Tranh cãi việc Pháp cấm nữ sinh Hồi giáo mặc abaya
Chỉ sau một tháng nhậm chức, ngày 27/8/2023, ông Gabriel Attal, Bộ trưởng Giáo dục Pháp đã quyết định cấm tất cả các nữ sinh Hồi giáo đang theo học tại những trường công lập Pháp mặc abaya. Ngay lập tức, lệnh cấm này đã gây ra những phản ứng không chỉ ở Pháp mà còn ở những quốc gia có người Hồi giáo sinh sống…
1. Ngay hôm khai giảng năm học mới 2023, ông Gabriel Attal, Bộ trưởng Giáo dục Pháp trong bài phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia đã nói: “Tôi quyết định rằng tất cả những nữ sinh Hồi giáo không được phép mặc abaya ở các trường công lập…”. Nhưng ông Gabriel Attal cũng giải thích thêm: “Nữ sinh Hồi giáo vẫn sẽ được chào đón và sẽ có những cuộc trò chuyện với họ để giải thích ý nghĩa của quy tắc này”.
Abaya là trang phục truyền thống của đa số phụ nữ theo đạo Hồi trên thế giới. Nó là chiếc áo choàng rộng rãi, dài từ cổ đến chân, thường có màu trắng, đen, xám hoặc xanh lam, xanh xám…, ra đời từ hàng trăm năm nay. Hệ quả của tuyên bố này là bắt đầu từ 28/8, bất kỳ nữ sinh nào đến trường với chiếc abaya sẽ phải đối mặt với lệnh cấm vào lớp, cũng như không thể hòa nhập với bạn bè và đó là chưa kể đến những tác động về phương diện tâm lý. Thế vẫn chưa hết, ông Olivier Véran, người phát ngôn của Chính phủ Pháp cho biết “abaya rõ ràng là trang phục tôn giáo và là một cuộc tấn công chính trị, một dấu hiệu chính trị. Việc mặc abaya là một hành động tuyển mộ hoặc cố gắng chuyển sang đạo Hồi trong lúc trường học là một không gian thế tục, nơi không một ai có thể xác định tôn giáo của người khác bằng cách chỉ nhìn vào sự ăn mặc của họ”.
Lệnh cấm abaya bắt nguồn từ mối quan hệ thuộc địa giữa nhà nước Pháp và công dân Pháp nhập cư, tồn tại từ hàng chục năm nay.Lịch sử của nó được đánh dấu bằng 3 sự kiện quan trọng: Năm 1989, hiệu trưởng một trường học đã đuổi 3 nữ sinh vì đội khăn trùm đầu trong lớp. Năm 1994, một bản ghi nhớ của chính phủ đã tạo ra sự phân biệt giữa cái gọi là biểu tượng tôn giáo “kín đáo”, được cho là có thể chấp nhận và các biểu tượng tôn giáo “phô trương”, vốn không được chấp nhận trong trường học.Đến năm 2004, luật mới cấm đeo mạng che mặt hoặc bất kỳ biểu tượng tôn giáo “dễ nhận thấy” trong các trường công lập, bao gồm khăn trùm đầu của người Hồi giáo, mũ kippas của người Do Thái, khăn xếp của người Sikh và thánh giá của người Thiên Chúa giáo.
Cũng về mặt lịch sử, nguyên tắc của chủ nghĩa thế tục (laicité) ở Pháp là “bảo vệ quyền tự do lương tâm”. Nó đòi hỏi nhà nước phải giữ thái độ trung lập tuyệt đối nhưng theo thời gian và ảnh hưởng của các đảng phái chính trị, chủ nghĩa thế tục đã được dùng để phục vụ cho một diễn ngôn nhằm “bảo vệ nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ”. Nói cách khác, diễn ngôn coi Hồi giáo là tôn giáo gia trưởng và là mối đe dọa đối với nền dân chủ Pháp. Vì vậy nước Pháp tự cho mình có trách nhiệm giúp phụ nữ Hồi giáo thoát khỏi những giáo điều ràng buộc với đàn ông Hồi giáo và rộng hơn là thoát khỏi nền văn hóa Hồi giáo nên giờ đây, sau lệnh cấm của ông Attal, các nữ sinh Hồi giáo sẽ bị từ chối quyền học tập, quyền tự do đi lại trong các cơ sở giáo dục hoặc giao tiếp với giáo viên, với bạn bè cùng lớp nếu họ mặc abaya.
2. Về phía công chúng và các đảng phái ở Pháp cũng như nhiều nơi trên thế giới, lệnh cấm abaya đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ và những người phản đối. Với nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen, người đã ra tranh cử tổng thống Pháp hồi năm ngoái nhưng thất bại, đã đề xuất “cấm tất cả những chiếc khăn trùm đầu của người Hồi giáo ở những nơi công cộng”. Ông Eric Ciotti, đứng đầu đảng bảo thủ Les Republicains nhanh chóng hoan nghênh động thái này, điều mà ông cho rằng “đã quá hạn” từ lâu. Ông Didier Georges, thư ký của Les Republicains nói với Hãng tin Reuters rằng Liên minh Hiệu trưởng các trường học (SNPDEN-UNSA) ủng hộ lệnh cấm và cần có sự rõ ràng từ chính phủ. Ông Georges nói: “Điều chúng tôi muốn từ các bộ trưởng là cấm hay không, và chúng tôi hài lòng vì đã có quyết định".
