Lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân

Thứ Sáu, 07/08/2020, 17:21
Bộ Công an đang xây dựng Dự thảo (lần 2) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân trình Chính phủ. Thời hạn lấy ý kiến từ 6/8/2020 và hết hạn ngày 6/10/2020.

Dự thảo Nghị định đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 5: “Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thu thập, cập nhật thông tin về công dân cư trú trên địa bàn quản lý từ sổ sách quản lý về cư trú, hộ tịch và từ công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”. 

Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6: “Thủ trưởng cơ quan quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 5 Nghị định này có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý, tính chính xác của các thông tin trước khi chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quyết định việc chỉnh sửa thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu và chịu trách nhiệm về việc chỉnh sửa đó”.

Công an tỉnh Thanh Hóa làm thủ tục cấp Căn cước công dân cho nhân dân. 

Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8: “Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính, văn bản yêu cầu khai thác thông tin hoặc thông qua dịch vụ viễn thông, qua Cổng thông tin điện tử do cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định”. 

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9: “ Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng Công an cấp xã có thẩm quyền cho phép cung cấp thông tin về công dân cư trú tại địa phương cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản yêu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 8 Luật này”.

Tại Điều 10, dự thảo Nghị định đề nghị sửa đổi, bổ sung: “Các tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 8 Nghị định này có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì có văn bản yêu cầu gửi cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Điều 9 Nghị định này. 

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thẩm quyền quyết định cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công dân có nhu cầu khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện các thủ tục hành chính thì xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân”.

Dự thảo cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 10: “Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính cung cấp ngay thông tin cho công dân khi giải quyết thủ tục hành chính. Trường hợp công dân có yêu cầu cung cấp thông tin về bản thân bằng văn bản gửi cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì ngay khi nhận được yêu cầu của công dân, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có trách nhiệm cung cấp thông tin cho công dân. 

Trường hợp cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ chối cung cấp thông tin về công dân cho tổ chức, cá nhân thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu phải trả lời cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý do”.

Về khai thác thông qua dịch vụ viễn thông, dự thảo Nghị định đề nghị sửa đổi: “Công dân có nhu cầu khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua dịch vụ viễn thông thì gửi tin nhắn hoặc gọi điện qua tổng đài do cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định. 

Các trường thông tin của mình mà công dân được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua dịch vụ viễn thông gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quê quán; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại; quan hệ với chủ hộ; họ, chữ đệm, tên của chủ hộ và các thành viên trong hộ gia đình”. 

Đối với thông tin khai thác qua cổng thông tin điện tử, dự thảo Nghị định đề nghị sửa đổi: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân do chính công dân cung cấp để khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm phục vụ việc giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự qua Cổng thông tin điện tử do Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định. 

Các trường thông tin của công dân có thể khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng thông tin điện tử gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quê quán; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại; quan hệ với chủ hộ; họ, chữ đệm, tên của chủ hộ và các thành viên trong hộ gia đình”.

Tại Điều 15,quy định về trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân đối với công dân đã đăng ký khai sinh, dự thảo Nghị định đề nghị sửa đổi, bổ sung: “ Công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Ngay sau khi xác lập được số định danh cá nhân cho công dân, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập và các thông tin của công dân hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Cũng theo dự thảo Nghị định, trường hợp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đầy đủ thì trong văn bản thông báo cần yêu cầu công dân bổ sung thông tin cho cơ quan Công an nơi mình đang cư trú để thực hiện cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Trường hợp công dân đã có số định danh cá nhân mà được xác định lại giới tính thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân sau khi công dân đó đã thực hiện đăng ký lại hộ tịch liên quan đến thông tin về giới tính theo quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch. 

Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập lại. Cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân sử dụng số định danh cá nhân đã được cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập cho công dân để cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Nguyễn Hưng
.
.
.