Trung Quốc lấp đầy “lỗ hổng” phương Tây đối với Nga

Chủ Nhật, 14/07/2024, 11:10

Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên mà Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm sau khi nhậm chức. Và đây không chỉ là chuyến thăm đáp lễ. Sau khi tiến hành Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây, việc xoay trục sang phương Đông đóng góp phần lớn cho nước Nga.

Trung Quốc không chỉ cung cấp thị trường cho các nguồn năng lượng của Nga mà còn trở thành nhà cung cấp chính các mặt hàng nhập khẩu khác nhau. Cuối năm 2023, đồng nhân dân tệ thay thế USD trở thành tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Moscow.

“Cái gì không cấm đều được phép”

Bắc Kinh gửi tín hiệu tới các nước phương Tây rằng họ tôn trọng “lằn ranh đỏ” của trừng phạt, nhưng hành động theo nguyên tắc “cái gì không cấm đều được phép”, nhất là khi việc này có lợi cho họ. Những bên hưởng lợi thực sự từ việc Nga xoay trục sang phương Đông là các công ty cấp 2 và cấp 3 của Trung Quốc, đặc biệt là các ngân hàng. Ở cấp độ xuyên biên giới, hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng tiền tệ quốc gia (nhân dân tệ và ruble) đã được tạo ra và thay thế hệ thống Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) và các thể chế tài chính truyền thống khác do phương Tây chi phối.

2.jpg -0
Các nhà sản xuất của Nga như KAMAZ, Ural và GAZ đều chuyển hướng phụ tùng sang Trung Quốc

Hiện tại, khối lượng ngoại thương ngày càng tăng khiến hình thức thanh toán bằng đồng tiền quốc gia có thể được sử dụng không phải cho các giao dịch riêng lẻ mà cho tất cả các giao dịch trong lĩnh vực công nghiệp, bao gồm cả trong thanh toán với các nước thứ 3. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây dưới hình thức hiện tại đang thúc đẩy Bắc Kinh phát triển thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ. Ngay cả khi chiến tranh sẽ kết thúc trong tương lai gần và Nga cải thiện quan hệ với phương Tây, cơ sở hạ tầng tài chính được tạo ra sẽ vẫn tồn tại và mang lại lợi ích cho Trung Quốc.

Khi các nền kinh tế lớn nhất thế giới áp đặt lệnh trừng phạt đối với Điện Kremlin nhằm mục đích cắt đứt nguồn cung cấp hàng hóa công nghệ cũng như linh kiện cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, Bắc Kinh đã tận dụng cơ hội lấp đầy khoảng trống mà phương Tây để lại. Từ chỗ không đáng kể trong thời kỳ không bị trừng phạt, Nga đã trở thành thị trường có tầm quan trọng trung bình đối với Trung Quốc trong bối cảnh bị áp đặt các biện pháp trừng phạt. Nga năm 2021 thậm chí không nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc nhưng đến năm 2023 đã ngay lập tức chiếm vị trí thứ 7.

Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, trong 2 năm chiến sự, thương mại giữa Moscow và Bắc Kinh đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD; khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga năm 2023 đã vượt 111 tỷ USD, tăng 67% so với năm 2021 trước khi chiến tranh nổ ra. Tỷ trọng hàng hóa Trung Quốc trong tổng nhập khẩu của Nga lên tới 38% (trong nửa đầu năm 2023, con số này đạt 43%) và tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tổng xuất khẩu của Nga đạt 31%.

Bắc Kinh đã trở thành bên cung cấp độc quyền một số nhóm sản phẩm và thực tế là có thể tính giá bán cho Nga cao hơn so với giá cung cấp cho các nước khác. Chẳng hạn, nhờ có Nga, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu ôtô lớn nhất thế giới. Năm 2023, xuất khẩu ôtô chở khách của Trung Quốc sang Nga tăng 594%, xe tải và máy kéo tăng gần 700%.

Trung Quốc đang trong thời điểm thuận lợi nhất để giao xe tải trong bối cảnh các nhà sản xuất của Nga (KAMAZ, Ural và GAZ đều đang bị trừng phạt) đang nội địa hóa linh kiện và thực hiện các đơn đặt hàng quốc phòng, và do đó, nhu cầu ngày càng tăng của Nga đã được các nhà sản xuất Trung Quốc đáp ứng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Trung Quốc đã tăng cường cung cấp máy móc, thiết bị thành phần song chưa thể nói rằng các thương hiệu Trung Quốc xuất hiện tràn lan trên lãnh thổ Nga được. Đồng thời, trong quan hệ đối tác thương mại song phương, Trung Quốc có vai trò quan trọng với Nga hơn là ngược lại. Tỷ trọng của Nga trong kim ngạch thương mại của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 10/2023 chỉ ở mức 3,9%. Hàng hóa Nga chiếm 5,1% nhập khẩu của Trung Quốc, hàng hóa xuất sang thị trường Nga chiếm 3,3% xuất khẩu của Trung Quốc.

