Xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, đồng phạm trong những vụ “nâng đỡ không trong sáng”

Thứ Sáu, 25/10/2019, 14:20

Sáng 25-10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng quy trình của chúng ta khá tốt song kẻ lạm dụng quyền lực luôn có đủ các phương cách, mưu kế để dối trá, luồn lách quy định, hợp thức hóa theo ý muốn của mình.



Ông dẫn chứng, pháp luật trao cho cấp tỉnh ban hành tiêu chí để tuyển chọn cán bộ thì một vị Bí thư tỉnh ủy có con cháu chỉ có bằng tại chức đã yêu cầu sửa quy định để bổ nhiệm với lý do... “thiếu cán bộ” (quy định là bằng chính quy). Sau khi bổ nhiệm xong người thân của mình, Bí thư Tỉnh uỷ lại yêu cầu quy định lại như cũ.

“Đấy là lạm dụng để hợp thức hoá quy trình. Đây là một thực tiễn mà các văn bản của cơ quan Trung ương ban hành phải lường đến. Cần ngăn cấm, nhất quán trong chính sách để không thể trao quyền để ai cũng tuỳ nghi sửa đổi được”, ông nói.

ĐBQH Lê Thanh Vân trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội

Bên cạnh đó, ông chỉ ra tình trạng tại một số địa phương lãnh đạo cho người thuộc phe cánh của mình ngồi kèm chặt những người khác trong hội nghị nhằm giám sát, buộc họ bỏ phiếu theo ý muốn của mình. Có thực trạng gọi điện thoại chỉ đạo, đe nẹt, tắt điện để kiểm phiếu...

 “Vấn đề đặt ra là không chỉ “rào chắn” lại các kẽ hở của quy trình mà cần có chế tài xử lý thật nghiêm những kẻ chủ mưu, đồng phạm trong những vụ “nâng đỡ không trong sáng”. Hiện người ta thường đổ lỗi cho tập thể nhưng thực chất là “bàn tay đạo diễn” của người đứng đầu, mà khi tập thể thông qua thì rất khó truy cứu”, ĐBQH Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Từ thực tế này, ông đề xuất quy trình chặt chẽ hơn khi bỏ phiếu là phiếu bầu cần phải có phần phiếu và phần cuống phiếu. Người nào bầu phiếu như thế nào thì ghi vào cuống phiếu để khi truy cứu trách nhiệm dán lại sẽ biết ai bầu. Cách thức này sẽ giúp truy cứu ngay được trách nhiệm cá nhân trong tập thể. Để tránh tình trạng lấy phiếu ra hợp thức hoá quy trình khi xảy ra vi phạm thì cuống phiếu lưu ở cơ quan kiểm tra, phiếu lưu ở quan tổ chức, dấu giáp lai giữa phiếu và cuống phiếu phải là cơ quan thứ ba.

Lấy ví dụ trường hợp nhân viên gội đầu mượn bằng của người khác từng bước được bổ nhiệm lên vị trí cao ở Đắk Lắk, ông cho rằng sự việc này chưa chắc do quy trình sai mà do sự lạm dụng của người có thẩm quyền, không khác gì đưa “hàng giả” vào thị trường.

“Hàng giả” ở đây là nhân sự giả, không đáp ứng được yêu, cầu tiêu chuẩn cán bộ do chúng ta quy định. Nếu tổ chức thi tuyển minh bạch sẽ không xảy ra trường hợp này”, ông nhận định. Vụ việc cũng cho thấy có sự lạm dụng để hợp thức hóa tiêu chuẩn bằng cấp, cơ quan xác minh không làm hết trách nhiệm, người bổ nhiệm cũng không kiểm tra lại. Hoặc có thể người có chức quyền bỏ qua chuyện gian dối về bằng cấp...

Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nêu giải pháp cần quy định minh bạch việc thi tuyển. Theo đó, các chức vụ đứng đầu cơ quan của hệ thống điều hành phải trải qua quá trình thi tuyển mà người thẩm định, xác minh hồ sơ chịu trách nhiệm một phần, người ký quyết định chịu trách nhiệm toàn bộ. Nếu có sai phạm cần xác định lỗi để xử lý hành chính hoặc hình sự...


A.Quỳnh
.
.
.