Chấm dứt ngay những vi phạm tại thôn Đồng Chiêm

Thứ Ba, 19/01/2010, 11:24
Hơn ai hết, những nông dân thật thà chất phác của thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức của Hà Nội mới là người phải tiếp tục được hưởng sự chăm lo, săn sóc của các cấp chính quyền một cách đầy đủ, hơn là phải chịu sự xúi giục, kích động của một số phần tử mà đánh mất đi quyền lợi ấy.

Thôn Đồng Chiêm là một thôn Công giáo toàn tòng, có khoảng 1.800 nhân khẩu. Vốn là một địa bàn thuần nông, người dân vốn quen tay cày, tay cuốc, một nắng hai sương, chịu thương chịu khó. Nhà thờ xứ xưa nay vẫn là nơi người dân trong thôn thường xuyên qua lại, tiến hành các nghi lễ tôn giáo một cách bình yên.

Trong thôn Đồng Chiêm có địa danh tên là núi Chẽ, nằm trong địa giới hành chính của xã An Phú, huyện Mỹ Đức, do nhà nước quản lý từ trước năm 199. Ngày 19/3/1994, UBND tỉnh Hà Tây cũ có Quyết định số 316 thành lập Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn, với chức năng cơ bản là quản lý bảo vệ toàn bộ rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tây cũ, trong đó có rừng đặc dụng tại thôn Đồng Chiêm.

Ngày 29/6/2000, UBND tỉnh Hà Tây cũ và Sở NN & PTNT đã có Quyết định số 192QĐ/NN-LN bổ sung chức năng giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn có trách nhiệm khoanh nuôi rừng đặc dụng thuộc vùng đệm xã An Phú với diện tích 708,5ha, trong đó có núi Chẽ ở thôn Đồng Chiêm, với diện tích 16,5ha, thuộc lô C1 - độ cao 80m - độ dốc 250.

Ngày 7/11/2008, sau khi hợp nhất, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 1913QĐ/UNBD do ông Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch ký, giao Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn tiếp tục thực hiện chức năng nhiệm vụ tại Quyết định 316 của tỉnh Hà Tây cũ.

Ai đã "khuấy" không khí thanh bình tại thôn Đồng Chiêm?

Từ năm 1994 đến nay, Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn đã trực tiếp ký hợp đồng bảo vệ rừng đặc dụng và vùng đệm thuộc xã An Phú nói chung, núi Chẽ nói riêng, có diện tích 184ha, với một số hộ dân tại địa phương. Từ nưm 1995 đến nay, Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn lại ký tiếp hợp đồng bảo vệ với UBND xã An Phú. Dựa vào đó, xã An Phú đã thành lập tổ xung kích bảo vệ rừng đặc dụng và giao luôn cho các hộ dân bảo vệ diện tích rừng nói trên với tiền công bảo vệ 50.000 đồng/1 ha/1 năm, tương đương với tổng số tiền 9 triệu đồng một năm.

Nguồn gốc cụ thể là thế, vậy mà ngày 3/3/2009, Ban hành giáo xứ Đồng Chiêm, đứng đầu là linh mục nhà thờ xứ Nguyễn Văn Hữu đã huy động hàng trăm giáo dân xây dựng trái phép một cây thánh giá trên đỉnh núi Chẽ. Để biện minh cho hành động trái pháp luật của mình, linh mục Nguyễn Văn Hữu và phó xứ Nguyễn Văn Liên đã bơm tin đồn thổi rằng núi Chẽ là “núi thiêng”, Tuy nhiên, bản thân linh mục và phó xứ cũng không thể giải thích hay đưa ra bất cứ bằng chứng nào về việc núi có thiêng hay không!? Còn đối với người dân Đồng Chiêm và các làng lân cận, núi Chẽ vẫn đơn giản chỉ là… núi Chẽ!

Trước sự việc trên, UBND huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo các cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính và ra các quyết định xử lý hành chính, yêu cầu tháo dỡ hiện vật xây dựng trái phép theo đúng quy trình, thủ tục. Ngày 2/4/2009, UBND huyện Mỹ Đức đã ra quyết định xử lý hành chính, phạt cảnh cáo đối với 5 người trong Ban hành giáo giáo xứ Đồng Chiêm về hành vi trên và yêu cầu buộc tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục tình trạng ban đầu.

Từ thời điểm đó đến nay, các cấp chính quyền huyện Mỹ Đức và xã An Phú cùng các đoàn thể đã kiên trì vận động linh mục Nguyễn Văn Hữu, linh mục Nguyễn Văn Liên và Ban hành giáo xứ Đồng Chiêm tự tháo dỡ công trình vi phạm nhưng không có kết quả. Khi tiếp xúc với linh mục Hữu, Liên và một số giáo dân cốt cán trong các hội đoàn, họ đều thừa nhận việc xây dựng thánh giá trái phép trên đỉnh núi Chẽ là vi phạm pháp luật nhưng vẫn không chấp hành yêu cầu tự tháo dỡ của chính quyền.

Ngày 3/1/2010, UBND huyện Mỹ Đức đã ra thông báo giao cho UNBD xã An Phú chỉ đạo Trưởng thôn và nhân dân thôn Đồng Chiêm tự tháo dỡ công trình vi phạm xong trong ngày 6/1/2010, nếu không sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong một buổi lễ ngay sau đó, linh mục Nguyễn Văn Hữu vẫn rao giảng kích động nhân dân trong thôn Đồng Chiêm chống lại chính quyền, ngang nhiên thách thức bằng các hành vi vi phạm pháp luật. Trong buổi cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng sai phép trên đỉnh núi Chẽ,  nhiều giáo dân nhẹ dạ nghe theo lời kích động đã tập trung ném đá vào lực lượng cưỡng chế. Cũng ngay trong ngày cưỡng chế 6/1/2010, một số giáo dân cực đoan, trong đó có 4 đối tượng có HIV trên địa bàn, đã trèo lên đỉnh núi Chẽ dựng lại một cây thập tự bằng ống bương, cao 6m, rộng 3m ngay tại địa điểm cũ.

Như một hành động cố tình thách thức chính quyền, ngày 7/1/2010, họ đã hạ cây thập tự bằng bương xuống và xây một công trình khác tương tự, xung quanh gắn 10 bóng đèn tuyp 1,2m và thêm một số công trình vi phạm khác dưới chân núi trái phép. Trong quá trình gây sức ép với chính quyền, ngoài một số những giáo dân bị kích động còn có những đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự, như trường hợp đôi tượng Nguyễn Văn Công chống người thi hành công vụ và bị lực lượng làm nhiệm vụ bắt giữ. Khám người Công phát hiện 700USĐ, 1,5 triệu đồng và 1 tép heroin. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Mỹ Đức đã ra quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Công về hàng vi tàng trữ chất ma túy và gây rối trật tự công cộng.

Trong suốt thời gian sự việc lộn xộn xảy ra tại thôn Đồng Chiêm và khu vực núi Chẽ, người dân trong thôn luôn bị đe dọa bởi sự mất an ninh trật tự, đời sống riêng tư bị xâm phạm bởi những lời kích động, sự đe dọa từ những giáo dân quá khích. Bà con giáo dân hiền lành của thôn Đồng Chiêm đều mong muốn những lộn xộn mau sớm chấm dứt, trả lại sự bình yên và cuộc sống thanh bình vốn có nơi thôn quê này

Việt Anh
.
.
.