Thời điểm tái định hình

Thứ Tư, 14/09/2022, 18:13

Ngày 12-9, Ukraine khép lại một tuần phản kích với những thắng lợi gây tiếng vang trên các phương tiện truyền thông cũng như trên các nền tảng mạng xã hội toàn cầu. Nhưng, trước đó 3 ngày, tại cuộc họp các Bộ trưởng Năng lượng thuộc Liên minh châu Âu (EU), kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt có xuất xứ từ Nga xem như đã “chết yểu”.

Càng lúc, cuộc xung đột vũ trang này càng bộc lộ rõ tính chất “sự nối dài của những tính toán chính trị bằng những phương tiện khác”. Hay nói đúng hơn, những diễn biến quân sự thuần túy chỉ là môt phần trong “trò chơi lớn” – nghĩa là một cuộc đọ sức toàn diện, nhằm tái định hình, xây dựng và xác lập một trật tự thế giới mới.

Thời điểm tái định hình -0
Giao tranh ở Kharkiv.

Chiến thắng liệu đã ở trong tầm tay Ukraine?

“Hơn 3.000 km2 đã được thu hồi về với lãnh thổ Ukraine kể từ đầu tháng 9. Tại thành phố Kharkiv, chúng tôi không chỉ tiến công về phía Nam và phía Đông mà còn cả phía Bắc. Lực lượng của chúng tôi có lúc chỉ cách biên giới Nga độ 50 km” - đại tướng Valeriy Zaluzhnyy, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ukraine tuyên bố trên mạng xã hội Twitter chiều 11-9.

Một ngày trước đó, quân đội Ukraine tái chiếm thành công Izium - thị trấn có vị trí chiến lược ở miền Đông Bắc. Đến chiều 12-9, theo các hãng thông tấn lớn phương Tây (Reuters, AP, AFP...), quân đội Ukraine được cho là đã giành lại được gần hết tỉnh Kharkiv.

Trên các nền tảng mạng xã hội, nghĩa là trong cuộc chiến truyền thông, họ cũng chiếm ưu thế rõ rệt, với hàng nghìn tấm ảnh hay đoạn băng cho thấy các lực lượng vũ trang Nga đang buộc phải rút lui. Nhiều chuyên gia quân sự, đơn cử như các tên tuổi thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ đánh giá Ukraine đã gây ra thất bại lớn cho Nga, thậm chí đã khiến quân đội Nga rơi vào cảnh “vỡ mặt trận”.

Thời điểm tái định hình -0
Bộ trưởng ngoại giao Nga S.Lavrov: “Càng trì hoãn, tiến trình đàm phán sẽ càng trở nên khó khăn”.

Phải ghi nhận, từ rất nhiều khía cạnh và với bất cứ lý do nào, đợt phản công thần tốc này của quân đội Ukraine cũng đã thể hiện được sức mạnh, tốc độ sấm sét cũng như những tính toán điều binh khôn khéo. Sau khi được tiếp viện ồ ạt về khí tài quân sự hiện đại từ phương Tây, các tướng lĩnh Ukraine đã thực hiện được một đòn nghi binh ấn tượng, bằng việc làm chophía Nga tin rằng hướng đột phá chính sẽ là hướng Nam, khu vực gần duyên hải Biển Đen, để rồi bất thần tập kích thần tốc ở hướng Đông Bắc - nơi lực lượng Nga đã bị điều chuyển nên mỏng đi rất nhiều. Thậm chí, như thừa nhận từ ông Vitaly Ganchev, lãnh đạo chính quyền do Nga lập nên tại Kharkiv, lực lượng Ukraine áp đảo lực lượng Nga gấp 8 lần trong cuộc phản công tại đây.

Tuy nhiên, ngược lại, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, từ ngày 6 đến 11-9, lực lượng quân sự Ukraine cũng đã phải hứng chịu tổn thất đến hơn 4.000 chiến binh và hơn 8.000 người khác bị thương.

