Xây dựng kịch bản để ứng phó với dịch COVID -19 vào mùa Thu - Đông

Thứ Sáu, 15/05/2020, 13:03
Cuộc khủng hoảng dịch tễ COVID -19 tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây. Từ đó Chính phủ dự kiến 2 kịch bản về tăng trưởng kinh tế với các mức đều thấp hơn so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra

Sáng 15/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020. Báo cáo nhấn mạnh cuộc khủng hoảng dịch tễ COVID -19 tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây. Từ đó Chính phủ dự kiến 2 kịch bản về tăng trưởng kinh tế với các mức đều thấp hơn so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Làm rõ trách nhiệm trong việc để chậm thu phí tự động

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí năm 2019 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đạt tương đối đồng bộ mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra, có thêm 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 04 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với kết quả đã báo cáo Quốc hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng chỉ rõ một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm để có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2020. Đó là số doanh nghiệp ngừng hoạt động và doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký tăng cao; một số dịch vụ tài chính như mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) phát triển nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặt ra thách thức lớn trong công tác quản lý… 

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần báo cáo cụ thể hơn về nguyên nhân tiến độ thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ đề ra. 

Một số ý kiến đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai thu phí tự động không dừng, không bảo đảm tiến độ theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chỉ rõ những vấn đề nổi lên về tình hình kinh tế -xã hội 4 tháng đầu năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, về lạm phát: chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát cơ bản bình quân tăng cao gây lo ngại về áp lực lạm phát cho các quý tiếp theo. Có ý kiến đề nghị cần báo cáo về việc thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá một số mặt hàng thiết yếu tại các doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn trong cung cấp mặt hàng.

Trong bối cảnh đại dịch COVID -19 còn diễn biến phức tạp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cả trong ngắn hạn và hướng tới dài hạn như chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục phòng, chống dịch COVID -19, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trở lại;  tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương; tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện tốt việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nghiên cứu hoàn thiện quy chế, công nghệ đào tạo trực tuyến, trang thiết bị, phương thức đánh giá chất lượng để có thể phát triển ổn định...

Nỗ lực tột độ để phát triển kinh tế

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Nghị quyết của Quốc hội cụ thể hoá Nghị quyết của Trung ương, từ đó dự toán ngân sách đi theo kịch bản tăng trưởng 6,8%. Giờ do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nếu muốn điều chỉnh phải trình cấp có thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

“Trung ương nói phấn đấu nỗ lực đạt mức cao nhất, chứ chưa “bật đèn xanh điều chỉnh”. Muốn điều chỉnh phải có tờ trình xin ý kiến Trung ương” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý. Qua mấy tháng chưa có cơ sở đánh giá cụ thể song cần nỗ lực cao, hạn chế thấp nhất sự sụt giảm. Các kịch bản đưa ra phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ và sát với thực tế.

“Chính sách kinh tế vĩ mô phải tỉnh táo, lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực phấn đấu là tột độ” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, đồng thời nhấn “Việt Nam phòng chống dịch rất tốt song các đối tác lớn còn lao đao, vậy ta mua bán với ai, xuất khẩu với ai, du lịch thế nào!”.

Toàn cảnh phiên họp

Theo Chủ tịch Quốc hội, mới bước qua giữa tháng 5 thì cần đánh giá thật kỹ. "Bây giờ phải cố gắng hết sức. Mấy tháng nay cả nước tập trung phòng, chống dịch, làm ăn đình trệ, nhân dân khó khăn mà cố gắng được như báo cáo là điều đáng trân trọng", Chủ tịch Quốc hội nói.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng gợi ý Chính phủ nên có báo cáo Quốc hội theo hướng cho chỉ tiêu thực tế cùng với kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kịp thời ứng phó với tình huống xảy ra hoặc có thể xảy ra. “Giờ điều chỉnh ngay chỉ tiêu thì sau này diễn biến mới thì có điều chỉnh nữa không? Cần cân nhắc, chúng ta vẫn điều hành rất thực tế, biết tăng trưởng sẽ giảm nhưng đồng thuận, quyết tâm để đạt kết quả cao nhất có thể” – Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ, nếu cần thiết phải có tờ trình cụ thể, phân tích rõ để cấp có thẩm quyền xem xét. Mục tiêu bây giờ là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể.

Báo cáo thêm về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện nay Chính phủ chưa đặt vấn đề xin điều chỉnh mục tiêu mà chỉ dự báo các kịch bản khác nhau (3,6%-4,4% và 4,5%-5,2%) dựa trên tình hình giả định như giải ngân đầu tư tốt, dịch bệnh được khống chế.... và đưa ra số dự kiến điều chỉnh ở mức 4,5% để chủ động trong điều hành.

Chính phủ đã báo cáo đề án chủ động ứng phó dịch bệnh và phục hồi kinh tế trong tình hình mới, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Chính phủ sẽ có tờ trình tới Quốc hội.

Cần kịch bản ứng phó với dịch bệnh có thể xảy ra vào Thu – Đông

Các ý kiến đều đồng tình với báo cáo của Chính phủ cho rằng, năm 2020 là năm cuối của kế hoạch 5 năm, hy vọng đạt kết quả tăng trưởng cao, song đại dịch Covid-19 tác động quá lớn đến thế giới, khu vực và trực tiếp với Việt Nam. Dịch bệnh kéo theo khủng hoảng kinh tế mang tinh toàn cầu, được đánh giá là lớn nhất so với khủng hoảng năm 2008, thậm chí cả so với giai đoạn 1929-1931.

Trong tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, chủ động cùng sự cố gắng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp nên nước ta hạn chế được thấp nhất thiệt hại, đẩy lùi dịch bệnh khi số ca nhiễm thấp, ca được chữa khỏi cao, chưa có ca tử vong và gần 30 ngày qua chưa có lây nhiễm trong cộng đồng. Gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nhận được sự hoanh nghênh, đồng tình. Tăng trưởng 4 tháng dự kiến đạt 3,8%-4% trong điều kiện ngặt nghèo là ấn tượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thì đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ thêm 2 nội dung: Đó là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại, về dịch COVID-19. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp cũng là sự cạnh tranh giữa các nước lớn. Điều này ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kết luận nội dung sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá, dự báo năm 2020 sát nhất, có thể xây dựng kịch bản thứ 3 với khả năng làn sóng thứ hai của dịch bệnh diễn ra vào Thu – Đông 2020, dịch bệnh chưa chấm dứt ngay, chưa có vaccine phòng bệnh.

“Theo đó tăng trưởng của Việt Nam nếu có kịch bản 3 thì có thể chỉ 3%, kéo theo cân đối lớn gặp khó, hụt thu ngân sách; bội chi, nợ công cao hơn so với kịch bản 1 và 2. Từ đó có giải pháp thích ứng” – ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế trong tình hình mới. Qua dịch bệnh cần tính toán theo hướng chú trọng thị trường trong nước, cân đối sản xuất các sản phẩm có tính chất thiết yếu như lương thực, thực phẩm, năng lượng, y tế, quốc phòng an ninh


Phương Thuỷ
.
.
.