Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Truy trách nhiệm dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” cần thêm thời gian
- Sáng nay, Quốc hội chất vấn về các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”
- Xót lòng nhìn những dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”3
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) đặt câu hỏi: Báo cáo tới Quốc hội về nguyên nhân của những siêu dự án do Nhà nước đầu tư, Bộ Công Thương quản lý, Bộ trưởng đã chỉ rõ không loại trừ có những hành động cố ý vi phạm pháp luật trong quản lý điều hành, quản trị doanh nghiệp.
Ông đề nghị Bộ trưởng Công Thương làm rõ hơn những sai phạm, đâu là trách nhiệm của các cơ quan quản trị doanh nghiệp và đâu là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước? Bộ trưởng có kiến nghị gì để không lặp lại tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” như vừa qua?
Nhiều dự án doanh thu không đủ bù chi
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đối với 5 dự án thua lỗ, tồn đọng, còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã có báo cáo đánh giá sơ bộ gửi tới các vị ĐBQH. Tuy nhiên ông hiểu, sâu xa hơn là các ĐBQH muốn làm rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và những giải pháp… 5 dự án này được đầu tư từ năm 2008 đến nay, từ xơ sợi, xăng sinh học, đạm phục vụ sản xuất phân bón, xăng ethanol, cho đến gang thép... trong từng lĩnh vực dự án cụ thể, do tính chất đặc thù của ngành, của mỗi dự án, diễn biến khác nhau qua nhiều thời kỳ nên đánh giá tổng thể thì rất khó.
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh |
Trước hết, tất cả các dự án này đều có qúa trình triển khai kéo dài kể từ sau khi được phê duyệt đầu tư. Thậm chí, dự án đạm Ninh Bình đến nay không quyết toán được đầu tư mặc dù nhà máy đã đi vào vận hành.
“Những nhà máy này đều rơi vào thời điểm thị trường thế giới bất ổn, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án. Ví dụ như dầu thô từ hơn 100 USD/thùng sau đó tụt xuống còn hơn 40 USD/thùng đã ảnh hưởng đến hiệu quả, tính khả thi của dự án. Dự án đạm Ninh Bình sản xuất từ khí hoá than không thể cạnh tranh với các dự án từ nước ngoài giá thành rẻ hơn” – Bộ trưởng dẫn chứng.
Tiếp đó là năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế, kể cả về công nghệ cũng như việc thực hiện đầu tư. Năng lực còn hạn chế của các ban quản lý dự án. Ví dụ đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ… Năng lực trong đàm phán, ký kết, quản lý các dự án này, khả năng thực hiện dự án của các nhà thầu, trong đó có nhà thầu nước ngoài.
Nhiều dự án không thực hiện đúng nội dung hợp đồng. Quá trình triển khai có nhiều vướng mắc lớn. Trong quá trình tham gia triển khai có sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước, tuy nhiên những giải pháp đó cũng không mang lại hiệu quả vì nhiều lý do. Cho nên đến nay, các dự án ấy đều tồn tại vướng mắc, hiệu quả kinh tế không còn, nếu có vận hành cũng không đủ cạnh tranh, nhiều dự án doanh thu không bù được chi phí…
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh |
Đề ra các giải pháp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, phải đánh giá đầy đủ các nguyên nhân chủ quan và khách quan, căn cứ pháp lý để làm rõ trách nhiệm.
Thứ nhất, các giải pháp cần phải được nghiên cứu, xem xét tổng thể theo khuôn khổ pháp lý và nguyên tắc kinh tế thị trường, nhưng phải đảm bảo mục tiêu bảo toàn vốn, bảo vệ lợi ích tài sản của nhà nước và phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế.
Có hướng xem xét bán dự án hoặc tiếp tục cho thuê, cổ phần hoá cho các doanh nghiệp để cùng khai thác, hoặc thậm chí tuyên bố phá sản. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành báo cáo Chính phủ. Bộ Công thương đã phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu và có báo cáo với Chính phủ, sau kỳ họp này Chính phủ sẽ họp và đưa ra quyết định cụ thể.
Cố tình làm sai trong quản trị dự án sẽ xem xét trách nhiệm hình sự
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đưa ra kinh nghiệm làm cẩn trọng và đánh giá đúng, đầy đủ theo khung pháp lý, xem xét rõ trách nhiệm các doanh nghiệp, chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Làm rõ nguyên nhân khách quan, có sự cố tình hay vô ý.
Điều đó sẽ được làm rõ trong thời gian tới vì mỗi dự án mức độ thực hiện khác nhau và tính chất đặc thù khác nhau. Một số dự án đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính, Bộ Công Thương... Chúng tôi sẽ tổng hợp, báo cáo với Chính phủ và báo cáo cụ thể với Quốc hội sau.
“Đối với các hành vi vi phạm pháp luật và cố tình làm sai trong quản trị các dự án sẽ được xem xét, xử lý nghiêm, kể cả xem xét trách nhiệm hình sự” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chưa đồng tình với câu trả lời của “tư lệnh” ngành Công thương, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh đã giơ biển xin tranh luận: “Câu hỏi tôi nêu ra Bộ trưởng mới đề cập mà chưa có câu trả lời. Chúng tôi băn khoăn, trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc đầu tư. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đến đâu, Bộ đã làm đến đâu? Trách nhiệm quản trị doanh nghiệp như thế nào? Bộ trưởng chưa đi thẳng vấn đề” – đại biểu thẳng thắn.
Toàn cảnh phiên họp sáng 15-11 |
Ông cho rằng, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước, tiền thuế của dân nhưng lại “khoán trắng” là không được. “Tại sao đạm Ninh Bình mà nói công nghệ không phù hợp, vậy vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ đến đâu? Vai trò của Bộ Tài chính đến đâu trong quản lý ngân sách nhà nước tại doanh nghiệp? Mong Bộ trưởng hết sức quan tâm vấn đề này.
Giải đáp chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, do các dự án kéo dài lâu, từ khi các tập đoàn và tổng công ty 91 còn trực thuộc trực tiếp Chính phủ, không có bộ chủ quản quản lý cấp trên nên việc đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm… cần phải có thời gian.
Chúng ta đã có sự chỉ đạo của Chính phủ, không chỉ Bộ Công thương mà Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước sẽ cùng phối hợp đánh giá, về trách nhiệm, khung thể chế… Đối với các dự án trước năm 2012 đều được phê duyệt chủ trương đầu tư, giao lại các tập đoàn, tổng công ty quản lý, phê duyệt… Các Bộ, ngành, nhà nước trước năm 2012 tham gia quản lý về chiến lược, tham mưu cho Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Xin chia sẻ với các đại biểu, Bộ trưởng cho rằng, từ khi Nghị định 99 được ban hành thì chúng ta sẽ có thể xem xét rõ trách nhiệm từ nay về sau.
“Việc phân tích rõ trách nhiệm các dự án theo khuôn khổ pháp luật, xem có làm sai hay không, làm sai là do cố tình hay vô tình; về cụ thể trách nhiệm, nguyên nhân… chúng tôi phải tiếp tục có thời gian, báo cáo Thủ tướng có cách giải quyết triệt để. Xin phép trong các kỳ Quốc hội sau Bộ Công thương sẽ thừa uỷ quyền của Chính phủ báo cáo” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.