Siết đăng kiểm, nóng cộng đồng

Thứ Bảy, 31/12/2022, 20:09

Những ngày qua, hiện tượng từng dòng xe cơ giới ùn ứ kéo dài trước cổng nhiều trung tâm đăng kiểm (TTĐK) đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”. Trên các diễn đàn lớn như Otofun, có không ít những lời chỉ trích, phàn nàn, than vãn của chủ phương tiện về sự khó khăn, cứng nhắc hay máy móc trong hoạt động kiểm định. Có thể thấy rõ sự thay đổi thái cực từ chỗ buông lỏng quản lý, giám sát dẫn đến hàng loạt sai phạm, thì nay việc “căng dây, kẻ chỉ” trong công tác đăng kiểm lại tạo nên những phản ứng trái chiều.

Sự khó chịu… dễ hiểu

Chiếc Mazda 5 chỗ của Tuấn cũng đến hạn kiểm định lại, đúng vào lúc việc đăng kiểm xe bị siết chặt nên anh khá lo lắng. Lo, bởi vì chiếc “xế hộp” đã được chủ của nó “độ” - (thay thế, nâng cấp) một số linh kiện như còi, đèn, hoặc đã chạy lại hệ thống dây điện để lắp thêm một vài thiết bị âm thanh nghe cho “đã”...

Trên diễn đàn Otofun, nhiều người cũng bày tỏ nỗi lo ấy, vì trên xe ô tô của họ ít nhiều kiểu gì cũng có sự thay thế, nâng cấp về linh kiện, phụ tùng theo sở thích, nhu cầu cá nhân. Giờ việc đăng kiểm bị siết chặt, xe đã “độ, chế” đều không được cấp phép đăng kiểm để lưu hành, mà việc tìm lại đồ “gin” của xe thì rất mệt, vì mấy ai giữ lại những thứ nguyên bản đã bị thay ra.

Siết đăng kiểm, nóng cộng đồng -0
Hoạt động đăng kiểm xe cơ giới.

Với cánh “xế” xe tải, xe ben, xe đầu kéo... nỗi lo còn gấp bội, vì việc cơi nới thành, thùng, mâm không đúng kích thước từ lâu đã như một lẽ “đương nhiên”. Chưa kể tình trạng lốp mòn, biển số mờ, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải... Như vậy, chắc chắn sẽ không thể qua được “cửa” đăng kiểm.

Khi chúng tôi đến một TTĐK ở quận Long Biên, trước cổng đã xếp một hàng xe khá dài. Sau vài giờ chờ đợi, Tuấn cũng đến lượt đưa xe vào khu vực kiểm tra. Anh đánh xe vào cầu, mở cửa bước xuống với vẻ mặt khá căng thẳng. Khoảng 1 tiếng sau nhân viên đánh xe ra bãi chờ, yêu cầu Tuấn về khắc phục những lỗi được ghi trên biên bản kiểm tra xe. Đó là lỗi lắp đèn LED quá sáng, còi có cường độ âm thanh cao hơn còi nguyên bản, yêu cầu lắp lại linh kiện theo thiết kế ban đầu. Khi nào khắc phục xong thì đem xe quay lại đăng kiểm.

Sự cau có, khó chịu hiện ngay lên nét mặt Tuấn, cũng giống như mấy anh xế có xe bị “đánh trượt”, họ càu nhàu một lát rồi lên xe rời khỏi TTĐK. Cơn bực bội ấy cũng thật dễ hiểu. Đợi cả buổi mới đến lượt, lại bị “out”, mà đã không được cấp phép đăng kiểm khác nào xe bị khóa bánh.

Thấy Tuấn lúi húi điện thoại, tôi tò mò ngó xem, thì ra anh đang trút bực tức lên Otofun. Những lời phàn nàn về sự cứng nhắc, máy móc của đăng kiểm viên (đăng kiểm viên) khi đánh giá về chất lượng xe của anh cứ thế tuôn ra từ những ngón tay bấm phím. Anh cho rằng việc lắp đèn LED tiết kiệm năng lượng, tăng độ sáng hơn so với đèn halogen nguyên bản, việc lắp còi có cường độ âm thanh cao hơn linh kiện theo xe, cũng nhằm giúp lái xe an toàn hơn. “Status” - (bài viết) của anh chỉ trong ít phút đã nhận được vài chục bình luận tán thành, ủng hộ.

Hiện nay trên các diễn đàn mạng xã hội, “nóng” nhất vẫn là câu chuyện ở các TTĐK. Sở dĩ nhiều người quan tâm đến vấn đề này vì chính họ cũng sẽ phải đối diện khi thời gian ghi trên tem đăng kiểm dán ở kính xe đang dần tiến về hạn chót.