Bên cạnh đó, cho dù sự hỗn loạn của mặt trận chiến tranh tuyên truyền thời đại bùng nổ thông tin này không cho phép chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào bất cứ nguồn tin nào, cũng như luôn phải đặt nghi vấn, đồng thời xác định sẵn rằng mọi phía đều sẽ cố gắng thổi phồng chiến thắng (trong khi giảm thiểu các tổn thất) của phe mình (và hạ thấp những thành tựu của phe địch) để tạo nên những hiệu ứng tâm lý cần thiết, thì hiện trạng chiến trường vẫn có thể được gạn lọc dựa trên các câu hỏi nhằm mục đích loại suy.

Thời điểm tái định hình -0
Một xe tăng Nga bị quân Ukraine thu giữ.

Ở đây, đà tiến quân thần tốc của quân đội Ukraine xác lập một hình thế mới đầy tính chủ động, hoàn toàn khác biệt so với những gì diễn ra kể từ tháng 2. Song, có lẽ vẫn còn là quá lạc quan, nếu đặt vấn đề là việc liên tiếp thu hồi lãnh thổ này tạo nên thứ sức mạnh tinh thần đủ để khiến quân đội Nga tan rã. Theo những gì được phía Ukraine đăng tải, quân đội Nga buộc phải triệt thoái nhưng lại rất hiếm hình ảnh tù binh bị bắt. Điều này, do đó, vẫn là cơ sở để tin vào khả năng tái tổ chức phòng tuyến từ phía quân đội Nga.

Hơn nữa, ở Donetsk và Lugansk, theo nhiều nguồn tin (chưa được kiểm chứng), đối diện với quân đội Ukraine chủ yếu là lực lượng vũ trang và dân quân của hai chính quyền tự xưng đang tiến hành sáp nhập vào Liên bang Nga, chứ không phải là quân chủ lực Nga. Không chỉ vậy, việc chiến thắng quá dễ dàng và tiến quân quá thần tốc cũng đang đặt ra cho quân đội Ukraine những vấn đề về hậu cần, khi đường tiếp vận đã bị kéo dài hơn dự định. Trong khi đó, không quân cũng như hỏa lực pháo binh Nga vẫn còn là những biến số rất đáng gờm tại khu vực này.

Cuối cùng, nếu quân đội Ukraine đã chọc thủng được phòng tuyến Nga ở phía Đông Bắc, thì những bước tiến tiếp theo nhằm thu hồi các vùng lãnh thổ phía Nam của họ sẽ lại càng trở nên khó khăn gấp bội, khi trọng điểm lực lượng quân đội Nga đã tập trung về đó. Thí dụ, nếu tiến công Kherson, phía Ukraine cũng sẽ khó hội tụ đủ được các yếu tố cần thiết, đặc biệt là yếu tố bất ngờ.

Trận chiến trên tầm cao

Thực ra, ngay từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt này bùng nổ ngày 24-2, việc Điện Kremlin chỉ điều động khoảng160.000 - 170.000 quân để thách thứcquân số đông gấp bội (và luôn có khả năng được bổ sung) từ Ukraine đã là một điểm khiến giới quan sát vô cùng hoài nghi. Có thể cho rằng Moscow đã quá tự tin hoặc theo một hướng khác, có lẽ họ có những toan tính sâu kín, tùy theo tình hình chiến sự.

Thời điểm tái định hình -0
Thiết giáp Ukraine tiến vào Izium.

Cho đến hiện tại, quân đội Nga vẫn chưa chính thức bổ sung lực lượng binh sĩ tham chiến ở miền Đông Ukraine, cho dù gần đây Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh tăng cường lực lượng quân đội. “Chủ nhân Điện Kremlin thực sự muốn đạt được điều gì?” vẫn sẽ là một câu hỏi mà để trả lời, chúng ta chỉ có thể phỏng đoán. Song, cách mà tên lửa hành trình Kalibr của Nga đồng loạt khai hỏa trong đêm 11-9 (và nối dài sang ngày 12-9), nhắm vào toàn bộ các cơ sở hạ tầng quan trọng, tạo nên hiện tượng “black[1]out” (mất điện hoàn toàn) trên khắp Ukraine là một lời cảnh báo: Cuộcchiến đã bước qua một giai đoạn khác. Trong giai đoạn này, có lẽ quân đội Nga sẽ sử dụng ít sức người hơn và hiệu quả của những thứ vũ khí tầm xa sẽ được tận dụng triệt để hơn.

