Các địa phương hạn chế tối đa việc khai thác rừng để làm thủy điện

Thứ Sáu, 16/10/2020, 18:06
Chiều 16/10, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ. Tại đây, lãnh đạo Bộ Công Thương đã trả lời báo chí nhiều vấn đề liên quan đến hồ thuỷ điện, thuỷ điện.

Liên quan đến vấn đề hồ thuỷ điện, ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành một loạt văn bản tập trung vào vấn đề đánh giá và yêu cầu các chủ đầu tư đảm bảo các vấn đề về an toàn hồ chứa. 

Đối với việc thực hiện Nghị định 114 về đảm bảo an toàn hồ chứa, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các Sở Công Thương trên địa bàn tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành. 

“Qua báo cáo, tính đến thời điểm này các hồ thủy điện đang vận hành trong phạm vi cả nước đều đảm bảo an toàn theo quy định. Hiện, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thủy điện có chức năng tham gia hoạt động điều tiết lũ. Tuy nhiên, đối với các hồ thủy điện nhỏ thường không có dung tích phòng lũ nên khi lũ từ thượng nguồn về sẽ tràn qua đập về phía hạ du. Còn đối với các hồ chứa có dung tích phòng lũ sẽ phải điều tiết lượng nước duy trì để đảm bảo phòng lũ", ông Bảo nói.

Từ năm 2016 đến nay, không có dự án thủy điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên nào được bổ sung trong quy hoạch. 

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp các bộ ngành địa phương để chỉ đạo, rà soát các vấn đề, nhất là ứng phó thiên tai, lường trước các tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu hồ chứa, 1 công cụ giám sát các hồ để giám sát chặt quá trình vận hành.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc rà soát các thủy điện nhỏ, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, vụ việc xảy ra tại thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) là sự cố đáng tiếc. Hiện, Bộ Công Thương đã kịp thời cử cán bộ trực tiếp vào hiện trường, nhanh chóng báo cáo các thông tin dự án, thông tin hiện trường từ dự án để có sự chỉ đạo điều hành và xử lý kịp thời, nhanh nhất. 

“Về quy hoạch, thực hiện Nghị quyết 62 của Chính phủ, chúng tôi đã rà soát và loại bỏ các dự án ảnh hưởng đến môi trường, tác động xấu đến xã hội và rừng khỏi quy hoạch. Từ năm 2016 đến nay, không có dự án thủy điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên nào được bổ sung trong quy hoạch. Các dự án được bổ sung trong quy hoạch được rà soát kỹ về việc khai thác rừng, sử dụng đất”, ông Quân cho biết. 

Đối với dự án thủy điện Rào Trăng 3 có ảnh hưởng đến rừng Phong Điền trước đây có một số vướng mắc, nhà đầu tư đã có giải pháp tháo gỡ. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế là khu vực có rủi ro địa chất lớn. Riêng tại A Lưới (Thừa Thiên Huế), nơi gần thủy điện Rào Trăng 3, trong khoảng 1 tuần đầu tháng 10, lượng mưa đã lên tới 2.200mm.

Thủy điện Rào Trăng 3 do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn làm chủ đầu tư và được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép đầu tư tháng 11/2008. Dự án được xây dựng trên sông Rào Trăng (nhánh cấp I của sông Bồ), thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Dự án có công suất lắp máy 11 MW, tổng nguồn vốn đầu tư 290 tỉ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha; trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ. Đến nay, Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đã hoàn tất 90% hạng mục xây dựng.


Lưu Hiệp
.
.
.