Sau dầu mỏ sẽ là đất hiếm?

Thứ Năm, 14/04/2022, 08:48

Cuộc chiến Nga - Ukraine được cho là dần định hình lại cơ cấu địa chính trị thế giới.Nhìn trên góc độ khác, đó là câu chuyện của dầu mỏ, khí đốt và nguồn cung. Khi căng thẳng Trung - Mỹ tiếp tục gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, câu chuyện về các kim loại quan trọng, bao gồm cả đất hiếm, cũng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Đất hiếm được sử dụng trong các ngành công nghệ chiến lược như công nghiệp quốc phòng, chẩn đoán hình ảnh y tế, các công cụ kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng.

Cho đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn là nước chi phối toàn bộ chuỗi giá trị của ngành công nghiệp đất hiếm, từ khai thác đến tinh chế, từ chế tạo kim loại đến các thành phẩm. Do vậy, đảm bảo an toàn các chuỗi này là một thách thức lớn đối với các nền dân chủ phương Tây và cả các nền kinh tế phát triển, đang phát triển của châu Á.

Trong số đó, Australia đang nổi lên là nhà sản xuất đất hiếm tinh chế lớn nhất bên ngoài Trung Quốc và đang nỗ lực phát triển lĩnh vực này để trở thành nhà cung cấp được các đồng minh thân cận lựa chọn. Năm 2020, một hợp đồng đã được ký kết giữa công ty khai thác đất hiếm Lynas Rare Earths của Australia với Bộ Quốc phòng Mỹ để xây dựng một nhà máy xử lý đất hiếm ở Texas. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Australia, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác mỏ.

Sau dầu mỏ sẽ là đất hiếm? -0
Lynas là tập đoàn duy nhất của Australia có thể xử lý đất hiếm bên ngoài Trung Quốc.

Giá trị chiến lược

Năm 2010, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu đất hiếm tới Nhật Bản do tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khiến đất hiếm trở nên có tính địa chính trị cao. Chúng đã được Trung Quốc biến thành vũ khí nhằm mục đích gây sức ép ngoại giao, dẫn đến những phản ứng của các nước phương Tây và châu Á vốn phụ thuộc vào những chuỗi giá trị của Trung Quốc lúc bấy giờ. Với những nước có nền công nghiệp sản xuất đất hiếm tiệm cận Trung Quốc như Australia, đó là một cơ hội tốt, tuy nhiên mọi việc không hẳn suôn sẻ như vậy.

Kể từ cuối những năm 1980, các công ty Trung Quốc, được khuyến khích bởi các chính sách của chính phủ, đã đầu tư vào việc khai thác và xuất khẩu đất hiếm một cách ồ ạt. Sau đó, ngay từ những năm 1990, họ đã tập trung vào giai đoạn tinh chế và hợp kim hóa các kim loại này, rồi biến chúng thành thành phẩm. Đồng thời, kể từ những năm 2000, chính phủ tăng thuế và hạn chế nhập khẩu, dẫn đến tăng giá mặt hàng này ở thị trường nội địa để khuyến khích sản xuất trong nước, rồi từ đó Trung Quốc dần khẳng định được vai trò sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, vị thế gần như độc quyền của Trung Quốc đang khiến cả thế giới phải “giật mình nhìn lại”.

Thách thức lớn nhất nằm ở giai đoạn tinh chế (hay xử lý) và hợp kim hóa các kim loại này, mà Trung Quốc vẫn đang duy trì vị thế độc quyền. Năm 2020, Trung Quốc nắm 38% trữ lượng đất hiếm trên thế giới nhưng tinh chế đến 85% trữ lượng toàn thế giới. Công đoạn này hết sức gây ô nhiễm nên không được các nước phương Tây khuyến khích từ những năm 1990. Do vậy, Trung Quốc là quốc gia duy nhất nắm quyền kiểm soát toàn bộ các bước trong chuỗi giá trị đất hiếm trên lãnh thổ của họ. Chẳng hạn, Mỹ xuất khẩu toàn bộ sản lượng đất hiếm thô của mình để Trung Quốc xử lý. Hiện nay, trước những lo ngại về tình trạng thiếu hụt, việc các kim loại này trở thành công cụ gây sức ép, cùng sự đối đầu Trung - Mỹ, các quốc gia có cùng quan điểm đã thực hiện các chính sách quốc gia và hợp tác quốc tế để khuyến khích việc đa dạng hóa các chuỗi giá trị của đất hiếm để giữ chủ quyền trước Trung Quốc.

Sau dầu mỏ sẽ là đất hiếm? -0
Nhà máy của Lynas Rare Earths ở Malaysia.

