Cần bổ sung chế độ nghĩa vụ Công an, chính sách hậu phương cho lực lượng CAND

Thứ Sáu, 08/03/2013, 14:55
Từ nhận thức về lý luận và thực tiễn vấn đề bảo vệ Tổ quốc ở nước ta từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời đến nay cho thấy vai trò nòng cốt của các lực lượng vũ trang nhân dân là rất quan trọng, trong cả thời chiến cũng như thời bình. Công an nhân dân đã sát vai cùng Quân đội nhân dân trong sự nghiệp đó.

Vì vậy, với tư cách là đạo luật cơ bản của Nhà nước, Hiến pháp là đạo luật gốc cần phải được quy định và thể hiện những vấn đề tư tưởng, cốt lõi về bảo vệ tổ quốc, về vai trò của các lực lượng vũ trang nhân dân, nghĩa vụ tham gia và chính sách hậu phương cho lực lượng vũ trang, về vấn đề kết hợp an ninh - quốc phòng - kinh tế trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Đây là cơ sở để Nhà nước xây dựng các đạo luật cụ thể cũng như các văn bản pháp luật dưới Hiến pháp cho phù hợp và không trái với những quy định của Hiến pháp. Vì vậy, những quy định của Hiến pháp về bảo vệ Tổ quốc cần được thể hiện rõ nét, đầy đủ hơn để làm cơ sở cho chính sách và văn bản pháp luật khác.

Về vấn đề Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đã được quy định từ Điều 44 đến Điều 48 Chương IV Hiến pháp Việt Nam năm 1992 và trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được công bố năm 2013 đã quy định ở Chương IV: Bảo vệ Tổ quốc từ Điều 69 đến Điều 73, trong đó đề cập tới vấn đề bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nghiên cứu quy định tại Điều 73 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã giữ nguyên Điều 48 của Hiến pháp 1992, nội dung cụ thể như sau: “Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội; xây dựng công nghiệp quốc phòng, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sỹ, công nhân, nhân viên quốc phòng; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước”.

Từ sự phân tích về lý luận và thực tiễn, chúng tôi đề nghị cần phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo và các văn kiện của Đảng vào nội dung Hiến pháp, vì vậy Điều 73 cần được sửa đổi ở một số nội dung dưới đây:

Cần phải bổ sung về chế độ nghĩa vụ Công an, vì thực tế hiện nay lực lượng CAND được tuyển thanh niên đi làm nghĩa vụ trong lực lượng CAND. Nếu thuật ngữ nghĩa vụ quân sự bao hàm cả nghĩa vụ tham gia Quân đội và tham gia Công an thì quy định hiện hành của Hiến pháp là phù hợp, còn nếu nghĩa vụ quân sự chỉ bao hàm nghĩa vụ trong lực lượng Quân đội thì không hợp lý vì Luật Công an nhân dân năm 2005 đang có hiệu lực pháp luật đã quy định vấn đề này, gọi là "phục vụ có thời hạn", thực chất cũng là làm nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang. Vì vậy có thể sửa "nghĩa vụ quân sự" thành "nghĩa vụ tham gia lực lượng vũ trang nhân dân".

Về thuật ngữ “chính sách hậu phương quân đội” nêu ở Điều 73, chúng ta đều biết, trong thực tiễn các cuộc kháng chiến chống xâm lược ở Việt Nam, với đường lối chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân thì không chỉ lực lượng Quân đội mới ra tiền tuyến chiến đấu mà cả lực lượng Công an cũng tham gia và như vậy chính sách hậu phương không chỉ áp dụng cho Quân đội mà cần áp dụng cho cả Công an. Bởi vậy, cần sửa cụm từ “chính sách hậu phương quân đội” thành “chính sách hậu phương cho lực lượng vũ trang”.

Vấn đề “xây dựng công nghiệp quốc phòng” là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên như trên đã phân tích, lực lượng Công an và nhất là lực lượng an ninh cũng cần phải xây dựng “công nghiệp an ninh” để phục vụ trong lực lượng Công an, nhằm kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh. Cho nên cần bổ sung "công nghiệp an ninh".

Tương tự như vậy, cần bổ sung “kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng” thành “kết hợp quốc phòng - an ninh với kinh tế và kinh tế với quốc phòng - an ninh”. Sửa cụm từ “bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sỹ, công nhân, nhân viên quốc phòng” thành “bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sỹ, công nhân, nhân viên lực lượng vũ trang”.

Từ tất cả vấn đề nêu trên, Điều 73 cần sửa lại là: “Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự - Công an (hoặc nghĩa vụ tham gia lực lượng vũ trang nhân dân"), chính sách hậu phương cho lực lượng vũ trang; xây dựng công nghiệp quốc phòng - an ninh, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng - an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng - an ninh, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sỹ, công nhân, nhân viên lực lượng vũ trang; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước”

T.V.T.
.
.
.