Đồng nhân dân tệ thay thế USD

Moscow từng cố gắng tăng tỷ trọng đồng tiền quốc gia trong thanh toán quốc tế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào USD. Thế nhưng quá trình này diễn ra chậm và không mấy thành công. Việc thuyết phục được các doanh nghiệp Nga sử dụng một loại tiền tệ khác thay vì USD là đã đi được nửa chặng đường trong việc đạt được mục tiêu này. Nửa chặng còn lại là thỏa thuận với đối tác nước ngoài về việc thanh toán bằng đồng tiền thay thế.

1.jpg -0
Việc thuyết phục được các doanh nghiệp Nga sử dụng nhân dân tệ thay thế USD là một thành công.

Việc chuyển đổi sang nhân dân tệ trong thanh toán xuyên biên giới đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn và sẽ không thể thực hiện được nếu không có các lệnh trừng phạt của phương Tây dưới hình thức hiện tại. Rổ tiền tệ G7 bao gồm 4 đồng tiền dự trữ chính là USD, euro, bảng Anh và yên Nhật. Moscow thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang sử dụng nhân dân tệ.

Cho đến tháng 12/2023, nhân dân tệ vẫn liên tục được sử dụng trong hơn 1/3 giao dịch thanh toán ngoại thương của Nga. Lượng nhân dân tệ được giữ trong các ngân hàng Nga dưới dạng tiền gửi của các công ty và cá nhân vào năm 2023 trị giá 68,7 tỷ USD. Trong khi đó, lượng USD được giữ trong các tài khoản ngân hàng Nga trị giá 64,7 tỷ USD. Cho vay bằng nhân dân tệ đối với các công ty đã tăng 3,6 lần, lên 46,1 tỷ USD (chủ yếu do chuyển đổi nợ từ USD và euro). Tỷ trọng của nhân dân tệ trong doanh thu trên Sàn giao dịch Moscow vào năm 2023 đạt 42% và vượt qua tỷ trọng của USD trước đó.

Thanh toán và cơ sở hạ tầng

Việc thanh toán bù trừ quốc tế do các ngân hàng Trung Quốc và Nga thực hiện, các giao dịch sử dụng cơ sở hạ tầng địa phương. Sau lệnh trừng phạt đầu tiên từ phương Tây vào năm 2014, Nga đã tạo ra Hệ thống chuyển tin nhắn tài chính (SPFS) tương tự SWIFT để thay thế cho hệ thống thanh toán của phương Tây trên thị trường nội địa. Đây là một phần của hệ thống thanh toán quốc gia được sử dụng đối với tất cả các giao dịch trong nước, bao gồm cả các giao dịch của ngân hàng nước ngoài.

5.jpg -0
Lượng hàng hóa xuất - nhập giữa Trung Quốc - Nga tăng kỷ lục.

Tất cả các khoản thanh toán trong nước bằng thẻ của các hệ thống thanh toán quốc tế đều được xử lý thông qua SPFS. Thanh toán thông qua SPFS đã làm giảm đáng kể tác động của các biện pháp trừng phạt đối với công dân Nga. Dù Visa và Mastercard đã rút khỏi Nga, song vẫn có thể thanh toán bằng những thẻ này ở Nga. Ngoài ra, từ năm 2023, việc sử dụng SWIFT ở Nga bị cấm về mặt pháp lý.

Thanh toán xuyên biên giới cũng có thể được thực hiện thông qua SPFS. Cuối năm 2023, 557 ngân hàng và công ty đã được kết nối với hệ thống thanh toán này, trong đó có 159 ngân hàng và công ty từ 20 quốc gia. Về cơ bản, đây đều là những quốc gia thân thiện với Nga như Kazakhstan, Belarus, Kyrgyzstan, Tajikistan và Cuba, nhưng cũng có những “công ty con” của Nga ở Đức và Thụy Sĩ. Các cuộc đàm phán đang tích cực được tiến hành để kết nối các ngân hàng Trung Quốc.

