Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc

Thứ Tư, 06/12/2017, 07:58
Sáng 5-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự Hội thảo - Triển lãm quốc tế về Phát triển Công nghiệp thông minh (Smart Industry World 2017).


Diễn ra trong hai ngày 4, 5-12, sự kiện này do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG lần đầu tiên tổ chức với chủ đề “Định hình & Phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai”.

Cùng dự có các đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị,  Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Smart Industry World 2017 là sự kiện quốc tế về công nghệ quy mô lớn với chuỗi 4 hội thảo quốc tế và triển lãm về công nghệ công nghiệp 4.0 của gần 50 doanh nghiệp tiêu biểu trong nước và quốc tế trên tất cả các lĩnh vực: tự động hóa, rôbốt, công nghệ thông minh, nông nghiệp, y tế, giáo dục, fintech, phần mềm...

Sự kiện có sự tham dự của trên 1.500 đại biểu lãnh đạo đến từ các cơ quan quản lý nhà nước. cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thăm các gian trưng bày tại triển lãm về phát triển công nghiệp thông minh 2017. Ảnh: TTXVN

Triển lãm về công nghệ công nghiệp 4.0 trong khuôn khổ sự kiện này được tổ chức nhằm góp phần kết nối khách tham dự với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ và các doanh nghiệp tiên phong trong triển khai công nghiệp thông minh.

Với hơn 50 gian hàng đến từ các đơn vị công nghệ, công nghiệp, sản xuất hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới như Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản... triển lãm thu hút hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Đánh giá cao sáng kiến của Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành tổ chức hội thảo và triển lãm quốc tế về Phát triển công nghiệp thông minh 2017, Thủ tướng cho rằng, đây là một diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng để cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ, phát triển công nghiệp thông minh; nhận diện rõ những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức; trên cơ sở đó đề ra định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển công nghiệp thông minh ở Việt Nam trong thời gian tới.

Nhìn nhận sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện, Thủ tướng nêu rõ, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Thủ tướng nêu ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Chính phủ sẽ đầu tư hiện đại hóa đồng bộ, kết nối liên thông Hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia; phát triển công nghiệp thông minh trên nền tảng công nghệ số để tạo bước đột phá về chất lượng tăng trưởng, trước hết là công nghiệp công nghệ thông tin, đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp phần mềm và dịch vụ an toàn, bảo mật thông tin khu vực và toàn cầu. Trước mắt, tập trung hoàn thiện mạng di động 4G và tiếp tục nghiên cứu, phát triển mạng 5G.

Thủ tướng đưa ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có đội ngũ 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao. Muốn vậy, phải đưa các nội dung liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0 vào chương trình phổ thông, dạy nghề, đại học; nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo và khởi nghiệp.

Cùng với đó là phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp trong mọi ngành, lĩnh vực; khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê khoa học và khát vọng sáng tạo, đặc biệt là của thế hệ trẻ.

Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cùng với nguồn nhân lực số, phát triển doanh nghiệp số được xác định là nhiệm vụ trung tâm, lâu dài để phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế.

“Các doanh nghiệp phải có tầm nhìn, mơ ước lớn vượt ra biên giới quốc gia, đưa sản phẩm và dịch vụ “Made in Viet Nam” chinh phục thị trường trong nước, thế giới; góp phần làm thay đổi, nâng tầm thị hiếu của người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, quốc tế”, Thủ tướng nói

Khẳng định, Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt, Thủ tướng đề nghị “phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển”.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng gợi mở một số chuyên đề thảo luận tại hội thảo như: Đánh giá thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trên phương diện ứng dụng công nghệ mới, phát triển công nghiệp thông minh; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh, đặc biệt là những nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam; đề xuất, kiến nghị cụ thể về chiến lược, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh ở Việt Nam thời gian tới.

“Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể; chuyển hóa được công nghệ và ý tưởng sáng tạo thành giá trị gia tăng, giải quyết được vấn đề của thực tiễn đặt ra, tạo được việc làm và sản phẩm, dịch vụ mới.

Tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, trang bị đủ năng lực, sẵn sàng tiếp nhận các mô hình kinh doanh mới, dũng cảm từ bỏ, cải cách mô hình cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người tiêu dùng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Cùng với phiên báo cáo toàn thể, 3 phiên hội thảo chuyên đề sẽ thảo luận tại chiều 5-12 về xu thế phát triển, khai phá các giải pháp công nghệ mới cũng như đề xuất các chính sách cụ thể cho phát triển công nghiệp thông minh tại Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại - dịch vụ và phát triển đô thị thông minh.

PV ( TTXVN)
.
.
.