Thượng đỉnh Nga - châu Phi: Hơn cả “ngoại giao ngũ cốc”
Ngày 27/7, Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai đã khai mạc tại thành phố St. Petersburg với những nội dung thảo luận chính như cung cấp ngũ cốc, hỗ trợ an ninh, củng cố chủ quyền và tăng cường hợp tác thương mại.
Trong bối cảnh Nga bị cô lập nặng nề và bị áp lực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, một số nhà quan sát cho rằng hội nghị là cơ hội để tổng thống Vladimir Putin thể hiện vai trò và uy tín của một nước Nga có trách nhiệm tại châu lục, không như những gì phương Tây rao giảng.
Hơn cả “ngoại giao ngũ cốc”
Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, mối quan tâm đến châu Phi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Nga. Các nhà phân tích cho rằng Moscow đã thúc đẩy "ngoại giao ngũ cốc" với tuyên bố đầy thiện chí "sẵn sàng cung cấp ngũ cốc miễn phí cho các quốc gia nghèo ở châu Phi", nhằm củng cố uy tín của mình ở lục địa Đen.
Ngoài ra, hội nghị là cơ hội để cho thấy rằng Nga không phải là “kẻ bị thất sủng” mà phương Tây mong muốn, mà vẫn nhận được sự ủng hộ của các nguyên thủ quốc gia châu Phi. Đây có thể là diễn đàn để Nga bày tỏ rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang hạn chế xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga (và Ukraine) sang châu Phi, chứ không phải việc Nga rời khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen gây ra sự gián đoạn nguồn cung ngũ cốc toàn cầu. Hội nghị là nơi có thể lắng nghe những chia sẻ của Moscow về cuộc chiến tại Ukraine và những vấn đề khác liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Putin khẳng định, Nga quan tâm đến việc tăng cường quan hệ nhiều mặt với tất cả các hiệp hội và cấu trúc hội nhập kinh tế khu vực đang hoạt động tại châu Phi. Nga ủng hộ việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và khu vực thương mại tự do châu Phi được hình thành trong khuôn khổ của Liên minh châu Phi. Moscow sẵn sàng hợp tác với châu Phi để phát triển tài chính và sử dụng các loại tiền tệ trong khu vực để thanh toán thương mại.
Ông Putin nhấn mạnh: "Để tiếp tục mở rộng toàn bộ phạm vi quan hệ thương mại và kinh tế, điều quan trọng là phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn các giao dịch thương mại sang các loại tiền tệ quốc gia, bao gồm cả đồng ruble. Về vấn đề này, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các quốc gia châu Phi để phát triển cơ sở hạ tầng tài chính của họ, kết nối các tổ chức ngân hàng với hệ thống truyền thông tin tài chính được tạo ra ở Nga, cho phép thanh toán xuyên biên giới bất chấp một số hệ thống hạn chế hiện có của phương Tây. Điều này sẽ giúp tăng tính ổn định, khả năng dự đoán và bảo mật của các trao đổi thương mại giữa hai bên".
Hội nghị diễn ra chỉ 10 ngày sau khi Nga quyết định không gia hạn Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, vốn rất quan trọng với an ninh lương thực của nhiều quốc gia châu Phi. Nhà lãnh đạo Nga đã cam kết cung cấp miễn phí ngũ cốc và phân bón cho châu Phi để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực. Trong nửa đầu năm nay, Nga đã vận chuyển gần 10 triệu tấn ngũ cốc tới châu Phi.
Trong những năm gần đây, châu Phi đã vươn lên vị trí hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga. Trước hết là từ góc độ kinh tế, gần 1,5 tỷ người sống ở đây, một con số tương đương với Trung Quốc. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga và châu Phi đạt 18 tỷ USD, mặc dù chỉ số này là rất thấp so với Trung Quốc, EU hay Mỹ, nhưng đây được xem là thị trường rất có tiềm năng với giới doanh nghiệp Nga.
Châu lục này được coi là dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng tiêu dùng, chưa kể đến trữ lượng khoáng sản lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên cũng như nhu cầu phát triển công nghiệp, công nghệ. Bên cạnh đó là những thay đổi địa chính trị, nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi châu Phi đang tìm kiếm đồng minh mới thì Tổng thống Nga Putin nhìn thấy ở châu Phi khả năng "sẽ trở thành một trong những đầu tàu của thế giới đa cực".
Một trong nhiều lựa chọn
Các nước châu Phi cũng nhận thức rõ Nga là một đối tác quan trọng, không chỉ cung cấp lương thực, giúp ổn định chính trị-kinh tế cho châu Phi, mà còn là đối tác có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Các nhà lãnh đạo các nước châu Phi mong muốn đạt một thỏa thuận an ninh với Nga, không bao gồm các nhà thầu quân sự tư nhân. Họ hiểu rõ tác động của an ninh lương thực đối với ổn định chính trị nên rất cần phân bón và ngũ cốc của Nga. Hơn nữa, các nước châu Phi muốn tìm kiếm các biện pháp cụ thể để giảm tác động của cuộc xung đột Ukraine đối với châu Phi - châu lục bị ảnh hưởng lớn nhất từ cuộc chiến ở Ukraine do giá lương thực leo thang. Tình trạng thiếu vốn là thách thức tài chính lớn nhất thúc đẩy châu Phi phải tìm kiếm thêm các nhà đầu tư và Nga cũng là một lựa chọn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ nhất tổ chức tại thành phố Sochi năm 2019, Tổng thống Vladimir Putin cam kết sẽ tăng gấp đôi thương mại của Nga với châu Phi trong 5 năm lên 40 tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế khó khăn khiến hy vọng tìm kiếm cơ hội đầu tư của các nhà lãnh đạo châu Phi chưa được đáp ứng. Thương mại của Nga với lục địa này đã giảm xuống còn 14 tỷ USD với xuất khẩu của Nga sang châu Phi nhiều gấp 7 lần so với nhập khẩu từ châu lục này. Các khoản đầu tư của Nga vào châu Phi cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 1% đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khối lượng thương mại tương đối nhỏ khiến Moscow trở thành đối tác kinh tế kém hấp dẫn hơn đối với các nước châu Phi, nhất là so với Trung Quốc và các nước phương Tây.
Bất chấp những mối quan hệ kinh tế đang suy giảm này, ảnh hưởng của Nga ở châu Phi đã nhanh chóng mở rộng kể từ năm 2019. Như lời ông Vsevolod Sviridov, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu châu Phi, Đại học HSE, nói trên Africa News: "Mục tiêu chính của Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai là xem xét những gì đã được thực hiện trong những năm gần đây. Nền kinh tế và chính trị thế giới đã thay đổi, đầu tiên là đại dịch COVID-19, sau đó là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Khuôn khổ của quan hệ Nga và châu Phi đã thay đổi rất nhiều. Vì vậy, cần phải hàn gắn lại mối quan hệ giữa hai bên để tìm ra những điểm chung để giải thích cho nhau về quan điểm đối với các vấn đề thời sự, chẳng hạn như về thỏa thuận ngũ cốc". Thực vậy, Nga và châu Phi đang nỗ lực phát triển mối quan hệ còn hơn cả “ngoại giao ngũ cốc”.