Nước Pháp hậu bầu cử

Thứ Bảy, 13/07/2024, 10:43

Cử tri Pháp đã gây bất ngờ khi trao chiến thắng cho liên minh cánh tả và đẩy đảng cực hữu xuống vị trí thứ ba. Với việc không có đảng nào giành được đa số tuyệt đối, cuộc bầu cử đã khiến nền kinh tế đất nước rơi vào tình trạng bất ổn.

Tối ngày 9/6, Tổng thống Emmanuel Macron cương quyết cho rằng việc giải tán Hạ viện Pháp là điều đúng đắn nên làm. Đảng của ông vừa thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) trong khi đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen giành chiến thắng giòn giã.

ngu%3fi dân pháp an m%3fng k%3ft qu%3f b%3f phi%3fu vòng 2.jpg -0
Người dân Pháp ăn mừng kết quả bỏ phiếu vòng 2.

Ông Macron nói rằng: “Những thách thức [hôm nay] đòi hỏi sự rõ ràng trong các cuộc tranh luận của chúng ta, tham vọng đối với đất nước và sự tôn trọng đối với mỗi công dân của chúng ta - đó là lý do tại sao tôi quyết định [...] cho các bạn một lần nữa quyền lựa chọn tương lai nghị viện”.

Kết quả bất ngờ

Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) hiện trở thành nhóm lớn nhất trong Quốc hội mới, xếp trên liên minh trung dung của ông Macron và đảng RN cán đích ở vị trí thứ ba. Tuy nhiên, NFP vẫn còn thiếu nhiều ghế để có thể giành đa số tuyệt đối.

Philippe Crevel, nhà kinh tế học và là người đứng đầu tổ chức nghiên cứu Cercle de L'Epargne có trụ sở tại Paris, gợi nhắc lại rằng cuộc bầu cử lần này đã gây ngạc nhiên cho hầu hết mọi người, bao gồm cả các nhà đầu tư. Ông nói với DW: “Chỉ số thị trường chứng khoán Pháp CAC 40 đã giảm khoảng 8% trong vòng một tuần và lãi suất nợ công của Pháp thì tăng lên”.

Kế hoạch hậu bầu cử của NFP khiến nhà đầu tư lo lắng

Bất chấp nguy cơ bất ổn chính trị kéo dài nhiều tuần, NFP bắt đầu trình bày chi tiết kế hoạch hậu bầu cử của mình. Liên minh gồm phong trào cực tả Nước Pháp bất khuất, đảng Xã hội, đảng Xanh và đảng Cộng sản này đang hứa hẹn những biện pháp hào phóng để thúc đẩy sức mua của cử tri. Họ lên kế hoạch rút lại cải cách hưu trí gây tranh cãi năm 2023 của ông Macron, trong đó nâng tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 64 tuổi. NFP dự định giảm ngưỡng đó xuống còn 60 tuổi.

Philippe Crevel nói: “Thật là kỳ lạ. Pháp đang phải đối mặt với tình hình tài chính khó khăn, tuy nhiên, tất cả các đảng, bao gồm cả đảng của Tổng thống Macron lại đang cố gắng thu hút cử tri bằng lời hứa sẽ chi nhiều tiền cho họ. Các chính trị gia đã làm điều này trong suốt 40 năm qua, nhưng giờ đây chúng ta đang tiến gần đến bờ vực thẳm”.

Nợ công của Pháp năm 2023 ở mức 110% GDP, với thâm hụt ngân sách lên tới 5,5%. Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã kích hoạt quy trình xử lý thâm hụt quá mức đối với Pháp, vì Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng (SGP) của EU chỉ cho phép nợ công ở mức 60% GDP và thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP.

Thị trường có thích đảng RN hơn không?