Ngược lại với những quan điểm trên, bà Clémentine Autain, nghị sĩ của đảng cánh tả La France Insoumise đã chỉ trích cái mà bà gọi là “cảnh sát mặc quần áo”, và lệnh cấm là “đặc điểm của sự ám ảnh đối với người Hồi giáo”. Ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo của La France Insoumise cho biết, việc các nữ sinh Hồi giáo quay trở lại trường học vào tháng 9 đang bị “phân cực về mặt chính trị bởi một hình thức chiến tranh tôn giáo vô lý mới” trong lúc Abdallah Zekri, Phó chủ tịch Hội đồng đức tin Hồi giáo Pháp cho biết abaya “không phải là trang phục tôn giáo mà là một loại thời trang”. Bà Sophie Venetitay, thành viên của Hiệp hội giáo viên Pháp nói: “Điều quan trọng là cần tập trung đối thoại với học sinh và gia đình họ để bảo đảm rằng lệnh cấm sẽ không khiến trẻ em rời khỏi các trường công lập để đến học tại các trường tôn giáo vì abaya không tạo ra ảnh hưởng đến mức phải biến nó thành luật!”.
Với một số học giả, động thái cấm abaya có thể sẽ phản tác dụng vì nó liên quan đến “sở thích, thói quen, thời trang hoặc bản sắc dân tộc hơn là tôn giáo” bởi lẽ năm 2010, sau lệnh cấm phụ nữ Hồi giáo mang khăn chàng mạng che mặt tại những nơi công cộng được Chính phủ Pháp thông qua, cộng đồng Hồi giáo với hơn 5 triệu người ở Pháp tức giận, dẫn đến việc thúc đẩy thành lập các trường Hồi giáo tư nhân. Nhà xã hội học Agnes De Feo, người đã nghiên cứu về việc phụ nữ theo đạo Hồi ở Pháp mang niqab (khăn trùm mặt nhưng không che mắt) trong thập kỷ qua cho biết: “Nó sẽ làm tổn thương người Hồi giáo nói chung và học sinh nói riêng vì một lần nữa, họ lại cảm nhận được sự kỳ thị trong khi abaya là biểu hiện của tuổi teen và không hề có hậu quả”.
Chưa đầy một năm trước đó, người tiền nhiệm của Bộ trưởng Giáo dục Attal là ông Pap Ndiaye đã phản đối việc cấm abaya. Phát biểu trước Thượng nghị viện Pháp, ông Pap Ndiaye nói: “Abaya không dễ xác định về mặt pháp lý. Lệnh cấm sẽ đưa chúng ta đến tòa án hành chính và chúng ta sẽ thua”. Ông Daoud Riffi, người giảng dạy các vấn đề về đạo Hồi tại Viện Nghiên cứu chính trị Lille đồng ý với lập luận này.Ông nói với Hãng tin Reuters: “Về bản chất, không có cái gọi là trang phục Hồi giáo. Chúng ta cần thay đổi quan niệm đó. Việc phân biệt giữa thời trang và tôn giáo có thể dẫn đến việc học sinh bị lập hồ sơ theo dõi dựa trên quần áo của họ”.
Với cô nữ sinh Djennat, cô không hiểu tại sao abaya lại bị cấm vì đó chỉ là một chiếc áo bình thường, không có ý nghĩa tôn giáo nào gắn liền với nó. Cô nói: “Một số vùng ở châu Phi, thổ dân cả nam lẫn nữ đều có thói quen cởi trần và tập quán này đã kéo dài hàng nghìn năm nay. Nhiều trẻ em khi đến lớp vẫn ở trần nhưng chính phủ của họ không cấm. Các giáo viên chỉ khuyến khích các em nên mặc áo cho phù hợp với cuộc sống văn minh thì tại sao nước Pháp lại cấm abaya? Nó là điều vô lý!”.
3. Lệnh cấm abaya được đưa ra vào thời điểm dư âm của sự hỗn loạn vẫn chưa kết thúc. Kể từ khi tái đắc cử vào tháng 4/2022, Tổng thống Emmanuel Macron đã phải đối mặt với những cuộc biểu tình trên toàn quốc về quyết định tăng tuổi nghỉ hưu, ban hành hồi đầu năm nay cũng như các cuộc đảo chính quân sự vừa xảy ra tại các thuộc địa cũ của Pháp như Gabon và Niger, đe dọa cắt đứt việc tiếp cận nguồn dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác. Hiện tượng chống chính phủ càng thể hiện rõ sau vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên Paris 17 tuổi gốc Maroc hồi cuối tháng 7.Các cuộc biểu tình phản đối vụ giết người đã dẫn đến thiệt hại 1 tỷ USD, hơn 2.000 vụ bắt giữ, chủ yếu ở các vùng tập trung tín đồ Hồi giáo.