Sắc lệnh của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump “Giải quyết mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng trong nước do phụ thuộc vào các khoáng sản quan trọng từ các đối thủ nước ngoài” hồi tháng 9-2020 nói lên rất nhiều điều về tầm nhìn chiến lược của Mỹ. Ngoài ra, các nước thuộc nhóm Bộ tứ là Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ cũng đang hợp tác trong các vấn đề này. Do vậy, Australia giữ vị trí quan trọng như một sự thay thế cho nhà cung cấp Trung Quốc.

Australia là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cũng bị ảnh hưởng bởi các chính sách thù địch của Trung Quốc kể từ năm 2019, do vậy, Chính phủ Australia và các công ty của nước này ủng hộ việc đa dạng hóa các chuỗi giá trị đất hiếm và tăng cường năng lực sản xuất và xử lý. Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Australia Scott Morrison và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 6-2020, một thỏa thuận mang tính nguyên tắc đã được ký kết giữa hai chính phủ nhằm tập trung vào “các phương thức tăng cường thương mại, đầu tư, nghiên cứu và phát triển các khoáng sản quan trọng ở cả hai nước”. Động lực này càng được khẳng định do mối quan hệ Trung Quốc - Australia đang không được như mong muốn và trở nên trầm trọng hơn kể từ sau đại dịch COVID-19. Australia đã quyết định xích lại với đồng minh Mỹ trong các vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại.

Cạnh tranh

So với các đối tác đang lo lắng về sự độc quyền của Trung Quốc, Australia có quan niệm khác về tầm quan trọng của đất hiếm, vì ngành công nghiệp của nước này ít tiêu thụ chúng.Ngược lại, với Nhật Bản hoặc Mỹ, đất hiếm có tầm quan trọng sống còn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế và công nghiệp quốc phòng. Thế nên, từ năm 2019, cùng “Chiến lược khoáng sản quan trọng”, Chính phủ Australia đã xây dựng một chính sách quốc gia đặc biệt dành riêng cho các khoán sản quan trọng, trong đó có đất hiếm. Chính sách này đã cho phép thành lập các cơ quan hỗ trợ các công ty Australia với mục đích khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý đất hiếm. Tháng 3-2021, Australia đã đưa ra một chiến lược thứ hai vì “một nền công nghiệp hiện đại”, bổ sung cho chiến lược trước đó, nhằm phát triển một ngành công nghiệp chế biến ở Australia. Chính sách này phản ánh tham vọng về một nền kinh tế có sức cạnh tranh và có sức bền hơn so với Trung Quốc trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng y tế sau đại dịch vừa qua.

Sau dầu mỏ sẽ là đất hiếm? -0
Nhà điều hành khu mỏ Mount Weld của Lynas ở Tây Australia.

Như vậy, các chiến lược của Chính phủ Australia nhằm đưa nước này trở thành một mắt xích quan trọng trong việc đa dạng hóa các chuỗi giá trị bên ngoài Trung Quốc, được triển khai ở cấp quốc gia và quốc tế mặc dù nền kinh tế Australia vẫn rất phụ thuộc vào các hoạt động trao đổi thương mại với Trung Quốc. Ngoài ra, chính sách của Australia ngăn chặn đầu tư từ Trung Quốc vào một số dự án lớn liên quan đến ngành công nghiệp đất hiếm cho thấy những căng thẳng vẫn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước. Tháng 4-2020, Bộ trưởng Tài chnhs Australia Josh Frydenberg đã từ chối tập đoàn nhà nước Baogang (Trung Quốc) đầu tư vào tập đoàn Northern Minerals, một tập đoàn sản xuất đất hiếm ở miền Tây Australia. Trước đó, năm 2019, Bộ Tài chính Australia cũng đã từ chối khoản đầu tư của Tập đoàn khai thác kim loại màu Trung Quốc vào Tập đoàn Lynas của Australia vì cho rằng khoản đầu tư này “đi ngược lại các lợi ích quốc gia của Australia”. Cuối cùng, Chính phủ Australia đã ưu tiên cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Những thực tế này, cũng như các chính sách gần đây nhằm sàng lọc chặt chẽ hơn nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực chiến lược của Australia cho thấy nước này đang xuất hiện một chủ nghĩa bảo hộ tài nguyên. Nó cũng làm nổi bật một nghịch lý đang tồn tại trong lĩnh vực đất hiếm ở Australia bấy lâu nay: vốn đầu tư của Trung Quốc là một trong những khoản đầu tư thường xuyên nhất và quan trọng nhất vì Trung Quốc là một trong số những nước có khả năng xử lý và sử dụng các kim loại này. Vậy mà, các khoản đầu tư đó thường xuyên bị từ chối vì chúng không cho phép thực hiện chính sách đa dạng hóa các chuỗi giá trị. Tuy nhiên, việc từ chối các nguồn vốn FDI này cũng dẫn đến một ngõ cụt là làm chậm lại đáng kể sự phát triển của ngành công nghiệp này ở Australia, do thiếu các khoản đầu tư cũng như công nghệ thay thế.