Trước khi bỏ phiếu vòng 2, Philippe Crevel cho biết các nhà đầu tư dường như thích cương lĩnh kinh tế của đảng cực hữu hơn. Crevel nói: “NFP chống chủ nghĩa tư bản và chống châu Âu, vì họ muốn rời khỏi SGP cũng như các hiệp định thương mại tự do quốc tế, trong khi RN không còn công khai thể hiện quan điểm chống EU - mặc dù cương lĩnh của họ không tương thích với các quy tắc của châu Âu”.

Trước đó, RN đã lên kế hoạch giảm đóng góp của Pháp vào ngân sách EU. Đảng này cũng cho biết họ sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập cư có hệ thống tại biên giới quốc gia, điều này đi ngược các quy định của Hiệp ước Schengen.

Christopher Dembik, cố vấn đầu tư cấp cao tại Pictet Asset Management France, đồng tình rằng cương lĩnh tranh cử của RN ít được các nhà đầu tư quan tâm hơn so với NFP.

Dembik nói rằng: “Giới tài chính đang cảnh giác hơn trước sự phản đối rõ ràng của NFP đối với các quy định của EU so với các kế hoạch của RN, ví dụ như muốn giảm thuế VAT đối với điện, khí đốt và nhiên liệu từ mức 20% như hiện tại xuống còn 5,5%. Ngoài ra, phe cực hữu đã cam kết kiểm toán tài chính công, điều này cho thấy ý định của họ là giảm nợ của Pháp”.

Michael Zemmour, nhà nghiên cứu kinh tế tại Đại học Lumiere Lyon-2 và Trường Khoa học chính trị Paris nói với DW trước cuộc bỏ phiếu rằng: “Có ấn tượng giả tạo rằng NFP sẽ hủy hoại nền kinh tế Pháp bằng chương trình Keynes quá tập trung vào chi tiêu của họ, mặc dù RN đang vận động bầu cử bằng việc cắt giảm thuế thông qua các biện pháp bài ngoại như tước quyền chăm sóc sức khỏe của người nước ngoài.

Ngoài thực tế là điều này đáng trách về mặt đạo đức, RN còn liên tục thay đổi quyết định của mình, chẳng hạn như điều chỉnh ngày dự kiến sẽ rút lại cải cách hưu trí của Tổng thống Macron - không thể nào đánh giá cương lĩnh kinh tế của họ một cách nghiêm túc”.

Ông nói thêm: “Thật sốc khi giới kinh doanh dường như thích bài ngoại hơn là tái phân phối, đồng thời cho rằng RN sẽ giảm bớt các chính sách của họ giống như Thủ tướng cực hữu Giorgia Meloni của Italy từng làm”.

Nhiều bất ổn có thể xuất hiện

Với số phiếu bầu như vậy, NFP có thể sẽ cố gắng thành lập một chính phủ thiểu số hoặc trở thành một phần của liên minh và như vậy sẽ rất khó để thực hiện các biện pháp quyết liệt nhất của mình.

Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group có trụ sở tại New York, tin rằng kết quả bất ngờ này sẽ gây ra bất ổn chính trị và tài chính.

Ông nói với DW: “Pháp đang nhìn vào sự bế tắc của Quốc hội với 2 khối lớn về ý thức hệ và phe trung dung thì bị dồn vào giữa với một tổng thống yếu hơn, một chính phủ tạm quyền không có khả năng giải quyết vấn đề và nguy cơ xung đột dân sự luôn thường trực”.

Ông đã cảnh báo trước vòng 2 rằng, chính phủ do RN lãnh đạo sẽ đưa Pháp vào tình thế xung đột với châu Âu. Ông nói: “Các chính sách của họ không phù hợp với sân chơi bình đẳng của EU và các quy tắc quản lý thị trường chung. Hơn nữa, chương trình mở rộng tài chính của họ có thể kích động những người theo chủ nghĩa dân túy khác như Meloni làm điều tương tự, điều này có thể đặt ra câu hỏi về sự ổn định của phần còn lại của khu vực đồng euro”.    

Thế Nam (Theo dw.com)
.
.
.