Còn nhiều thách thức trong công tác phòng chống tội phạm ma túy

Thứ Sáu, 04/10/2019, 15:49

Sáng 4-10, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Đánh giá thực trạng tình hình công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn thành phố trong thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới.


Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Thành ủy, các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…; lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh và các sở ban ngành của thành phố. Hội nghị được truyền trực tuyến đến 24 quận huyện của thành phố.

Các đại biểu dự hội nghị.

Theo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trong những năm qua, tình hình các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy tiếp tục tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, các tổ chức, đường dây, băng nhóm gia tăng hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất trái phép các chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp (MTTH) (trong 5 năm gần đây tỷ lệ MTTH thu giữ tăng bình quân hàng năm là 105,75%, riêng trong 6 tháng đầu năm 2019 thu giữ hơn 1.165 kg).

Các băng nhóm, đường dây tội phạm ma túy có tổ chức mạng lưới linh hoạt nhưng chặt chẽ, cùng lúc buôn bán nhiều loại ma túy chứ không đơn thuần mua bán chuyên về heroin hoặc MTTH như trước đây. Các đối tượng thường trang bị vũ khí quân dụng nhằm mục đích để thanh toán lẫn nhau và sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, truy đuổi…

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị.

Hoạt động trung chuyển, tái xuất ma túy và tiền chất qua địa bàn thành phố với qui mô ngày càng lớn và thành phần đối tượng đa dạng hơn. Ban đầu hoạt động tái xuất chỉ dùng đường hàng không với thủ đoạn cất giấu trong hành lý, giấu nuốt vào cơ thể hoặc chèn giấu trong bưu phẩm qua dịch vụ chuyển phát nhanh với số lượng có giới hạn; do các đối tượng gốc Việt ở nước ngoài và sau đó là các đối tượng gốc Phi cầm đầu, lôi kéo, dụ dỗ phụ nữ Việt Nam là sinh viên du học nước ngoài, hướng dẫn viên du lịch biết tiếng nước ngoài, phụ nữ trung niên hoặc nữ nhân viên, khách nữ tại các quán bar tham gia (ghi nhận từ năm 2012 đến 2018 đã phát hiện 125 vụ, khởi tố 71 bị can trong 50 vụ án; thu giữ 49,11 kg và 6,03 lít tiền chất ma túy PSE, 33,71 kg Cocain; 29,97kg heroin và 49,83 kg MTTH).

Gần đây, hoạt động trung chuyển ma tuý (cả heroin lẫn MTTH) từ Tam Giác Vàng sang Đài Loan và Philippines do các đối tượng người Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu móc nối với các đối tượng trong nước từ khu vực Tam Giác Vàng qua các tỉnh miền Trung, miền Bắc rồi thuê xe vận chuyển ma túy vào thành phố, cất giấu tại các kho bãi thuế của tư nhân, doanh nghiệp tại các khu vực vùng ven; sau đó trung chuyển qua các cảng biển trên địa bàn thành phố; thủ đoạn ngụy trang dưới dạng hàng hóa xuất khẩu như trà, loa, hạt nhựa...

Đáng chú ý là thực trạng đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa và sử dụng cùng lúc nhiều loại ma túy, nhất là sử dụng MTTH tại những nơi kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường, karaoke, các loại hình nhà nghỉ không giường, trang bị đèn xoay và ampli, loa phát nhạc kỹ thuật số (phòng lắc)...

Về công tác cai nghiện, ngoài hình thức cai nghiện tập trung và bắt buộc, Việt Nam đã học tập và thử nghiệm nhiều bài thuốc và giải pháp cai nghiện, nhưng đến nay chưa có giải pháp nào được khẳng định có thể áp dụng rộng rãi cho mọi nơi và mọi trường hợp nghiện đạt hiệu quả cao.

Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết từ năm 2010 đến nay, công tác phòng, ngừa đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy trên địa bàn thành phố đạt kết quả, đã phát hiện, điều tra khám phá 15.537 vụ - bắt 31.330 tên, khởi tố 11.542 vụ - 15.452 tên, xử lý hành chính 3.773 vụ - 15.838 tên (thu giữ 549,204kg heroin; 75,777kg cocain; 2,25kg thuốc phiện; 117,773kg cân sa; 2.452,903kg ma túy tổng hợp; 49,618kg PSE; 1.900 ống Morphine; 55kg cỏ Mỹ; 178 khẩu súng các loại; hơn 1.275 viên đạn các loại; 2 quả lựu đạn; 93 xe ôtô; 10.464 xe gắn máy; 17.940 điện thoại di động; 907 cân tiểu ly; gần 90 tỷ đồng; 973.000 USD; 7.000 AUD...).

Từ các vụ án khám phá gần đây, cho thấy TP Hồ Chí Minh vừa là đầu mối trung chuyển ma túy vừa là nơi tiêu thụ với số người nghiện, người sử dụng trái phép ngày càng tăng; tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm, gây hệ lụy lớn đến tình hình an ninh trật tự toàn địa bàn thành phố.


Đại tá Đinh Thanh Nhàn báo cáo tại hội nghị.

Tại hội nghị, các quận, huyện và sở ngành cũng có những phát biểu tham luận xoay quanh thực tế và những tồn tại khó khăn trong công tác phòng chống tội phạm ma túy và cai nghiện tại địa phương.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh sau 10 năm thực hiện Chỉ thị về phòng chống, kiểm soát tội phạm ma túy, thành phố đã đạt được nhiều thành quả; tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại chưa khắc phục, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Ma túy là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm, đang trở thành hiểm họa đối với quốc gia, tổn hại sức khỏe người dân. Tuy nhiên, thành phố sẽ không chấp nhận thực trạng này, vì ma túy đang đe dọa nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, cuộc sống của người dân. Do đó, phải tùy theo điều kiện từng nơi để đưa ra các biện pháp giảm tác hại của ma túy và tội phạm liên quan đến ma túy.

Đề cập đến các giải pháp cấp bách hiện nay, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh phải xử lý triệt để các tổ chức, đường dây liên quan đến ma túy; đồng thời ngăn chặn không để Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng thành nơi trung chuyển ma túy ra nước ngoài, không để tái trồng cây có chất gây nghiện và kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố phải tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu và phải biết sợ ma túy hơn nữa. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần lắng nghe người dân để sớm nhận phản ảnh về tình trạng “bảo kê” trong hoạt động này. Ông cho rằng có thể chính quyền không báo cáo kịp thời nhưng người dân sẽ biết, để từ đó có cơ sở điều tra, xử lý.


Phú Lữ
.
.
.