Những vụ tấn công Giáng sinh ở châu Âu
Cứ đến mùa lễ Giáng sinh, châu Âu lại đối mặt với nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố bằng nhiều hình thức khác nhau. Vụ tấn công mới nhất xảy ra tại một khu chợ Giáng sinh ở Đức bằng hình thức đâm xe vào đám đông cho thấy những kẻ tấn công đã lựa chọn cách thức và phương tiện đơn giản nhất, nhưng cũng rất khó ngăn chặn.
Vụ tấn công tại Magdeburg, Đức
Cảnh sát Đức đang mở cuộc điều tra để xác định xem nghi phạm thực hiện vụ tấn công một khu chợ Giáng sinh ở thành phố Magdeburg của Đức có liên quan gì đến khủng bố hay không. Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy vụ việc có liên quan đến các tổ chức khủng bố như thường thấy mỗi khi xảy ra một vụ tấn công chết người ở châu Âu.
Taleb al-Abdulmohsen, 50 tuổi, là một bác sĩ, công dân Saudi Arabia di cư sang Đức, đang bị cảnh sát giam giữ. Abdulmohsen là nghi phạm đã thực hiện vụ tấn công chết người vào một khu chợ Giáng sinh ở thành phố Magdeburg của Đức vào ngày 20/12/2024. Abdulmohsen lái một chiếc xe BMW SUV màu đen lao đi 400 mét qua khu chợ đông đúc, tông và hất tung nhiều người lên không trung, khiến 5 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Trước khi gây án, tên này đã cảnh báo trên mạng xã hội rằng "một điều gì đó lớn sẽ xảy ra". Một bé gái 9 tuổi nằm trong số những người thiệt mạng. Có 41 người trong tình trạng nguy kịch với những vết thương đe dọa tính mạng và những người bị thương đang được điều trị tại 15 phòng khám trên khắp cả nước.
Taleb al-Abdulmohsen đến Đức vào năm 2006 và nộp đơn xin tị nạn một thập kỷ sau đó (2016), đã bị cảnh sát vũ trang bắt giữ trong một cuộc ẩu đả kịch tính chỉ vài phút sau vụ tấn công. Abdulmohsen liên tục bị yêu cầu "nằm xuống" bên cạnh chiếc BMW đã tông hàng trăm người trước đó. Các nhà khoa học pháp y đang điều tra khả năng Abdulmohsen đã cố tình tắt cơ chế phanh khẩn cấp trên chiếc BMW X3 mà hắn thuê để thực hiện vụ tấn công, nhằm tối đa hóa tác động của nó.
Tại một cuộc họp báo do cảnh sát và nhân chứng tổ chức tối 21/12, các quan chức cho biết cuộc thẩm vấn ban đầu đối với Abdulmohsen, người bị buộc tội giết người 5 lần và cố gắng giết người 200 lần, đã diễn ra, nhưng từ chối tiết lộ bất cứ điều gì nghi phạm đã nói. Tuy nhiên, khi được hỏi về động cơ của kẻ gây án, Công tố viên trưởng Horst Walter Nopens cho biết: “Có thể hắn không hài lòng với cách người tị nạn Saudi Arabia bị đối xử ở Magdeburg”.
Ông Nopens cho biết kẻ tấn công đã vượt qua các trụ chắn an ninh và sử dụng hành lang dành cho xe cứu thương để lao xe vào khu chợ, nơi lẽ ra phải bị chặn đối với bất kỳ loại xe nào khác ngoài xe cứu thương và xe cảnh sát. Giữa những câu hỏi về việc liệu kẻ tấn công có thể bị ngăn chặn hay không, ông Nopens nói thêm: “Chúng tôi không tập trung vào thủ phạm”.
Abdulmohsen tự nhận mình là người chỉ trích Hồi giáo và bảo vệ phụ nữ Saudi Arabia, Trong số nhiều lời đe dọa bạo lực được cho là do Abdulmohsen đưa ra trên mạng xã hội, có lời đe dọa “muốn giết cựu Thủ tướng Angela Merkel” vì những nỗ lực “Hồi giáo hóa châu Âu” của bà bằng cách cho phép người tị nạn vào nước này với số lượng lớn năm 2015.
