Chỉ tên “một bộ phận không nhỏ”!
Trả lời báo chí nhân cuộc tiếp xúc cử tri tại TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, một trong các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Chủ tịch nước chỉ rõ: “Dứt khoát phải tiến hành thành công. Ðó là mệnh lệnh của nhân dân. Không thể để Nghị quyết Trung ương 4 không thành công, là phụ lòng tin của dân, của Ðảng, là không vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Chúng ta không có con đường nào khác, chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải thành công. Cho dù phải chấp nhận những biện pháp đau đớn cũng phải làm, vì đó là sự sống còn của Ðảng, của chế độ và tương lai tươi sáng của đất nước này”.
Sự khẳng định dứt khoát của người đứng đầu Nhà nước tạo niềm tin trong cử tri, nhân dân, bởi nhiều tháng nay, khi việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đã có không ít ý kiến ngờ vực, ái ngại, cho rằng chống tiêu cực, quan liêu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là rất khó nên “lần này chắc cũng chỉ như các lần trước”. Song, nếu tất cả đều hoài nghi, suy nghĩ “hãy chờ xem” mà thiếu niềm tin, thiếu sự vào cuộc quyết liệt, thì hệ quả đã được báo trước.
Do vậy, điểm mấu chốt trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 lần này chính là sự quyết tâm chính trị, đi cùng với đó là các giải pháp đồng bộ, vừa có tính cấp bách, vừa lâu dài. Như bất kỳ một cuộc chiến nào, niềm tin tất thắng khi khởi hành là yếu tố hệ trọng, quyết định đến tâm lý, thái độ chiến đấu của cả lực lượng. Ngược lại, chưa xuất trận đã bi quan, sợ thua và chắc thua, thì không cần đánh cũng biết kết quả thế nào.
Chống tham nhũng, suy thoái là chống thói hư tật xấu ngay trong nội bộ, trong mỗi cá nhân, tập thể - điều vốn rất khó nhận diện và phân định ranh giới, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị càng lớn.
Nhưng niềm tin, để có được không phải bằng lý luận suông. Nó phải được chứng minh bằng hành động thực tiễn. Tâm lý người dân cũng chờ đợi trên làm thế nào, rồi dưới soi hướng theo. Chính bởi vậy, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan Trung ương là nền tảng để tạo dựng niềm tin trong đảng viên, quần chúng. Có rất nhiều việc, nhưng những gì đã phơi bày trong cuộc sống, người dân, báo chí phản ánh thì nhất định phải được làm rõ, như vừa qua báo chí phản ánh việc có cán bộ, đảng viên sở hữu tài sản khủng, chiếm hữu nhiều đất đai, cán bộ có lối sống trụy lạc…, cần sớm có kết luận và công khai hình thức xử lý để nhân dân biết.
Làm rõ được những việc nóng cũng chính là công khai cụ thể danh tính cái gọi là “bộ phận không nhỏ”. Ở cấp cơ sở, nhất là các chi bộ - nơi quản lý trực tiếp cán bộ, đảng viên, phải cụ thể hóa bộ phận không nhỏ đó là ai, sai phạm gì, mức độ ra sao. Không thể nói chung chung khiến ai cũng thừa nhận có bộ phận không nhỏ tham nhũng, suy thoái nhưng lại không ai thừa nhận mình đứng trong số này.
(Có chuyện rằng, một chi bộ nọ chỉ có 3 đảng viên, và ông bí thư cũng đọc theo thói quen “một bộ phận không nhỏ đảng viên tha hoá, biến chất” khi đánh giá cán bộ, đảng viên mình. Ngay lập tức, hai đảng viên dự họp phản ứng: chi bộ có 3 người, một bộ phận có thể là 1 người, bộ phận không nhỏ tức ít nhất phải 2 người. Ông bí thư chi bộ đang nhận xét, đã trừ ông ta ra, vậy bộ phận không nhỏ đó phải là 2 đảng viên đang ngồi họp. Ông bí thư ngớ người, nhận bài học đắt về kiểu học vẹt, quán triệt vẹt)