Bản hùng ca toàn quốc kháng chiến: Chặn đứng âm mưu lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 13/12/2016, 08:02

Theo hồi ức của Đại tá Trần Tấn Nghĩa, cuối tháng 6 năm 1946, lãnh đạo Nha Công an Trung ương nhận được thông tin nghiêm trọng: Các đảng phái phản động cấu kết với quân Pháp đang ráo riết thực hiện kế hoạch gây rối, lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh. Nguồn tin được phối kiểm và giao cho hai điệp viên H120 và C3 của ta cài trong hàng ngũ địch làm rõ...

Bài 4: Chặn đứng âm mưu lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh

Như đã nêu ở những bài trước, từ tháng 3 đến tháng 9-1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã liên tiếp mở mặt trận ngoại giao nhằm tránh một cuộc chiến với Pháp; nổi bật là Hội nghị Đà Lạt, Hội nghị Fontainebleau và chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nước Pháp kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 cùng năm.

Trong thời gian đó tại Việt Nam, các tổ chức phản động liên tiếp tổ chức những hoạt động chống phá hòng lật đổ chính quyền Cách mạng, đặc biệt nguy hiểm là âm mưu đảo chính được biết đến với cái tên “Vụ án Ôn Như Hầu” dự kiến diễn ra đúng Ngày kỷ niệm Quốc khánh Pháp 14-7-1946, nhưng đã bị lực lượng Công an cách mạng non trẻ chặn đứng…

Nước sôi lửa bỏng

Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, thực hiện thoả thuận Potsdam, cuối tháng 8-1945, 20 vạn quân Tàu Tưởng vượt biên giới phía Bắc vào nước ta để giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra, kéo theo nhiều tổ chức Việt gian phản động. Ngay khi quân Tưởng vượt qua biên giới, chúng đã giúp bọn Việt quốc, Việt cách lập chính quyền phản động ở một số nơi như Vĩnh Yên, Yên Bái, Móng Cái. 

Bản hùng ca toàn quốc kháng chiến: Chặn đứng âm mưu lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh -0
Đội Trinh sát đặc biệt Sở Công an Bắc Bộ năm 1946, đơn vị khám phá vụ án ở phố Ôn Như Hầu. Đại tá Trần Tấn Nghĩa đứng thứ 2 từ trái sang.

Tại Hà Nội, quân Tưởng ngang nhiên tuyên bố “thời gian ở lại Việt Nam là không hạn định”. Chúng khẳng định có quyền giữ gìn trật tự trị an và đề ra những quy định kiểm soát xe cộ đi lại trong thành phố; tuần tra kiểm soát, canh gác tại các cửa ô. Quân Tưởng chiếm đóng nhiều vị trí trọng yếu trong thành phố và luôn tìm cớ khiêu khích, nổ súng vào lực lượng ta.

Ỷ thế quân Tưởng, bọn phản động đua nhau tập hợp lực lượng, lập ra “Mặt trận quốc gia chống Pháp” và các tổ chức vũ trang như “Thiết huyết đoàn”, “Thần lôi đoàn”, “Đội hùm xám”… để tiến hành ám sát, bắt cóc, tống tiền.

Nguy hiểm hơn, Quốc dân đảng chia miền Bắc ra làm các khu, mỗi khu gọi là chiến khu, thậm chí chúng coi khu vực Ngũ Xã (nay thuộc quận Ba Đình – Hà Nội) là lãnh địa như kiểu “khu tự trị”. Nhiều trụ sở công khai, bí mật được chúng lập ra; đồng thời phát hành các loại báo phản động như Thiết Thực, Đồng Tâm, Tự Do, Liên Hiệp, Phục Quốc… tuyên truyền gây hoang mang, chia rẽ quần chúng. Chúng đã tổ chức nhiều vụ bắt cóc, trong đó có vụ thủ tiêu ông Trần Đình Long, một cốt cán của cách mạng và tiến hành một số vụ khủng bố, ám sát khác nhằm vào những nhân sĩ, trí thức…

Đập tan âm mưu thâm độc

Trước tình hình trên, lực lượng Công an cách mạng non trẻ đã mưu trí, dũng cảm đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của bọn phản động được quân Tàu Tưởng hà hơi tiếp sức; nổi bật là chiến công khám phá “Vụ án Ôn Như Hầu”. Những người trực tiếp  chỉ đạo khám phá vụ án này là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp và Giám đốc Việt Nam Công an vụ Lê Giản…

Một trong những nhân chứng lịch sử của vụ án tại số 7 Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) là Đại tá Trần Tấn Nghĩa (1925-2009), tức Nguyễn Bá Hùng, người Đội trưởng Đội Trinh sát đặc biệt của Sở Công an Bắc bộ năm 1946. Khi ông còn bình sinh, chúng tôi đã nhiều lần được gặp gỡ, trò chuyện về những thời khắc nước sôi lửa bỏng thể hiện tài trí, bản lĩnh của lực lượng Công an non trẻ… Những năm 1960, ông Nghĩa cũng là người nhập vai rất hoàn hảo một thượng cấp mật vụ của Ngô Đình Diệm xâm nhập miền Bắc hỗ trợ các hoạt động phỉ; góp phần truy quét, triệt phá toàn bộ lực lượng phỉ trong “Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn” tại các tỉnh phía Bắc.