Siết đăng kiểm, nóng cộng đồng -0
Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam.

Thủ đoạn “làm tiền”

Còn nhớ mấy lần trước cùng Tuấn mang xe đến một TTĐK ở quận Long Biên, dù xe đã “độ, chế” khá nhiều nhưng anh vẫn ung dung đánh xe vào cầu kiểm tra, không quên để lại trên táp lô xe tờ 200 nghìn với một cái nháy mắt đầy ẩn ý với anh đăng kiểm viên. Sau vài chục phút, chiếc xe được đánh ra bên ngoài với tem đăng kiểm mới toanh, tất nhiên tờ tiền kia cũng không còn nữa. Lần này, dù đã để tờ 500 nghìn láng coóng dưới hốc bên cần số, nhưng khi lấy xe, tờ tiền còn nguyên. Một chi tiết nhỏ đã nói lên một câu chuyện lớn tồn tại lâu nay trong hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Chiến dịch “làm sạch” hoạt động đăng kiểm được bắt đầu từ hoạt động kiểm tra, xử lý các nhóm hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông (vi phạm nồng độ cồn, chở hàng quá tải...) của cơ quan chức năng. Tính đến nay, đã có 12 TTĐK tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre... bị khám xét, với 43 đối tượng bị khởi tố điều tra về các tội danh môi giới, đưa hối lộ; nhận hối lộ và giả mạo trong công tác... Bước đầu, cơ quan chức năng đã chứng minh được sai phạm cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70 nghìn phương tiện thu lợi bất chính hơn chục tỷ đồng. Mở rộng điều tra vụ án, sáng ngày 28/12, cơ quan chức năng đã khám xét Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Theo dõi diễn biến sự việc, Trung tá Lê Đức Thọ (Cục CSGT Bộ Công an) cho biết theo quy định tại mỗi dây chuyền phải có 3 đăng kiểm viên, trong đó có 1 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao. Tuy nhiên, các TTĐK này đã sử dụng người không phải là đăng kiểm viên, chỉ mặc quần áo đăng kiểm đi dạo quanh camera do Cục Đăng kiểm Việt Nam giám sát rồi thực hiện các bước đăng kiểm xe cơ giới. Có TTĐK còn ký giả mạo chữ ký của đăng kiểm viên để cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ.

Đặc biệt, với các xe không đủ điều kiện đăng kiểm khói, khí thải, các đối tượng đã dùng giấy trắng để che một mắt thiết bị, nhằm giúp xe đó đạt tiêu chuẩn. Về kiểm định an toàn kỹ thuật phanh không đạt tiêu chuẩn, KĐV giả mạo sẽ đạp nhiều lần để hợp thức hóa là đã đạt được, in ra giấy kiểm định. Đối với các phương tiện đã cơi nới thành xe, thùng xe, một số TTĐK đã lập giấy, hồ sơ bằng đúng kích thước cơi nới để vẫn cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. Ngoài ra còn có các sai phạm khác như cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...

Trung tá Lê Đức Thọ giải thích đăng kiểm xe cơ giới là việc kiểm tra, đánh giá xem chiếc xe có đảm bảo chất lượng và độ an toàn để lưu thông trên đường hay không. Đây là quy trình bắt buộc chủ xe phải thực hiện để phương tiện có đủ điều kiện lưu thông trên đường. Chủ xe cần phải tiến hành đăng kiểm xe ô tô trong thời hạn quy định. Nếu quá thời hạn mà chưa đi đăng kiểm thì chủ xe sẽ bị xử phạt hành chính và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe theo quy định. Từ ngày 1/1/2020, mức phạt được áp dụng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ[1]CP về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với những sai phạm xảy ra tại các TTĐK, Trung tá Thọ nhận định điều này dẫn đến những sai số trong hoạt động giám sát phương tiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, xâm phạm đến trật tự quản lý công cộng, gây thiệt hại cho tài sản của người dân, tạo ra nguy cơ gây mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông.

