Bản lĩnh trong chống tiêu cực, tham nhũng

Thứ Năm, 01/11/2012, 19:22
Sự liên kết giữa các ngành, các cấp để bảo vệ cho những người chống tiêu cực, tham nhũng là rất quan trọng. Có thể nói đó là chỗ dựa vững chắc. Tôi nghĩ rằng tạo nên được bản lĩnh một cách vững chắc thì công tác đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng nhất định sẽ có chuyển biến mạnh.

Trong các phiên họp của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra vấn đề tiếp tục đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng được công luận quan tâm nhiều, bởi không chỉ tiêu cực tham nhũng ở nước ta được coi là đến mức báo động đỏ mà chính là hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa còn thấp, còn xa so với kỳ vọng của người dân. Thấp ở đây thể hiện ở cả hai khâu: Phát hiện và xử lý. Vì sao lại có tình trạng này?

Ngay trong các phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội đã nói đây là công tác rất phức tạp vì đụng đến những cán bộ phần lớn còn đương chức, họ tìm nhiều cách che chắn. Một số thì cho rằng đội ngũ cán bộ làm công tác này vừa yếu vừa thiếu, điều kiện cơ sở vật chất chưa được đảm bảo, cơ chế chính sách có chỗ chưa phù hợp… Không ai nói những lí do ấy là không đúng nhưng dẫu sao đó cũng là “bài ca muôn thuở”.

Thực tế tiêu cực tham nhũng tuy nói là tinh vi nhưng nhìn bề ngoài thì rất dễ nhận ra. Kinh tế gia đình giàu lên một cách trông thấy, nhà nọ xe kia, con cháu đi du học nước ngoài… chỉ ít lâu sau khi người nhà được ngồi vào cái ghế mà nhiều người cần nhờ vả. Mặt khác đội ngũ cán bộ làm công tác này đâu phải đến nỗi quá mỏng, điều kiện làm việc đâu đến nỗi quá thiếu. Ở đây có một vấn đề mà chưa có nhiều người đề cập đến, chưa dám nhìn thẳng, đó là chúng ta đang thiếu đi một bản lĩnh cần thiết cho công tác này, mặc dầu trong nhiều nghị quyết của Trung ương đã kiên quyết tuyên chiến với loại “giặc nội xâm” này.

Trước đây trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, bản lĩnh chiến đấu, bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ luôn là một điều được giáo dục tuyên truyền mạnh mẽ từ đó trở thành niềm vinh dự và tự hào. Trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay điều này là rất cần thiết. Chúng ta phải tiếp tục làm tốt việc giáo dục này nhất định quần chúng sẽ đồng tình ủng hộ. Lãnh đạo các cấp phải là người đi đầu trong việc đề cao bản lĩnh để tạo nên sức mạnh từ quần chúng. Nhìn chung chúng ta chưa thường xuyên làm tốt việc này, thậm chí có nơi chưa làm đã ngại khó, muốn được yên thân. Những biểu hiện tư tưởng đó chính là nguyên nhân triệt tiêu bản lĩnh tốt đẹp trong mỗi cá nhân.

Cần nêu cao học tập bản lĩnh của người xưa về chống tham nhũng, tiêu cực, đó là những bản lĩnh tiêu biểu quyết chiến đấu hy sinh đến cùng vì công lý cao đẹp. Bản lĩnh phải trở thành sức mạnh và ý chí của nhân dân. Muốn vậy phải khơi dậy và nuôi dưỡng được ý thức và nhiệt tình của đông đảo và phải tạo ra được hàng rào vững chắc bảo vệ cho những bản lĩnh đó. Cũng có người cho rằng hiện nay không ít người có bản lĩnh chống tham nhũng, nhưng tường rào bảo vệ để đi đến cùng của cuộc chiến trong mỗi vụ việc cụ thể thì còn yếu. Có nơi người tích cực đấu tranh bị phản công trở lại thì sự bảo vệ đó chưa tương xứng, thậm chí có trường hợp lâm vào cảnh “lên bờ xuống ruộng”.

Để cho những hiện tượng đó xảy ra là trách nhiệm của chúng ta, phải thấy thực sự đau lòng. Sự liên kết giữa các ngành, các cấp để bảo vệ cho những người chống tiêu cực, tham nhũng là rất quan trọng. Có thể nói đó là chỗ dựa vững chắc. Tôi nghĩ rằng tạo nên được bản lĩnh một cách vững chắc thì công tác đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng nhất định sẽ có chuyển biến mạnh. Vừa qua theo tinh thần NQTƯ4 (khóa XI) thì nơi nào để xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì thủ trưởng nơi đó phải chịu trách nhiệm. Để không rơi vào tình trạng “phải chịu trách nhiệm” ấy thiết nghĩ lãnh đạo các cấp cần coi việc xây dựng bản lĩnh chống tiêu cực tham nhũng là yếu tố đóng phần quyết định

P.V.T.
.
.
.