Nhiều lao động nữ bị giảm lương hưu 10% từ 1-1-2018:

Có thể điều chỉnh lương hưu để bù đắp thiệt thòi

Thứ Hai, 25/12/2017, 09:16
Ngày 1-1-2018, quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỉ lệ % hưởng lương hưu. Theo đó, lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi sẽ phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm).


Như vậy, nhiều lao động nữ sẽ thiệt 10% so với nghỉ hưu năm 2017. Đã có nhiều đề xuất về việc điều chỉnh lộ trình, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có ý kiến chính thức từ Quốc hội. 

Tuy vậy, theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thì có thể không cần thiết phải sửa Luật, mà có thể điều chỉnh lương hưu để những lao động nữ này không bị thiệt thòi.

Đề cập đến vấn đề này, bà Đinh Thu Hiền, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) thừa nhận đã nhận được khá nhiều tâm tư của lao động nữ, nhất là những trường hợp nghỉ hưu vào thời điểm giáp ranh giữa năm 2017 và 2018. Một số lao động nữ phân vân có nên nhận BHXH một lần hay không.

“Những ý kiến phản ánh của người lao động, chúng tôi cũng đã phản ánh đến Bộ LĐ-TBXH. Chúng tôi và các cơ quan chức năng khác trong thời gian tới sẽ phối hợp để có đề xuất phù hợp. Ví dụ, cần có lộ trình phù hợp như lao động nam để lao động nữ đỡ bị sốc khi chính sách thay đổi đột ngột...”, bà Hiền cho biết.
Có thể điều chỉnh lương hưu cho những lao động nữ bị thiệt mà không cần phải sửa Luật.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH cho biết, việc điều chỉnh cách tính lương hưu, đặc biệt là lương hưu đối với lao động nữ theo Luật BHXH 2014, Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ LĐ- TBXH báo cáo trước Quốc hội. Để sửa đổi, thay thế hay có sự điều chỉnh như thế nào vẫn đang chờ ý kiến của Quốc hội. 

“Trong báo cáo của Bộ LĐ- TBXH cũng đưa ra đề xuất là áp một lộ trình cho cách tính lương hưu của lao động nữ thay thế cho Khoản 2, Điều 56 Luật BHXH 2014. Thực tế theo Điều 56 này, cách tính lương hưu của lao động nam có lộ trình, còn lao động nữ không áp dụng lộ trình. Vì thế Chính phủ cũng đã đề xuất với Quốc hội áp dụng lộ trình cho lao động nữ để đảm bảo cho người nghỉ hưu năm trước và năm sau không bị chênh quá lớn. Thẩm quyền quyết định vẫn phải chờ ý kiến của Quốc hội”, ông Cường cho biết.

Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH Lê Quân cho biết, Bộ LĐ- TBXH đã có báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Thường vụ Quốc hội. Hiện nay, Bộ LĐ- TBXH đang tiếp tục tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện các phương án. Bộ LĐ- TBXH cũng đang được Chính phủ giao và đang triển khai xây dựng Đề án đổi mới tổng thể vể BHXH, gắn với tiền lương khối doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề trên, thời gian qua rất nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải sửa Luật, hoặc Quốc hội ra Nghị quyết để điều chỉnh. Tuy nhiên, phân tích kỹ về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, về mặt chính sách, bao giờ cũng có một lớp cắt ngang, thể hiện sự chênh lệch rất bất bình đẳng. 

Ông Lợi ví dụ, giống như xác định phụ cấp khu vực, chỉ cần bước chân qua một ranh giới, một người có thể hưởng mức phụ cấp 0,7 nhưng người kia thì không có. Khi sửa Luật BHXH 2014, Chính phủ định cho thực hiện như trước đây. Trước năm 2006, quy định nam và nữ từ 2016 trở lên đều là 2%. Sau năm 2006 mới thấy cần thực hiện chính sách bình đẳng giới trong vấn đề này. 

Đến năm 2014, mới thực hiện nguyên tắc xây dựng luật: Đóng – hưởng. Sau 15 năm, vì với nam, mức độ chênh lệch còn ngắn nên kéo đến 35 năm phải có lộ trình trong 5 năm. Còn phụ nữ, vẫn giữ ở tuổi về hưu, không thay đổi 5 năm. Từ năm 1993, lương cơ sở của khu vực hành chính tăng 10,87 lần. Lương tối thiểu vùng từ 2008 đến nay, vùng 1 tăng 4,5 lần, vùng 24 tăng 4 lần. Việc đó chính là điều chỉnh giảm dần “độ xóc” của giảm lương 1% của phụ nữ. 

“Nhưng rõ ràng, đến 1- 1- 2018, phụ nữ có thiệt. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu Chính phủ, Bộ LĐ- TBXH, BHXH Việt Nam báo cáo. Chỉ có 3.000 người bị tác động trong khoảng bị giảm mất lương hưu từ 6% đến 10%, những người bị ảnh hưởng trong khoảng dưới 4% giống nam giới. Tổng 3.000 người này không lớn, có cần sửa luật hay không? Quan điểm của chúng tôi là không nên sửa mà điều chỉnh bằng cách đề nghị Bộ LĐ- TBXH báo cáo Chính phủ, khi điều chỉnh lương cho người về hưu từ năm 2018 tăng 7%, không nên mang 7% đó tăng cho tất cả người về hưu. Chúng ta ưu tiên cho 3.000 lao động nêu trên để bù đắp thiệt thòi”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH Lê Quân cho biết, cố gắng làm sao để giải quyết bài toán giống như nam giới là công thức tính và hưởng vẫn triển khai áp dụng. Phương án đưa ra là cứ mỗi một năm, đối với phụ nữ, lùi 1 năm để đến 2022, chúng ta áp dụng như nam giới. Như vậy, mỗi người khi nghỉ, sẽ giảm bớt 1- 2% bị thiệt. Tuy vậy theo ông Quân, phương án này cần sửa luật. Ông Lê Quân cũng cho rằng, có thể dùng hình thức tăng lương và quỹ của bảo hiểm để hỗ trợ cho nhóm 3.000 lao động nữ bị ảnh hưởng. 

“Ở mức độ lương hưu thấp, chúng ta cần quan tâm điều chỉnh tăng tỷ lệ tương đối. Còn đối tượng ở mức lương hưu cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì không nhất thiết phải tăng 7- 8% như những người mỗi tháng chỉ được nhận 1,3 triệu đồng lương hưu”, Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH Lê Quân cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.