Bí thư cấp ủy không phải người địa phương:

Ngăn chặn bổ nhiệm, cất nhắc người trong dòng tộc, thân hữu, hậu duệ

Chủ Nhật, 27/05/2018, 00:33

Bí thư cấp ủy không phải người địa phương là chủ trương lớn của Đảng. Nguyên nhân là do thời gian qua trong công tác cán bộ có những khiếm khuyết, mà khiếm khuyết cơ bản nhất là liên quan đến vấn đề bổ nhiệm, cất nhắc người trong dòng tộc, thân hữu, là hậu duệ…

Vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26-NQ/TW). Nghị quyết được đánh giá là có nhiều điểm mới quan trọng, thể hiện sự đột phá trong công tác cán bộ.

Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này, phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hoà, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh những điểm mới của Nghị quyết.

PV: Một trong những mục tiêu cụ thể của Nghị quyết là đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Phạm Văn Hoà: Đây là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của đất nước ta sắp tới. Chủ trương này không mới, trước đó một số nơi cũng đã thí điểm triển khai rồi.

Nguyên nhân là do thời gian qua trong công tác cán bộ có những khiếm khuyết, mà khuyết khuyết cơ bản nhất là liên quan đến vấn đề bổ nhiệm, cất nhắc người trong dòng tộc, thân hữu, là hậu duệ…

ĐBQH Phạm Văn Hoà.

Cho nên việc bố trí bí thư cấp uỷ không là người địa phương hết sức cần thiết. Bí thư cấp uỷ là người lãnh đạo về mặt đường lối, chủ trương, đề ra những quyết sách quan trọng cho chính quyền tổ chức thực hiện, trong đó có công tác cán bộ.

Do đó, công tác cán bộ phải làm sao đảm bảo khách quan, trung thực; chọn lựa cán bộ phải có trách nhiệm, lựa chọn người có đức, có tài, có tâm, thể hiện trách nhiệm cao. Anh không phải người địa phương thì việc lựa chọn chắc chắn khách quan hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng, cán bộ không là người địa phương thì không hiểu rõ về địa phương và sẽ gặp khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành…

ĐBQH Phạm Văn Hoà: Đây cũng là một vấn đề mà Trung ương vừa rồi có bàn, nhưng cuối cùng đi đến kết luận, dù có khó khăn ban đầu nhưng người lãnh đạo cao nhất ở tỉnh, huyện thì cũng đã có bề dày kinh nghiệm trong công tác cán bộ, họ có thể trông nhờ vào sự lãnh đạo chung của tập thể.

Trước khi đến địa phương, họ phải tìm hiểu cặn kẽ về địa phương, sử dụng năng lực, trình độ, uy tín, thậm chí phải bằng kinh nghiệm, bản lĩnh để tạo lập cho mình một kênh thông tin đáng tin cậy. Bí thư là người lãnh đạo toàn diện về mọi mặt, kể cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh… mà quan trọng, cốt lõi nhất là công tác cán bộ, bố trí cán bộ. Cái khó là không phải người địa phương sẽ không am hiểu. Nhưng nếu biết dựa vào cấp uỷ để lựa chọn thì ắt sẽ chọn được.

Bước đầu chắc chắn có khó khăn nhưng dần dần nếu bí thư cấp uỷ đó có tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao, có tâm trong sáng, có đức, có tài thì sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

PV: Người ta vẫn thường nói tới tư tưởng “cục bộ địa phương”. Theo ông, đây có phải là trở ngại cho bí thư cấp uỷ là người đến từ địa phương khác hay không?

ĐBQH Phạm Văn Hoà: Trước hết phải nói rằng, bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương là chủ trương lớn của Đảng về bố trí cán bộ chung trong toàn quốc.

Tất cả cán bộ, đảng viên trong cấp uỷ phải thật sự thông suốt vấn đề này. Nghị quyết Trung ương 7 sắp tới đây sẽ đi vào lòng dân và được triển khai thông suốt từ Trung ương xuống cơ sở, mỗi đảng viên phải biết và thấm nhuần.