Áp lực chính trị cũng có thể là một yếu tố quyết định thời điểm cấm các biểu tượng Hồi giáo trong trường công lập. Hồi cuối tháng 8, ông Macron đã gặp các nhà lãnh đạo của đảng Tập hợp quốc gia cánh hữu và Liên minh nhân dân xã hội, kinh tế mới, nhằm cố gắng phá vỡ những bế tắc trong Quốc hội, đang cản trở chương trình lập pháp của ông. Lệnh cấm abaya có thể là một nỗ lực của ông Macron nhằm báo hiệu khả năng thay đổi và nhượng bộ với phái chính trị cánh hữu.
Nhìn sang những quốc gia láng giềng, không giống như Pháp, nước Đức không tuân theo chủ nghĩa thế tục và trong hiến pháp cũng không có điều khoản nào nói đến việc này. Luật cơ bản quy định rằng nhà nước Đức phải trung lập và khoan dung đối với mọi thế giới quan cũng như tôn giáo nhưng trên thực tế, những cuộc tranh luận sôi nổi trong nhiều thập kỷ đã nổ ra ở Đức về việc có nên cho phép giáo viên đội khăn trùm đầu hay không. Nó xuất hiện sau vụ kiện năm 1998 của giáo viên Fereshta Ludin, người Đức gốc Afghanistan, bị từ chối giảng dạy chỉ vì chiếc khăn trùm đầu của cô.
Và mặc dù vụ kiện của cô giáo Ludin không thành công nhưng nó đã làm thay đổi nước Đức. Tất cả các bang ở Đức đã cho phép nữ giáo viên Hồi giáo được đội khăn trùm đầu, trong đó Berlin là bang cuối cùng dỡ bỏ lệnh cấm hồi mùa hè năm nay. Ở Bắc Rhine-Westphalia, các lớp tôn giáo Hồi giáo được dạy ở trường và sinh viên có thể học thần học Hồi giáo ở bậc đại học, trong lúc Bộ Quốc phòng Đức vẫn đang chật vật với vấn đề giáo sĩ Hồi giáo trong quân đội.
Ở Bỉ, nơi có khoảng 5% dân số theo đạo Hồi thì những cuộc tranh luận về các biểu tượng tôn giáo đã diễn ra từ năm 2011, khi tấm choàng mạng che kín mặt, chỉ hở ra đôi mắt bị cấm ở nơi công cộng khiến Bỉ trở thành quốc gia châu Âu thứ hai sau Pháp áp đặt những hạn chế này. Những người không tuân thủ lệnh cấm có thể sẽ phải ngồi tù. Tuy nhiên, năm 2018, một nhóm phụ nữ Hồi giáo ở Bỉ đã tiến hành một vụ kiện, và đã thành công khiến chính phủ Bỉ phải bãi bỏ lệnh cấm sau phán quyết của tòa án. Một số quốc gia châu Âu khác như Hà Lan, Luxembourg, Na Uy, Áo và Đan Mạch cũng cấm mạng che mặt trong các cơ sở giáo dục.Vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt tiền nhưng trên thực tế, lệnh cấm chỉ mang tính biểu tượng bởi lẽ tỷ lệ phụ nữ mang choàng mạng rất nhỏ nên nó hầu như không được áp dụng.
Với những quốc gia mà người Hồi giáo chiếm đa số, hầu hết tín đồ đều phản ứng trước lệnh cấm abaya của Chính phủ Pháp. Thậm chí có nơi còn lên tiếng kêu gọi “nếu Pháp cấm abaya thì tại sao chúng ta lại không cấm phụ nữ Pháp đang sinh sống ở nước ta mặc váy ngắn, áo hở ngực. 513 trường công lập ở Paris với hàng chục nghìn nữ sinh Pháp theo đạo Hồi sẽ ra sao khi đã có 67 nữ sinh bị đuổi về vì mặc abaya?”.
Trong một diễn biến có liên quan, nhóm Nhân quyền Hồi giáo Pháp đã gửi đơn kháng cáo lệnh cấm abaya lên tòa án, dẫn đến cuộc tranh luận đầu tiên kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ ngày 5/9 tại Conseil d'Etat, tòa án hành chính cao nhất của Pháp ở Paris. Đơn kháng cáo được đệ trình bởi luật sư William Bourdon và Vincent Brengarth, thay mặt cho tổ chức Quyền hành động của người Hồi giáo (ADM), yêu cầu đình chỉ lệnh cấm của Bộ Giáo dục.
Về phía Bộ Giáo dục, có 5 đại diện tham gia tố tụng nhưng chỉ mình ông Guillaume Odinet, giám đốc phụ trách pháp lý phát biểu: “Abaya khiến người mặc nó ngay lập tức được nhận ra là người theo đạo Hồi”.
Kết thúc cuộc tranh luận kéo dài 2 ngày, hội đồng thẩm phán tuyên bố giữ nguyên lệnh cấm vì: “Quyết định này dựa trên luật pháp của nước Pháp, không cho phép bất kỳ ai mặc những trang phục có dấu hiệu rõ ràng về liên kết tôn giáo trong trường học…”.