Cần bổ sung quan điểm về xây dựng nền công nghiệp an ninh

Thứ Ba, 22/01/2013, 04:40
Ngay sau khi Bộ Công an tổ chức “Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong CAND”, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, GS. TS Bùi Quảng Bạ, Phó Tổng cục trưởng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an về vấn đề này.

Trong đó nhấn mạnh: Hiến pháp năm 1992 về cơ bản đã kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, hướng tới xây dựng nước có nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Để đạt được mục tiêu đó, Hiến pháp cần có những điểm kế thừa cũng như sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình trong giai đoạn cách mạng mới.

Về tính kế thừa: Tiếp tục khẳng định chủ quyền thiêng liêng, không thể xâm phạm nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, gồm: vùng đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời; tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định con đường xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; tăng cường trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc XHCN, giữ vững an ninh quốc gia là vai trò không chỉ của riêng lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, mà còn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp, có sự phối hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; tiếp tục quan điểm giữ vững độc lập, tự chủ, bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc với củng cố tăng cường chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội khác nhau, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi. Ngoài tính kế thừa, Hiến pháp cần sửa đổi và bổ sung một số vấn đề sau: 

Một là, trong lời nói đầu, Hiến pháp 1992 mới dừng lại ở những năm đầu của công cuộc đổi mới do Đại hội VI của Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI được 10 năm, đang trong xu thế toàn cầu hóa và Việt Nam đã chính thức hội nhập quốc tế rất thành công. Hai là, Hiến pháp cần quy định rõ hơn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý với nhân dân làm chủ. Trong một xã hội dân chủ, người chủ đích thực phải là người dân. Người dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua cơ quan đại diện là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Ba là, trong chương IV của Hiến pháp 1992 (từ Điều 44 đến Điều 48) có một số điểm cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với các quan điểm của Đảng về quốc phòng, an ninh, cụ thể là:

Điều 44 xác định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân”. Theo Cương lĩnh 2011 thì “giữ vững an ninh quốc gia, TTATXH là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt”. Vì vậy, cần bổ sung những nội dung mới của Cương lĩnh 2011 vào Điều 44 để xác định rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc gia theo quan điểm của Đảng, đồng thời bổ sung vấn đề trật tự, an toàn xã hội “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và TTATXH là sự nghiệp của toàn dân”.

Điều 45 xác định: “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân…, bảo vệ chế độ XHCN và những thành quả của cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước”. Trong mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh, ngoài vấn đề an ninh quốc gia, cần bổ sung thêm nội dung “bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, giữ vững hòa bình”. 

Trong quá trình sửa đổi Điều 46 Hiến pháp cần quán triệt rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp với sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân.

Điều 47 xác định: Nhà nước xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, dựa vào nhân dân…, cần bổ sung và xác định: Công an nhân dân thực sự là lực lượng vũ trang, công cụ sắc bén, trọng yếu của Đảng, nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ Đảng, chế độ XHCN và bảo vệ nhân dân. 

Điều 48 mới quy định xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, Cương lĩnh 2011 xác định “Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh đảm bảo cho các lực lượng vũ trang được trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại”. Để bảo vệ sức mạnh tổng hợp và đồng bộ, cần bổ sung quan điểm về xây dựng nền công nghiệp an ninh để tăng cường khả năng đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới

Nguyễn Hưng
.
.
.