Thực tế trước đây khi thí điểm bố trí bí thư cấp uỷ không phải người địa phương cũng có trường hợp cục bộ địa phương, khi tham gia ứng cử, đề cử người ta dùng quyền dân chủ trong Đảng để biểu quyết bất lợi cho nhân sự Trung ương đưa về. Bây giờ nếu tư tưởng của mọi người đều được thông suốt thì sẽ hạn chế được.

Tất nhiên cũng có hiện tượng cục bộ nhưng sẽ có giải pháp căn cơ để tháo gỡ việc đó.

PV: Giải pháp đó là gì bởi nếu không sẽ dễ xảy ra tình trạng bí thư cấp uỷ làm tốt nhưng địa phương phản ánh sai?

ĐBQH Phạm Văn Hoà: Cũng phải nói thêm thế này, quy trình để bố trí cán bộ khi cử người từ Trung ương về làm bí thư tỉnh uỷ hoặc bí thư huyện uỷ là các cấp có thẩm quyền sẽ đến làm việc với tập thể cấp uỷ, ban thường vụ nơi đó, trao đổi với cấp uỷ nơi đó để quán triệt đây là chủ trương chung nên cần có sự ủng hộ tuyệt đối để đồng chí được điều về có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo tôi nghĩ nếu làm đúng quy trình này thì sẽ giải quyết được phần nào. Còn tất nhiên Trung ương cũng phải kiểm tra, giám sát và phải nhìn vào thực tế những gì mà đồng chí bí thư làm được để đánh giá.

PV: Nghị quyết cũng nhấn mạnh trách nhiệm của lãnh đạo và cấp ủy viên các cấp trong việc tiến cử người có đức, có tài; người đứng đầu có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, tiến cử người thay thế mình. Theo ông, việc nhấn mạnh điều này có ý nghĩa thế nào trong tình hình hiện nay?

ĐBQH Phạm Văn Hoà: Mình giới thiệu người vào vị trí A, vị trí B thì mình cũng phải chịu trách nhiệm về việc làm của họ. Nếu họ làm tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì mình được thơm lây, được khen thưởng thêm.

Còn nếu người đó không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, tham ô, lãng phí, gây mất đoàn kết, cục bộ, bè phái… thì bản thân người giới thiệu phải chịu trách nhiệm.

Cho nên người giới thiệu cũng phải vô tư, công tâm, khách quan, chọn lựa người có đức, có tài chứ không phải chọn lựa vì riêng tư, vì cá nhân, vì hậu duệ, vì quan hệ, vì tiền tệ…

Đó cũng là giải pháp ngăn ngừa việc chọn người không nằm trong quy hoạch, chọn người không có đức, chọn người không có tài hay “gài người nhà” vào vị trí đó. Là chế tài đối với người giới thiệu nhân sự, là chủ trương đúng đắn, được đông đảo cán bộ hết sức ủng hộ.

PV: Trong Nghị quyết có một nội dung liên quan đến văn hoá từ chức, “có lên, có xuống”, “có vào, có ra”. Cụm từ “văn hoá từ chức” được nhắc đến nhiều nhưng đây là lần đầu tiên Nghị quyết của Trung ương nêu rõ…

ĐBQH Phạm Văn Hoà: Đây cũng là chủ trương rất mới của Trung ương. Trước đó trong các văn bản, nghị quyết có nói đến văn hoá từ chức nhưng chỉ là đánh giá. Còn lần này Nghị quyết Trung ương nói rất cụ thể, rõ ràng.

Đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vì lý do nào đó tập thể không tín nhiệm, bị quần chúng nhân dân phản ánh hoặc có dư luận này kia…, rồi người đó thấy nhiệm vụ được phân công mình không làm được, hoặc vị trí này đối với mình quá tầm tay, không đủ tiêu chuẩn… thì nên có sự từ chức.

Còn nếu ai đó vì vấn đề nọ, vấn đề kia mà gây tai tiếng, ảnh hưởng cho bản thân mình nhưng không muốn từ chức thì tổ chức có thẩm quyền nên làm việc, động viên họ từ chức.

PV: Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Vinh (Thực hiện)
.
.
.