Chuyển trọng tâm sang phòng chống thiên tai do hoàn lưu bão số 2

Thứ Năm, 04/07/2019, 11:34
Bão số 2 (tên quốc tế là MUN) đã đổ bộ vào bờ, tuy nhiên hoàn lưu bão gây mưa cục bộ và diễn biến phức tạp trong những ngày tới.


Sáng 4/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống thiên tai tổ chức họp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 2. Tại cuộc họp, ông Vũ Đức Long (Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, vào khoảng 4h30-5h sáng ngày 4/7, bão số 2 đã đổ bộ vào khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp.

“Do ảnh hưởng của bão số 2 đổ bộ nên ở Cát Hải và Hòn Dáu (Hải Phòng) đã quan trắc được gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An tiếp tục có mưa to đến rất to”, ông Long cho hay.

Ông Long thông tin thêm, vào hồi 5h ngày 4/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh Hải Phòng-Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (50-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Ông Vũ Đức Long (Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia).

Trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi sâu vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ.

Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) trong sáng sớm nay còn có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.

Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.  

Dự báo mưa: Trong ngày hôm nay (4/7), ở Thanh Hóa và khu vực Tây Bắc Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 40-80mm/12 giờ, có nơi trên 100mm/12 giờ); từ đêm nay mưa giảm.

Trong ngày và đêm nay, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 50-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); vùng núi Bắc Bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/ 24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ).

Khu vực Hà Nội: Có mưa vừa đến mưa to và dông. Trong mưa giông có gió giật mạnh. Cần theo dõi thông tin dự báo lũ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trong các bản tin được ban hành theo quy định.

Đại tá Phạm Xuân Diệu (Phó Tham mưu Trưởng Bộ đội Biên phòng).

Đại tá Phạm Xuân Diệu (Phó Tham mưu Trưởng Bộ đội Biên phòng) cho biết: “Theo báo cáo của lực lượng Biên Phòng tỉnh Thanh Hóa, vào hồi 3h45 ngày 4/7, tại xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia mưa bão làm sập cầu Yên Hòa làm 2 người chết, 2 người bị thương khi tham gia giao thông và làm 3 xe máy bị hư hỏng.

Trong khi đó, theo báo cáo của lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, vào hồi 15h ngày 3/7, tại vụng Bùi Thuốc Lá (xã Đông Xá, Vân Đồn, Quảng Ninh) do sóng lớn, có 6 ngư dân bị nuôi trồng thủy sản bị mắc kẹt trên 1 tàu vỏ xi măng không vào bờ được. Ngay sau đó Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với lực lượng chức năng ở địa phương đưa những người này vào bờ an toàn”.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Đến thời điểm này do chúng ta chủ động ứng phó bão số 2 nên thiệt hại không nhiều, bão số 2 gây mưa cục bộ ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và Nam Nghệ An ghi nhận được lượng mưa trên 500mm”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp.

Thứ trưởng Hiệp cho hay, tính đến 7h sáng 4/7, bão số 2 đã khiến 2 người chết làm 2 người bị thương, 1 cầu sập ở Thanh Hóa. Bão số 2 đe dọa an toàn hồ Đồng Chùa (Thanh Hóa).

“Bão số 2 chủ yếu gây mưa cục bộ nên sẽ diễn biến phức tạp trong những ngày tới, trọng tâm mưa từ nay là khu vực Tây Bắc (các tỉnh Sơn La, Hòa Bình) và các tỉnh Phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An sẽ mưa rất lớn”, Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, trong thời gian tới công tác dự báo cần thông tin nhanh, kịp thời, chính xác,...

“Tiếp tục đảm bảo an toàn hồ đập, các hồ sửa chữa có nguy cơ mất an toàn của 51 hồ chứa. Đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông, để giao thông thông xuất như Tây Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Bắc Bộ,... an toàn hàng không, đường bộ, đường sắt,... Mặc dù bão số 2 đã vào bờ nhưng gió vẫn to, cần kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền không cho ra khơi thời điểm này, không chủ quan để khách du lịch người dân hiếu kì ra biển, ví dụ hơn 1600 khách du lịch ở đảo Cô Tô nhưng 1 nửa không muốn vào bờ mà muốn ở lại trải nghiệm bão trên đảo. Các bộ, ban ngành các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm cao, nâng cao trách nhiệm của từng địa phương”, Thứ trưởng Hiệp đề nghị.

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, bão số 2 đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Ninh vào rạng sáng 4-7. Lượng mưa đo được tại huyện Ba Chẽ là 58mm, thành phố Móng Cái là 56mm, các địa phương còn lại mưa nhỏ rải rác. Hiện đã xuất hiện đợt lũ nhỏ tại xã Quảng Sơn và ngầm 1 thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà.

Lực lượng CSGT khắc phục hậu quả sau bão.

Số liệu thống kê cho thấy, tỉnh Quảng Ninh có 505 tàu du lịch, 146 tàu vận tải, 8.460 tàu cá, 250 tàu neo đậu và 15 tàu nước ngoài neo đậu trên địa bàn. Tất cả các ô lồng nuôi thủy sản kín trên địa bàn huyện Cô Tô, Đầm Hà, Vân Đồn và Móng Cái được đưa về nơi tránh trú an toàn.

Mặc dù bão số 2 đi qua nhưng hoàn lưu bão gây ra mưa lớn, nên tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng chuyển trọng tâm sang phòng chống mưa, lũ, sạt lở đất do mưa hoàn lưu sau bão gây ra. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã bố trí người canh trực, chủ động kiểm tra, rà soát và bổ sung phương án đảm bảo an toàn tại các vị trí có nguy cơ mất an toàn, như khu vực sản xuất khoáng sản, các công trình đang thi công, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

Trên địa bàn thành phố Hải Phòng, nhờ công tác chuẩn bị phòng chống bão hiệu quả nên không xảy ra thiệt hại về người và tài sản; các tàu, thuyền neo đậu tránh trú trên địa bàn đều an toàn; sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản không bị ảnh hưởng nhiều.

Là quận chịu ảnh hưởng lớn nhất của cơn bão số 2, UBND quận Đồ Sơn (Hải Phòng) đã chỉ đạo các lực lượng chức năng nhanh chóng dọn dẹp các cây gãy đổ, dọn vệ sinh môi trường trên các trục đường, các khu dân cư trên địa bàn. Đặc biệt, phân công lực lượng CSGT phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng quận Đồ Sơn cũng hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng do bão.

Hiện tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng đang chú trọng tuyên truyền đến người dân tại các vùng có nguy cơ ảnh hưởng của mưa gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất, chủ động ứng phó với mưa do hoàn lưu sau bão.



V.Huy – Đ.Minh-VOV
.
.
.