữa một con bò mà muốn nhiều sữa, sữa tốt thì phải cho nó ăn ngon, nhiều hơn, thậm chí có nơi cho nó nghe nhạc. Do đó trong đầu tư cũng vậy, nơi có tiềm năng hay tạo ra hiệu quả cao phải được điều tư một cách thoả đáng, thích đáng”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lý giải.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến

Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Phú Quốc (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Đã đầu tư là phải có hiệu quả. Phải có nghiên cứu, định tính định lượng về vấn đề này. Từ đó sau 3 năm hay 5 năm khi kết thúc nhiệm kỳ sẽ đánh giá được hiệu quả, tránh tình trạng cào bằng, tỉnh nào cũng đầu tư, không có trọng tâm trọng điểm. Chỉ khi đầu tư có trọng tâm trọng điểm mới có động lực để phát triển, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư…” – đại biểu nêu.

Ông cũng lưu ý, dự án và nguồn vốn đầu tư công phải phù hợp với Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và địa phương, nếu không đầu tư công sẽ đi lạc hướng.

Trong khi đó, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho hay, hai dự án Luật mà Quốc hội bàn hôm nay có mối tương quan với nhau. “Vì Luật Quản lý thuế (sửa đổi) giúp chống thất thu thuế tốt thì mới có tiền đầu tư công. Ngược lại đầu tư công tốt thì người nộp thuế mới cảm thấy hài lòng”, ông nói.

Đại biểu phân tích một loạt hạn chế trong đầu tư công hiện nay: Khâu giải ngân bị chậm so với vốn bố trí; thủ tục triển khai 1 dự án đầu tư công quá kéo dài, do đó phải liên tục điểu chỉnh dự toán, trong khi điều chỉnh lại chờ bố trí vốn, gây lãng phí… Từ đó ông đề nghị giảm quy trình thủ tục trong xét dự án đầu tư công.

Đối với nguồn vốn, ông cho rằng phải quan tâm nguồn đầu tư công, xem xét dự án đó thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định hay HĐND quyết định chứ đừng dựa theo số vốn.

“Nếu ngân sách địa phương thì hãy để HĐND quyết định, dù chương trình có thể 30-40 ngàn tỷ. Nhưng nếu dự án 2-3 ngàn tỷ nhưng thuộc ngân sách Trung ương thì Quốc hội phải xem xét. Vừa qua một số dự án không hiệu quả, dẫn đến xây những công trình chưa phải cấp thiết” – ĐBQH Trần Hoàng Ngân góp ý kiến.


An Quỳnh
.
.
.