Dư luận đồng tình

Sau những động thái mạnh mẽ của cơ quan chức năng, công tác đăng kiểm được siết chặt ở tất cả các công đoạn. Nhiều xe đã qua “độ, chế” nhưng vẫn “qua” ở các kỳ đăng kiểm trước đây, thì nay bị đánh trượt. Thậm chí, nhiều xe bị từ chối kiểm định với những lỗi không liên quan đến tình trạng vận hành như xe bị xước, cửa đóng - mở không nhẹ nhàng hay bị mọt, gỉ... Có trường hợp chủ xe đã phải mang ô tô đến TTĐK 3 lần nhưng vẫn bị từ chối. Cùng với thời gian kiểm tra lâu hơn đã dẫn đến sự tắc nghẽn, ùn ứ, xếp hàng dài của phương tiện cơ giới trước cổng các TTĐK, nhất là tại các tỉnh phía Nam khi mà có nhiều cơ sở đăng kiểm bị tạm đình chỉ hoạt động. Trong bối cảnh Tết đã cận kề, nhu cầu di chuyển, lưu thông hàng hóa tăng cao, việc các phương tiện cơ giới ách tắc tại khâu đăng kiểm, đã trở thành vấn đề lớn trong đời sống dân sinh.

Trước tình hình này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản số 5239/Đăng kiểm Việt Nam-VAR ngày 26/12/2022 chỉ đạo các TTĐK nâng cao vai trò trách nhiệm, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu kiểm định phương tiện của nhân dân, doanh nghiệp.

Một nội dung trong văn bản này được cộng đồng mong chờ nhất, đó là việc đưa ra các hạng mục được đánh giá thuộc khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng, không ảnh hưởng tới an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì vẫn được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm theo đúng quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT.Chẳng hạn, đối với các hạng mục hư hỏng không gây mất an toàn kỹ thuật, ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông (như sơn không đúng màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe; cửa, khóa cửa và tay nắm cửa đóng/mở không nhẹ nhàng, bậc lên xuống mọt/gỉ, thủng...; xe lắp thêm các vật làm hạn chế tầm nhìn của người lái theo hướng phía trước, hai bên (như tấm chắn nắng kính chắn gió phía trước, camera hành trình; xe có đèn chiếu sáng phía trước thay mới đảm bảo cùng hình dạng, kích thước, loại bóng đèn (sợi đốt, halo[1]gen, LED, bixenon) và không làm thay đổi kết cấu hệ thống điện của xe... thì các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới vẫn thực hiện việc cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện.

Được biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới đảm bảo duy trì hoạt động ổn định cung cấp dịch vụ kiểm định và có những biện pháp hữu hiệu để giải quyết tốt nhất nhu cầu đăng kiểm của người dân và doanh nghiệp; phối hợp hoặc thông báo với chính quyền địa phương hoặc các cơ quan có thẩm quyền để phòng ngừa không để xảy ra hiện tượng cá nhân lợi dụng nhu cầu đăng kiểm tăng cao để trục lợi, gây rối trật tự công cộng; tuyệt đối không để không để xảy ra những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu hoặc gây ách tắc, chậm trễ trong việc kiểm định phương tiện cho nhân dân. Bên cạnh đó, trên Cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có khuyến cáo đối với các chủ xe cần chủ động đăng ký lịch kiểm định; chủ động kiểm tra, bảo dưỡng xe trước khi đưa xe đi kiểm định để hạn chế nội dung không đạt, phải kiểm định nhiều lần gây quá tải, ách tắc tại các đơn vị đăng kiểm.

Về giải pháp chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động đăng kiểm, ông Nguyễn Vũ Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, thời gian tới Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiến hành rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo hướng siết chặt lại công tác cấp phép, quản lý hoạt động của các TTĐK. Đặc biệt là siết chặt điều kiện kinh doanh về kiểm định xe cơ giới quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ[1]CP năm 2018.

“Như vậy sẽ quy định chặt chẽ hơn về điều kiện cấp phép cũng như giám sát, kiểm soát hoạt động của các đơn vị đăng kiểm, để sự gia tăng của các đơn vị đăng kiểm trong thời gian tới phải tương xứng với sự gia tăng nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp tại từng địa phương. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng sẽ xem xét, đề nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền tiến hành phân cấp, phân quyền cho các sở giao thông - vận tải thực hiện mạnh mẽ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động các đơn vị đăng kiểm” - ông Hải nói.

Ngày 29/12, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đã quyết định khởi tố vụ án “Nhận hối lộ”, khởi tố bị can đối với 14 người tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 99-03D.

Siết đăng kiểm, nóng cộng đồng -0
Cơ quan chức năng đọc lệnh khám xét Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 99-03D.

Theo thống kê, ước tính số tiền phí “bôi trơn” mà các đăng kiểm viên của trung tâm đã thu được trong năm 2020 là khoảng 1,3 tỷ đồng, năm 2021 khoảng 1,6 tỷ đồng, năm 2022 là khoảng 3,6 tỷ đồng. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng có công văn gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Đào Trung Hiếu
.
.
.