Con dại, cái phải mang
Sinh có hạn, tử bất kỳ. Tai nạn thảm khốc của đoàn tàu Bắc Nam E1 ở Lăng Cô ngày 12/3 dẫn tới cái chết tang thương cho 11 người dân vô tội và làm hàng trăm người khác bị thương. Đây thực sự là nỗi đau chung cho không chỉ riêng một gia đình nào. Nhưng cũng chính tai họa ấy đã thêm một lần cho chúng ta thấy tấm lòng thơm thảo, trượng nghĩa của những người dân bình thường ở Lăng Cô.
Ai đó trong một phút bi phẫn đã từng nói to lên nỗi lo lắng rằng những ngặt nghèo của cơ chế thị trường đang làm băng hoại đạo đức xã hội, buộc tất cả chỉ bo bo lo những lợi quyền cá nhân mình. Thực tế hoàn toàn không phải như thế. Người dân Việt lúc nào cũng nhớ tới những đạo lý truyền thống dân tộc đầy nhân nghĩa "thương người như thể thương thân".
Có phải ruột thịt gì đâu nhưng những hành khách may mắn còn lại lành lặn trên tàu E1 ngay sau khi hết phút bàng hoàng đã lao vào cứu giúp những bạn đồng hành phải chịu số phận hẩm hiu. Rồi cả những người địa phương cũng dùng đủ mọi phương tiện sẵn có trong tay để tới cứu trợ cho các hành khách bị nạn, không hề tính toán thiệt hơn. Tổng Công ty Đường sắt Việt
Bất cứ một hành động nhân đạo nào trong lúc khốn khó đều có giá trị được tăng lên gấp bội, "phúc đẳng hà sa"... Thực không biết dùng lời gì để tỏ sự tri ân với những tấm lòng nhân ái đó. Họ không cần phải được nêu tên, không cần xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn cố gắng thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ con người của mình. Họ xứng đáng được ca ngợi nhiều hơn nữa!
Càng kính trọng những nghĩa cử của những người tử tế vô danh ấy, tôi lại càng chạnh lòng khi đọc và nghe thấy đâu đó những lời tuyên bố nóng hổi của một số nhân vật có vai vế trong ngành Đường sắt về vụ tai nạn thảm khốc ở Lăng Cô. Tôi cũng biết rằng, trách nhiệm lớn nhất của vụ việc này trước hết thuộc về lái chính tàu E1 Bùi Thái Sơn, người đã để tàu phóng quá tốc độ quy định đến mức không thể nào điều khiển được nó cho an toàn nữa. Nhưng tôi cứ thấy gai người lên khi biết, trong lúc Bùi Thái Sơn vẫn đang lẩn trốn do hoảng loạn và công việc điều tra nguyên nhân dẫn tới tai nạn do các cơ quan chức năng tiến hành mới chỉ bắt đầu, chưa rõ đầu cua tai nheo ra sao, thì một số người cấp trên của lái tàu này đã dứt khoát đổ hết mọi tội lỗi cho anh ta và cố tỏ ra mình "vô can". Họ cho rằng, chủ trương giảm thời gian chạy tàu Bắc
Rồi giậu đổ bìm leo, các loại tin "vỉa hè" theo kiểu "có lẽ" đã được tung ra, nào là nhân thân Bùi Thái Sơn không tốt lắm vì đã có lần bị kỷ luật; nào là có thể lái xe đã uống rượu vì lúc đó là gần trưa, lái xe chắc là ăn cơm trưa rồi mà ăn cơm thì thể nào cũng làm ít nhất đôi ba chén (?!). Đủ thứ!
Cũng có thể những điều mà các cán bộ hữu trách trong ngành Đường sắt nói là đúng và thực sự nguyên nhân gây ra tai nạn ở Lăng Cô chủ yếu nằm trong phần trách nhiệm của lái tàu Bùi Thái Sơn. Nhưng không hiểu sao khi nghe họ nói, tôi vẫn cứ có cảm giác rằng, hình như những "ông anh" trong bộ máy quản lý ngành Đường sắt đang tìm cách "chạy tội" cho mình và dồn mọi tai ách cho "thằng em" ngồi ở vị trí thấp nhất (dù là trực tiếp) trong hệ thống liên hoàn chịu trách nhiệm về vụ tai nạn thảm khốc đó.
Con dại thì cái phải mang chứ! Tại sao không có ai trong những giây phút đau thương ấy đứng ra nói giữa thanh thiên bạch nhật rằng, chúng tôi là cấp trên, trước hết chúng tôi phải chịu trách nhiệm lớn nhất và nghiêm khắc trước quốc dân đồng bào vì đã để cho tai nạn xảy ra; còn về phần lái tàu phạm lỗi tới đâu thì chúng tôi sẽ cùng các cơ quan chức năng xử lý sau?!
Ngành Đường sắt còn bao nhiêu lái tàu nữa, dù mức lương của họ khá cao, 2,6 triệu đồng một tháng (để thể hiện sự ưu đãi của ngành đối với họ, như một vị lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã nói), nhưng liệu họ có tiếp tục an tâm thực hiện nhiệm vụ không dễ dàng của mình hơn không khi họ phải chứng kiến cảnh, một đồng nghiệp đã bị thượng cấp mau mắn dồn vào thế kẹt nhất, một khi có sự cố xảy ra?
Tôi không biện hộ cho lái tàu Bùi Thái Sơn, nhưng tôi biết rằng anh ta không cố tình gây ra tai nạn. Nhìn gương mặt buồn bã thực lòng của Bùi Thái Sơn khi tra tay vào còng và nghĩ tới hai đứa con nhỏ của anh ta, tôi thấy xót xa nhiều hơn là giận dữ. Vụ Lăng Cô cũng chính là một thảm họa đối với Bùi Thái Sơn và có lẽ những hậu quả hình sự mà anh ta phải chịu sẽ rất nặng nề. Nặng nề hơn cả nữa sẽ là sự cắn dứt của lương tâm.
Và tôi càng thấy buồn cho một cách ứng xử không phải lẽ của một số người ngồi trên Bùi Thái Sơn. Họ chỉ là số ít, nhưng con sâu cũng có thể làm rầu nồi canh.
Tất nhiên, tôi cũng thông cảm với những người đang ngồi ở vị trí chủ chốt trong bộ máy điều hành ngành Đường sắt. Họ có vẻ như cũng đang bị rơi vào thế kẹt. Bây giờ mới lộ thông tin rằng, dường như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết định cho tàu Bắc Nam chạy 29 giờ khi còn chưa được lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho phép (?!). Vậy nghĩa là, họ cũng sẽ phải "thay mặt" cấp trên chịu búa rìu dư luận và những hình thức kỷ luật có thể có.
Chỉ có một điều lạ là, tại sao bây giờ mới xuất hiện thông tin này? Tại sao cấp trên của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không có biện pháp kịp thời chấm dứt hành động "lạm quyền" của cấp dưới, để đến nỗi bây giờ, quá mù và đã ra mưa?