Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm việc với Viện KSND tối cao

Thứ Ba, 09/08/2016, 13:15
Sáng 9-8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và đoàn công tác đã làm việc với Viện KSND tối cao.

Tại buổi làm việc, các đồng chí là đại diện lãnh đạo các đơn vị: Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Ban cải cách tư pháp Trung ương đã đóng góp một số ý kiến vào báo cáo 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ 5 tháng cuối năm của ngành KSND, cũng như những hiệu quả mà công tác phối hợp giữa ngành KSND với các cơ quan tư pháp trong thời gian qua trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Chủ tịch nước làm việc với Viện KSND tối cao.

Báo cáo với Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao nêu rõ, trong 7 tháng đầu năm, ngành KSND đã tập trung chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả nổi bật như: trách nhiệm công tố trong giai đoạn điều tra được tăng cường, tiến độ giải quyết án nhanh hơn; chất lượng điều tra được nâng cao, đã hoàn thành 4/4 chỉ tiêu nghiệp vụ theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội.

Chủ tịch nước phát biểu tại buổi làm việc

Đã khởi tố điều tra 25 vụ, trong đó có 19 vụ án phạm tội về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Các trường hợp phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội giảm 46,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 7 tháng đã ban hành 6.710 kiến nghị, kháng nghị (tăng 11,3% so với cùng kỳ) yêu cầu cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khắc phục, xử lý và phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

Chủ tịch nước thăm phòng truyền thống của ngành KSND.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả, thành tích mà ngành KSND đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh.

Chủ tịch nước đánh giá cao ngành Kiểm sát đã chú trọng rà soát, kịp thời phát hiện, giải quyết các trường hợp có dấu hiệu oan, sai cũng như xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm. Cơ quan CSĐT của VKS đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, qua đó góp phần xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ Viện KSND tối cao

Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, với vai trò là một thiết chế đặc trưng trong bộ máy nhà nước, có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành KSND đặt ra rất nặng nề. Do vậy, Chủ tịch nước đã giao cho ngành KSND 5 nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới. Đó là:

Ngành Kiểm sát cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực tư pháp. Tập trung đổi mới các mặt công tác, tăng cường pháp chế XHCN, bảo đảm công lý phải được thực thi, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh, đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tập trung nghiên cứu, tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật, trong đó có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 và các dự án luật có liên quan. Chủ tịch nước cũng chỉ đạo ngành Kiểm sát triển khai thi hành có hiệu quả các đạo luật mới về tư pháp và đẩy mạnh tuyên truyển, phổ biến giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân.

Ngành Kiểm sát cần tiếp tục đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực thi đúng đắn, đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội tham nhũng. Khắc phục tình trạng đơn đề nghị kháng nghị Giám đốc thẩm, tái thẩm còn tồn đọng, kéo dài thời hạn giải quyết. Kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, không để bỏ lọt tội phạm, không để oan sai.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành theo quy định của Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014 nhằm bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ có chức danh tư pháp đáp ứng đầy đủ yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Sớm hoàn thiện Đề án tổ chức, biên chế của Ngành KSND đến năm 2020 để trình Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo.

Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Viện KSND các cấp với Cơ quan điều tra, Tòa án, các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, nhất là trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn hoạt động tư pháp đang đặt ra. Chủ tịch nước cũng yêu cầu ngành Kiểm sát tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.

Cuối cùng, Chủ tịch nước mong muốn ngành KSND chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ va các kiến thức về kinh tế, khoa học – công nghệ để xây dựng đội ngũ kiểm sát viên, công chức, viên chức ngành Kiểm sát “vững vàng về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương, trách nhiệm”.

Trần Hằng
.
.
.