Đến lượt mình, các ngân hàng Nga cũng kết nối với Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc. Hiện tại, họ là những bên tham gia gián tiếp, nghĩa là họ có quyền truy cập vào CIPS thông qua các ngân hàng đại lý Trung Quốc. Năm 2023, 23 ngân hàng Nga đã được kết nối với CIPS. Trong số những bên mới tham gia có các ngân hàng ở các cấp độ khác nhau - cả những ngân hàng quan trọng trong hệ thống ngân hàng và những ngân hàng nhỏ hơn. Một số ngân hàng này đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và EU cũng như bị mất kết nối với SWIFT. Về lý thuyết, những ngân hàng tham gia CIPS một cách gián tiếp vẫn phải sử dụng SWIFT, điều đó có nghĩa là hệ thống của Trung Quốc không phải là lựa chọn đối với các ngân hàng bị trừng phạt của Nga. Các ngân hàng Trung Quốc hoạt động ở Nga phải sử dụng SPFS và tổng số thể chế tài chính trong hệ thống này ngày càng tăng nên có thể có nhiều lựa chọn khác nhau. Đáng chú ý, lượng giao dịch thông qua CIPS trung bình hàng ngày đã tăng gấp rưỡi vào năm 2022 và tăng thêm 25% trong 3 quý đầu năm 2023.

Ngoài ra, các khoản thanh toán từ nước thứ 3 cho đối tác Nga được xử lý thông qua CIPS. Tháng 4/2023, Bangladesh đã thanh toán bằng nhân dân tệ trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Trước đây, kiểu thanh toán như vậy là rất hiếm. Các lệnh trừng phạt chống lại Nga, đặc biệt là kết hợp với việc Trung Quốc mở cửa cho hoán đổi tiền tệ với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, đã trở thành một món quà thực sự cho Trung Quốc, tạo cơ hội củng cố đáng kể vị thế quốc tế của đồng nhân dân tệ.

Cách mạng kỹ thuật số

Trung Quốc đã tiến xa hơn các nước khác trong việc tạo ra loại tiền kỹ thuật số của riêng họ. Các cuộc thử nghiệm thí điểm đã diễn ra trong 2 năm và trong thời gian này, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã được sử dụng thí điểm trong hơn 1 triệu trường hợp: từ thanh toán các tiện ích, thuế và giao thông công cộng đến giao dịch mua bán khác nhau, cũng như để rút tiền mặt bằng các máy ATM.

Tính đến cuối tháng 6/2023, khối lượng giao dịch sử dụng nhân dân tệ kỹ thuật số đã tăng gần 20 lần lên 1.800 tỷ nhân dân tệ (gần 250 tỷ USD) và lượng tiền điện tử được phát hành là 16,5 tỷ nhân dân tệ. Con số này chỉ bằng 0,16% tiền mặt đang lưu hành nhưng kể từ cuối năm 2022, tỷ trọng này đã tăng 20%.

Song song với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số bán lẻ, Trung Quốc đang phát triển loại tiền kỹ thuật số bán buôn dành cho các trung gian tài chính sử dụng trong các giao dịch xuyên biên giới, điển hình là các ngân hàng. Mặc dù phương Tây luôn coi đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là mối đe dọa và là cách để lách các lệnh trừng phạt, ngược lại, Nga lại không hề che giấu sự quan tâm đối với những đổi mới kỹ thuật số của Trung Quốc. Hơn nữa, Nga coi việc tạo ra nền tảng thanh toán bằng tiền kỹ thuật số là một trong những chủ đề chính của nhiệm kỳ chủ tịch BRICS năm 2024. Cổng công nghệ thanh toán bằng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) giữa các quốc gia đã đi vào hoạt động. Tháng 2/2024, Bộ trưởng Tài chính các nước BRICS đã ủng hộ đề xuất tạo ra kênh thanh toán độc lập giữa các ngân hàng ở những khu vực pháp lý khác nhau.

Trong số các quốc gia BRICS, Trung Quốc đang dần dẫn đầu trong việc phát hành CBDC, giúp nước này đặt ra tiêu chuẩn cho loại hình tiền mới này. Ấn Độ đang thử nghiệm CBDC trong cả lĩnh vực bán buôn lẫn bán lẻ, nhưng Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã công khai cho biết họ không vội triển khai một cách toàn diện. Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số nhờ sở hữu nền công nghệ tiên tiến. Moscow sẽ mang lại hỗ trợ chính trị cần thiết, nhưng rõ ràng sẽ không phải là bên dẫn đầu trong việc triển khai.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.
.