Theo hồi ức của Đại tá Trần Tấn Nghĩa, cuối tháng 6 năm 1946, lãnh đạo Nha Công an Trung ương nhận được thông tin nghiêm trọng: Các đảng phái phản động cấu kết với quân Pháp đang ráo riết thực hiện kế hoạch gây rối, lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh. Nguồn tin được phối kiểm và giao cho hai điệp viên H120 và C3 của ta cài trong hàng ngũ địch làm rõ.

Đại tá Trần Tấn Nghĩa (chụp năm 2006). Ảnh: Duy Hiển

Theo đó, nhân Ngày Quốc khánh Pháp (14-7), phía Pháp sẽ tổ chức diễu binh trên một số đường phố Hà Nội. Quốc dân đảng sẽ bố trí người giả làm tự vệ Việt Minh ném lựu đạn vào đoàn lính da đen đang diễu binh. Nhân đó, phía Pháp đổ lỗi cho Việt Minh khiêu khích, không giữ được trật tự trị an và dùng quân đội đang diễu binh tấn công vào các vị trí trọng yếu của chính quyền cách mạng, vây bắt tất cả cán bộ cao cấp của Chính phủ; đồng thời thành lập chính quyền tay sai... 

Tiếp đó, C3 báo tin: Tại một trụ sở của Quốc dân đảng ở 132 phố Duvigneau (nay là Bùi Thị Xuân – Hà Nội), đang diễn ra việc in truyền đơn phản động. Đến ngày 11-7-1946, C3 báo tiếp một tin quan trọng: Từ ngày 12-7, Quốc dân Đảng sẽ phân tán lực lượng, rút vào bí mật, không còn trụ sở công khai; chuẩn bị tiến hành bạo động tại Hà Nội và một số thị xã, thành phố...

Trước tình hình đó, lãnh đạo Nha Công an Trung ương quyết định chọn trụ sở 132 Duvigneau là điểm tập kích đầu tiên. Rạng sáng 12-7, lực lượng Công an mưu trí đột nhập vào trụ sở này, khống chế tất cả các đối tượng có mặt, thu được nhiều tang vật gồm vũ khí, truyền đơn phản động kêu gọi lật đổ chính quyền cách mạng, máy in. Từ những chứng cứ này, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã đồng ý việc trấn áp các trụ sở của bọn phản động.

Đội trinh sát đặc biệt do ông Nghĩa làm Đội trưởng được giao nhiệm vụ vây bắt bọn phản động tại trụ sở số 7 Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều – Hà Nội). Đại tá Trần Tấn Nghĩa nhớ lại: “Trưa 12-7-1946, sau khi được lãnh đạo Nha Công an Trung ương đồng ý phương án khống chế, bắt Phan Kích Nam, chúng tôi quyết tâm thực hiện bằng được...

Thấy chúng tôi lại tới, bọn lính gác trụ sở tỏ ra chủ quan; một tên đưa tôi vào gặp Phan Kích Nam. Tôi chủ động tháo thắt lưng đeo súng đặt lên bàn. Phan Kích Nam rót nước mời tôi, thái độ hắn tỏ ra tự mãn… Sau khoảng 10 phút, tôi đứng dậy cáo biệt ra về và vờ quên súng. Phan Kích Nam liền cầm khẩu súng của tôi và đi theo nhắc: “Này chú em, quên súng à?”.

Trúng kế rồi, tôi rút khẩu súng Colt giấu trong người, chĩa thẳng vào Nam và quát: “Đứng im, động đậy tao bắn võ sọ” và bằng động tác nhanh gọn ra đòn khiến Nam lảo đảo khụy xuống. Tôi bẻ quặt tay hắn ra đằng sau và ra lệnh cho bọn lính gác còn đang ngỡ ngàng chưa kịp hiểu điều gì xảy ra, phải bỏ súng không được chống cự”...

Sau khi bắt gọn Phan Kích Nam, lực lượng Công an đã khám xét trụ sở Quốc dân đảng tại đây, thu được nhiều tài liệu, dụng cụ làm tiền giả, tra tấn… Đặc biệt, đã phát hiện 6 xác người bị chúng thủ tiêu bí mật, chôn trong khu vườn của biệt thự số 7 Ôn Như Hầu. Trong cuộc truy quét các tổ chức phản động ở Hà Nội, lực lượng Công an đã bắt gần 100 tên, trong đó có những đối tượng nguy hiểm như Phan Kích Nam, Đỗ Đình Đạo, Phan Khôi…

Sau đó, lực lượng Công an đã tổ chức triển lãm tại Hà Nội những âm mưu, tội ác của bọn Quốc dân Đảng. Hàng vạn đồng bào Thủ đô đã tới xem, thấy rõ bộ mặt thật của những kẻ tự phản dân, hại nước.

Trần Duy Hiển
.
.
.