Tiếp tục giữ vững an ninh, trật tự để phát triển

Thứ Năm, 02/01/2025, 10:02

Hằng năm, cứ vào dịp giao thời năm cũ và năm mới, trong khi người dân và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tất bật với việc đón chào xuân mới, thì tội phạm nhân cơ hội này cũng ráo riết hoạt động. 

Trộm cướp, lừa đảo, kinh doanh hàng cấm... bùng lên, gây khó khăn cho công tác an ninh, trật tự.
Ở  phía Nam, với một đô thị đông về dân số và đa dạng về thành phần dân cư như TP Hồ Chí Minh, việc đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau mỗi dịp Tết Nguyên đán luôn là công việc đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, ngay từ trung tuần tháng 12/2024, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức cao điểm ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Theo Trung tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, cao điểm này triển khai từ ngày 15/12/2024 đến ngày 14/2/2025 và triển khai tổng thể, đồng bộ các biện pháp, chủ động nhận diện, dự báo chính xác tình hình, đối tượng và những vấn đề liên quan an ninh, trật tự trên từng địa bàn, lĩnh vực, chuyên đề. Trên cơ sở đó chủ động, quyết liệt, vận dụng linh hoạt các biện pháp, đối sách phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. 

Tiếp tục giữ vững an ninh, trật tự để phát triển -0
Công an TP Hà Nội ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Không chỉ trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là 5 loại tội phạm đã được nhận diện còn tiềm ẩn nguy cơ, diễn biến phức tạp (gồm tội phạm và tệ nạn ma túy; tội phạm tín dụng đen; tội phạm đường phố; tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự xã hội; tội phạm có tổ chức, có yếu tố nước ngoài), lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh còn quán triệt các lực lượng trực thuộc phải đẩy mạnh việc kịp thời phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn xã hội, gắn với thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với số người thất nghiệp, mất việc làm, đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. 

Như vậy là, không chỉ trực diện đấu tranh, xử lý, mà Công an TP Hồ Chí Minh còn đề cao công tác phòng ngừa, phát hiện từ sớm, từ xa để từ đó giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân với phương châm "từ mâu thuẫn lớn thành mâu thuẫn nhỏ, mâu thuẫn nhỏ thành không còn mâu thuẫn", để không phát sinh hậu quả pháp lý. Trên cơ sở đó chủ động vận dụng linh hoạt các biện pháp, đối sách phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Cùng một tinh thần như vậy, ở phía Bắc, Công an TP Hà Nội đã tổ chức lễ ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 15/11 đến 15/12/2024, giai đoạn 2 từ ngày 15/12/2024 đến 14/2/2025. Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải tập trung lực lượng, phương tiện, xây dựng các biện pháp, giải pháp đấu tranh, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho giai đoạn tấn công.

Đặc biệt, lần ra quân này, Công an TP Hà Nội đã triển khai mô hình lực lượng 141 trong tình hình mới. Theo đó, từ 15 tổ công tác 141 cấp Công an thành phố như trước đây, lực lượng 141 sẽ có 54 tổ công tác (mỗi tổ gồm 10 cán bộ, chiến sĩ) bảo đảm quán xuyến, khép kín địa bàn, tạo nên mạng lưới kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn trọng điểm để nhanh chóng trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự và củng cố niềm tin của nhân dân. Cơ quan thường trực của các tổ 141 sẽ giao Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội là đầu mối. Phương thức tuần tra, kiểm soát là tuần tra lưu động, cắm chốt và tuần tra lưu động kết hợp cắm chốt.

Mô hình lực lượng 141 mới này được thành lập là nhằm tạo sức răn đe, trấn áp tội phạm đường phố, nhất là phòng, chống nhóm đối tượng thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển phương tiện giao thông tốc độ cao, đua xe, lạng lách, đánh võng, có biểu hiện mang theo hung khí; các đối tượng tham gia giao thông có biểu hiện ngổ ngáo, càn quấy, sử dụng phương tiện không có biển kiểm soát, có biểu hiện thách thức, chống đối lực lượng Công an làm nhiệm vụ... Và, như Trung tướng Nguyễn Hải Trung lưu ý, quá trình triển khai lực lượng 141 phải thực hiện đúng phương châm “phát hiện từ sớm, xử lý từ xa, giải quyết triệt để, theo đến cùng”, đúng pháp luật và bảo đảm an toàn lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân.

Tiếp tục giữ vững an ninh, trật tự để phát triển -0
Công an tỉnh Quảng Trị ra quân trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Ở miền Trung, cao điểm của Công an TP Đà Nẵng sẽ bắt đầu từ ngày 15/12/2024 kéo dài đến ngày 28/2/2025 với quyết tâm hoàn thành 17 nhiệm vụ trọng tâm, 52 chỉ tiêu công tác, nhất là các chỉ tiêu kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội ít nhất 5% so cùng kỳ năm 2024.