Abdulmohsen đã cáo buộc chính quyền Đức cố gắng kiểm duyệt mình. Y cho biết y đã bị bạn bè và gia đình cô lập sau khi chính thức tuyên bố từ bỏ đức tin Hồi giáo của mình. Các bệnh nhân - thường là những người xin tị nạn - tại phòng khám cách Magdeburg 15 km về phía Nam, nơi y làm việc với tư cách là bác sĩ tâm thần tư vấn và bác sĩ trị liệu tâm lý, đã cáo buộc y là “người xấu” vì đã làm như vậy.
Chính quyền Saudi Arabia đã nói với phương tiện truyền thông Đức rằng họ đã cảnh báo chính quyền Đức nhiều lần rằng Abdulmohsen là mối đe dọa. Không rõ liệu những cảnh báo đó có được thực hiện hay không.
Thủ tướng Olaf Scholz đã đến thăm hiện trường vụ tấn công vào hôm 21/12 cùng các thành viên trong chính phủ của ông và lãnh đạo tiểu bang Saxony-Anhalt Reiner Haseloff đã mô tả vụ tấn công là “khủng khiếp và điên rồ”. Sau khi đặt một bông hồng trắng tại khu chợ, trên con đường giữa những gian hàng gỗ mà chiếc BMW đã đâm vào, ông Scholz cho biết việc chọn một khu chợ Giáng sinh để tấn công cũng như thời điểm xảy ra vụ việc là đặc biệt gây sốc.
Đã gần 8 năm trôi qua kể từ ngày một tên khủng bố Hồi giáo lao một chiếc xe tải bị đánh cắp với tốc độ cao vào một khu chợ Giáng sinh ở Breitscheidplatz, Berlin, khiến 13 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. “Không có nơi nào yên bình và vui tươi hơn một khu chợ Giáng sinh”, ông Scholz cho biết. “Mọi người tụ họp lại với nhau trong vài ngày trước Giáng sinh... để cùng nhau chiêm nghiệm nhưng cũng để ăn mừng. Để uống một ly gluhwein, để ăn một chiếc bratwurst. Thật là một hành động khủng khiếp khi làm bị thương và giết chết nhiều người ở đó một cách tàn bạo như vậy”.
Các chuyên gia về khủng bố bày tỏ sự kinh ngạc trước bản chất của vụ tấn công kéo dài từ 2 đến 3 phút. Peter Neumann đến từ King's College London, một chuyên gia kỳ cựu về khủng bố, đã viết trên X: “Sau 25 năm trong nghề, bạn nghĩ rằng không còn điều gì có thể khiến bạn ngạc nhiên hơn nữa”.
“Nhưng, một người Saudi 50 tuổi từng là người Hồi giáo sống ở Đông Đức, yêu thích đảng AfD và muốn trừng phạt nước Đức vì sự khoan dung của nước này đối với những người theo chủ nghĩa Hồi giáo - điều đó thực sự không nằm trong tầm ngắm của tôi”.
Abdulmohsen đã tạo ra một trang web để hỗ trợ những người phản đối chế độ ở Saudi Arabia, đặc biệt là phụ nữ, trốn khỏi đất nước và xin tị nạn ở châu Âu. Abdulmohsen đã nỗ lực đáng kể để được coi trọng như một nhà phê bình Hồi giáo hiếu chiến, tự mô tả mình trong một cuộc phỏng vấn năm 2019 trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung là “nhà phê bình Hồi giáo hung hăng nhất trong lịch sử”. Y cũng thể hiện sự ủng hộ đáng kể đối với đảng AfD, đảng chống Hồi giáo, chống nhập cư hiện đang đứng thứ hai trong các cuộc thăm dò. Trong những tháng gần đây, sự chú ý của y dường như đã chuyển sang chỉ trích chính quyền Đức và sự thiên vị mà ông nghĩ rằng họ có đối với người Saudi như ông và những người xin tị nạn nữ nói riêng đã từ bỏ đạo Hồi. Vào tháng 8, trong một bài đăng, y được cho là đã viết: "Nếu Đức muốn giết chúng ta, chúng ta sẽ thảm sát chúng, chết hoặc vào tù với lòng tự hào".
Vụ tấn công, một trong những tội ác khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước, xảy ra vào thời điểm quan trọng đối với nước Đức. Đất nước đang trong giai đoạn căng thẳng của chiến dịch bầu cử sau sự sụp đổ của liên minh 3 bên của Thủ tướng Scholz vào tháng trước do bất đồng trong cách giải quyết vô số thách thức bao gồm suy thoái kinh tế sâu sắc và bất đồng sâu sắc về cách giải quyết vấn đề nhập cư.