Tuy nhiên, có một thực trạng đó là nền kinh tế Australia vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực đất hiếm.Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia và cho đến nay vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này, chủ yếu đối với các sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu hóa thạch và khoáng sản.Điều này đặt Australia vào một trạng thái khó xử, giữa một bên là lập trường với khát vọng chính trị và bên còn lại là thực tế kinh tế.

Không dễ phá bỏ thế độc quyền của Trung Quốc

Vẫn tiếp tục nói về đối thủ cạnh tranh tiềm tàng nhất với Trung Quốc về đất hiếm và công nghệ xử lý đất hiếm hiện nay thì ngành công nghiệp đất hiếm của Australia được gánh vác bởi một tập đoàn lớn duy nhất - Lynas Rare Earths. Phần còn lại của lĩnh vực này gồm các doanh nghiệp nhỏ thường xuyên phụ thuộc vào thị trường và vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Lynas là tập đoàn duy nhất của Australia có thể xử lý đất hiếm bên ngoài Trung Quốc nhờ mỏ Mount Weld ở miền Tây Australia, nơi tập đoàn này khai thác tài nguyên khoáng sản, rồi thực hiện công đoạn xử lý tại nhà máy của họ ở Malaysia. Tập đoàn này có một chiến lược để định vị mình như một giải pháp thay thế các chuỗi cung ứng đất hiếm hiện có.Trong các tài liệu chính thức, Lynas khẳng định mục tiêu bán toàn bộ sản phẩm của mình ở ngoài Trung Quốc cũng như hỗ trợ sự phát triển một thị trường độc lập hơn trước các công ty Trung Quốc.Lynas có năng lực sản xuất lớn, mặc dù ít được biết đến ở nước ngoài.Nhà máy của tập đoàn này ở Malaysia là “nhà máy tinh chế đất hiếm lớn nhất thế giới và là nhà máy đầu tiên được xây dựng bên ngoài Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây”. Từ nay đến năm 2023, một nhà máy xử lý mới đặt tại thành phố Kalgoorlie của Australia cũng sẽ tăng năng lực xử lý của tập đoàn này. Được khuyến khích bởi chiến lược chính trị của chính phủ, các hoạt động của Lynas cũng mang quy mô quốc tế.

Sau dầu mỏ sẽ là đất hiếm? -0
Trung Quốc tinh chế đến 85% trữ lượng đất hiếm toàn thế giới.

Ngoài Lynas, nhiều công ty Australia có những dự án được chính phủ nước này đánh giá là “tiên tiến”, đã xây dựng các nhà máy thí điểm với mục tiêu phát triển các công nghệ xử lý ít gây hại cho môi trường. Dù có quy mô khiêm tốn hơn, phần lớn các công ty này cũng định vị bản thân như những tác nhân thay thế các chuỗi giá trị của Trung Quốc.Chẳng hạn, công ty Arafura Resources đã khẳng định chiến lược bán hàng của mình tập trung vào các đối tác không ủng hộ chiến lược “Made in China 2025”.

Tuy nhiên, bất chấp những tham vọng này, thực tế vẫn hoàn toàn khác và lĩnh vực đất hiếm ở Australia vẫn rất mong manh.Không phải tất cả các công ty đều tham gia cuộc chơi đa dạng hóa chuỗi giá trị đất hiếm này.Chẳng hạn như RareX, đã ký kết một thỏa thuận về nguyên tắc với Shenghe - một trong những tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc về xử lý đất hiếm.Mục tiêu của RareX là thành lập một liên doanh để tìm kiếm các nguồn đất hiếm bên ngoài Trung Quốc và phục vụ cho các hoạt động tinh chế hiện có và trong tương lai của Shenghe ở Trung Quốc. Như vậy, hoạt động này rõ ràng có lợi cho tham vọng duy trì vị trí đứng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm và đi ngược lại chính sách của Australia cũng như các đồng minh.

Hiện tại, các doanh nghiệp và Chính phủ Australia đang có chiến lược tăng cường đầu tư vào các phương pháp xử lý đất hiếm ít gây ô nhiễm hơn.Điều này nhằm khuyến khích đầu tư từ các nền công nghiệp phát triển và làm cho hoạt động sản xuất được người dân địa phương chấp nhận hơn. Ít tác động môi trường hơn là một tiêu chí quan trọng để kêu gọi đầu tư từ các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay từ châu Âu - một tiêu chí mà xưa nay Trung Quốc - vốn có phương án sản xuất không coi trọng môi trường - bỏ qua lâu nay.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.
.