Các chỉ tiêu cụ thể mà Công an TP Đà Nẵng đề ra là 100% đối tượng hình sự, ma túy, tái hòa nhập cộng đồng, thi hành án hình sự tại cộng đồng, đối tượng loạn thần, “ngáo đá”, số thanh, thiếu niên có dấu hiệu tàng trữ hung khí tụ tập đánh nhau, điều khiển xe “độ, chế” gây rối trật tự công cộng... được kiểm danh, kiểm diện, giáo dục, răn đe, quản lý, theo dõi, đấu tranh, xử lý theo quy định; phấn đấu không để xảy ra tình trạng người dân sử dụng pháo trái phép, không để xảy ra các vụ tai nạn, gây mất an ninh, trật tự về pháo nổ; tai nạn giao thông giảm 3 tiêu chí so với thời gian liền kề; giải quyết triệt để tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên đua xe, sử dụng hung khí để đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, càn quấy trên đường phố.

Công an TP Đà Nẵng còn chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai phòng ngừa xã hội, quản lý nhà nước để hạn chế tối đa các nguyên nhân, điều kiện để các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật, nhất là các lĩnh vực, loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm.
Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Đà Nẵng, mà lực lượng Công an ở tất cả các địa phương trong cả nước đến thời điểm này đều đã triển khai kế hoạch ra quân trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ấy Tỵ 2025. Tuy nhiên, với các đô thị trọng điểm, do tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên các kế hoạch được triển khai đều phải quy mô hơn, kỹ lưỡng hơn mới đảm bảo mục tiêu không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Để tiếp tục đảm bảo an ninh, trật tự ở các đô thị, ngày 17/6/2024 Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 287 về xây dựng Đề án của Chính phủ “Nghiên cứu mô hình bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quản lý đô thị” và phối hợp các Bộ, ngành liên quan thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án của Chính phủ. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc xây dựng Đề án này đã được công bố ngày 17/12/2024. Theo đó, Trưởng Ban này là Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Phó trưởng Ban là Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an.

Việc xây dựng Đề án của Chính phủ “Nghiên cứu mô hình bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quản lý đô thị” là thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đến thời điểm này, dự thảo đề cương chi tiết Đề án “Nghiên cứu mô hình bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quản lý đô thị” đã được Bộ Công an xây dựng. Dự thảo cho thấy quá trình đô thị hóa hiện nay và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng kéo theo hàng loạt vấn đề tiềm ẩn về an ninh, trật tự đô thị.

Các vấn đề tiềm ẩn về an ninh, trật tự đô thị được đề cập cụ thể, như: vấn đề khiếu nại, tố cáo trong quá trình thu hồi đất phục vụ xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong toàn quốc; các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong các khu đô thị, chung cư; khó khăn trong công tác quản lý cư trú; tình hình tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy, ô nhiễm môi trường, phòng cháy và chữa cháy, trật tự, an toàn giao thông... diễn biến phức tạp. 

Đây là những vấn đề được nhận định là tác động trực tiếp đến sự ổn định chính trị, môi trường sống an toàn, văn minh của người dân. Trong bối cảnh như vậy, mặc dù lực lượng Công an cả nước đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp; tổ chức lực lượng, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự tại địa bàn đô thị; hạn chế, loại trừ các yếu tố tác động tiêu cực đến an ninh đô thị, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được nghiên cứu, giải quyết, hoàn thiện cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. 

Tiếp tục giữ vững an ninh, trật tự để phát triển -0
Ngay sau lễ ra quân, Công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông tổ chức diễu hành, biểu dương lực lượng; tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường thuộc trung tâm thị trấn Đắk Mil kêu gọi Nhân dân tham gia hưởng ứng đợt cao điểm.

“Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống” là nhận thức quan trọng để đảm bảo công tác an ninh, trật tự phải được “phòng ngừa từ sớm, từ xa”, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. An ninh, trật tự luôn là yếu tố hàng đầu để đảm bảo cho mọi mục tiêu về phát triển. 

Chính vì vậy, tại Hội nghị đánh giá kết quả, kiểm điểm lại việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024; đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, do Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức sáng 17/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đã đặt vấn đề: “Công an phải làm gì trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. 

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh lực lượng Công an cần thấm nhuần và thực hiện cho bằng được lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công an phải có kế hoạch. Công an không thể đi sau công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải. Tốt nhất là Công an đi bước trước”.

Đến năm 2025, cả nước có khoảng 950 - 1.000 đô thị

Khẳng định công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng sau 35 năm đổi mới, tuy nhiên, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị nhận định quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới; chất lượng đô thị hóa chưa cao...
Từ đó, Bộ Chính trị chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Một số mục tiêu cụ thể được Nghị quyết đề ra gồm: Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị; Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030; Đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á... 

Lương Duy Cường
.
.
.