Trên khắp nước Đức, an ninh một lần nữa được thắt chặt tại nhiều trong số hàng nghìn chợ Giáng sinh, một đặc điểm của hầu hết các thị trấn và thành phố từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 12. Một số chợ đã đóng cửa do lo ngại về an toàn.
Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser đã cảnh báo trước khi mùa chợ Giáng sinh mở cửa vào cuối tháng 11 về nguy cơ tiềm ẩn của việc chúng trở thành tâm điểm của các cuộc tấn công khủng bố, như đã xảy ra trong nhiều năm, nhưng cho biết không có bằng chứng cụ thể nào về các cuộc tấn công đang được lên kế hoạch. Bà cảnh báo du khách đến các chợ phải luôn cảnh giác với nguy hiểm.
Những vụ tấn công mùa Giáng sinh
Các khu chợ Giáng sinh rất phổ biến ở Đức và quốc gia này ước tính có khoảng 2.500 đến 3.000 khu chợ Giáng sinh mỗi năm. Các khu chợ Giáng sinh diễn ra trong khoảng một tháng từ cuối tháng 11 cho đến sau Giáng sinh. Đây là dịp rất dễ thu hút những kẻ cực đoan, các phần tử bất mãn trong xã hội muốn gây ra một vụ việc nghiêm trọng nhằm trả đũa chính quyền hoặc gây áp lực lên chính quyền nhằm đòi một yêu sách nào đó.
Vụ tấn công khu chợ Giáng sinh ở thành phố Magdeburg khiến cho giới chức an ninh không chỉ ở Đức mà cả châu Âu phải kiểm điểm lại công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho người dân nhân dịp Giáng sinh. Đảm bảo an toàn cho các khu chợ Giáng sinh đã trở thành mối quan tâm lớn kể từ năm 2016, khi một phần tử Hồi giáo cực đoan lái xe tải đâm vào đám đông tại một khu chợ Giáng sinh ở thành phố Berlin, khiến 13 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Theo quan sát của giới truyền thông châu Âu, các vụ tấn công chợ Giáng sinh dường như chỉ xảy ra tại 2 quốc gia hàng đầu châu Âu là Pháp và Đức, mặc dù tại nhiều nơi khác cũng từng xảy ra nhiều vụ tấn công tương tự nhưng không được chú ý, ghi nhận.
Tại Pháp, vào mùa Giáng sinh năm 2014 đã xảy ra liên tiếp 2 vụ tấn công chợ Giáng sinh tại 2 thành phố khác nhau. Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 21/12, một phần tử Hồi giáo lái xe đâm vào đám đông tại một khu chợ Giáng sinh ở thành phố Dijon, miền Đông nước Pháp, làm 13 người bi thương. Khi gây ra vụ đâm xe, hung thủ hô to “Allahu Akbar” (Thượng đế vĩ đại) khiến mọi người nghĩ rằng y là một kẻ Hồi giáo cực đoan. Nhưng, sau đó, cảnh sát đã xác định y có tiền sử bệnh tâm thần nặng và bác bỏ động cơ khủng bố khi gây án.
Vụ thứ hai xảy ra vào hôm sau, 22/12, hung thủ lái chiếc xe bán tải lao vào đám đông khoảng 10 người tại một khu phố đi bộ ở Nantes khiến tất cả đều bị thương, sau đó 1 người chết tại bệnh viện. Tiếp đó, vào ngày 11/12/2018, một người được xác định là khủng bố đã xả đạn vào đám đông ở thành phố Strasbourg, Pháp, làm 5 người chết và 11 người bị thương. Hung thủ sau đó bị cảnh sát bắn hạ.
Sau vụ khủng bố khu chợ Giáng sinh tại Berlin năm 2016 (13 người chết), một vụ việc nữa lại xảy ra tại thành phố Potsdam, Đức, ngày 1/12/2017, cảnh sát phát hiện một túi chứa chất nổ, bên trong toàn đinh thép. Cảnh sát Potsdam đã dùng biện pháp nghiệp vụ khống chế túi chất nổ và phát hiện không có kíp nổ. Vụ gần nhất trước khi xảy ra vụ tấn công Magdeburg là vụ việc xảy ra tại thành phố Trier, miền Tây nước Đức, vào ngày 1/12/2020, một kẻ điên cuồng đã lái xe đâm vào đám đông tại một khu chợ Giáng sinh khiến 5 người chết, trong đó có 1 bé sơ sinh và 11 người bị thương. Hung thủ bị bắt tại hiện trường và sau đó bị tuyên án tù chung thân.