Với việc toàn lãnh thổ Ukraine bị đặt dưới tầm ngắm của các giàn tên lửa (cũng như với khả năng Nga có thể chuyển quân thần tốc qua ngả biên giới Belarus để uy hiếp thủ đô Kiyv), thực tế, mỗi bước tiến của quân đội Ukraine đều sẽ phải đối diện rất nhiều cạm bẫy.

Nhưng, hơn thế, hình thái hiện tại lại phù hợp với tuyên bố trước đây của Điện Kremlin, rằng “không có deadline cho chiến dịch quân sự đặc biệt này”.

Nói một cách ngắn gọn, Ukraine đã, đang và có lẽ sẽ còn ở trong tình trạng không thể yên ổn để tái thiết trong một thời gian rất dài, với mức độ tiêu hao tiềm lực khủng khiếp.

Phía sau Ukraine, như lời nhận xét đáng chú ý của Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover (theo hãng tin RT): “Bất kể bên nào trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột đều tuyên bố mình là bên thắng cuộc. Song, dưới áp lực từ bên ngoài, EU đang hành động ngược lại với các lợi ích kinh tế cơ bản nhất của mình và nên bị coi là bên thua cuộc đích thực”. Bởi lẽ, theo ông, Brussels đã thất bại trong việc ngăn chặn xung đột giữa Nga - Ukraine bằng giải pháp chính trị, kết quả là “không thể khôi phục hòa bình bằng ngoại giao”. Sau khi áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga do hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine, EU đã phải vật lộn với giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, viễn cảnh thiếu hụt năng lượng vào mùa đông và lạm phát cao kỷ lục. Cùng với Mỹ, Brussels đang cố tìm cách làm suy yếu nền kinh tế Nga thông qua các lệnh trừng phạt, đồng thời cung cấp vũ khí và viện trợ tài chính cho Kiyv.

Thời điểm tái định hình -0
Tình trạng mất điện ở Kharkiv sau những đợt tên lửa hành trình của Nga.

Đặt những phân tích này cạnh chuyện nước Nga thu về hơn 150 tỷ USD trong 6 tháng qua nhờ xuất khẩu năng lượng - theo Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan, cạnh chuyện EU không thể áp giá trần cho khí đốt Nga mà chỉ có thể đồng ý rút lại doanh thu từ một số nhà sản xuất điện và sẽ sử dụng số tiền này để trợ giá cho các hóa đơn tiêu dùng của người dân, cạnh chuyện Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng đối tác (OPEC+) chỉ chấp nhận tăng sản lượng nhỏ giọt, bất chấp yêu cầu từ phương Tây..., có thể thấy là nếu chiến cuộc kéo dài, nước Nga cũng không có nhiều lý do để quá lo lắng.

Họ có thể đang bị đẩy lui trên thực địa chiến trường nhưng dường như Moscow vẫn là phía chiếm ưu thế rõ rệt ở cuộc chiến vĩ mô, nhằm hủy hoại trật tự thế giới đơn cực mang màu sắc phương Tây do Mỹ lãnh đạo. Nước Mỹ đã không thể ngăn cản được sự hình thành của một “rổ tiền tệ” mới trên thị trường thương mại quốc tế. Trong đó, đồng USD hay đồng euro không còn vai trò quyết định nữa, mà vị thế của những đồng rouble Nga hay đồng NDT (Trung Quốc) đã chính thức được xác lập.

Đến tháng 8, mức lạm phát của châu Âu đã lên tới 9,1%, còn chi phí sinh hoạt và dịch vụ tại Mỹ cũng đã chạm mức 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Các thiết chế tài chính như WB và IMF, hay các hãng phân tích danh tiếng đều đã theo nhau hạ tụt mọi dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 (và cả năm 2023) kể từ mùa hè. Thế nhưng, cả EU lẫn Mỹ vẫn đang cam kết “chi viện” cho Ukraine, với tham vọng đánh quỵ tiềm lực của nước Nga rộng lớn. Nếu trong tương lai mục tiêu ấy có trở thành hiện thực thì chắc chắn đây vẫn sẽ là một cuộc chiến “lưỡng bại câu thương”.

Mây Linh
.
.
.