Những thách thức của Mỹ sau khi Điều khoản 42 hết hiệu lực

Thứ Tư, 17/05/2023, 08:01

Vào ngày 11/5 vừa qua, Điều khoản 42 - sắc lệnh nhằm hạn chế người di cư từ Mexico sang Mỹ - đã chính thức hết hiệu lực. Một chính sách cứng rắn để xử lý vấn đề nhập cư thời COVID-19 đã kết thúc, song những thách thức về biên giới đối với Tổng thống Joe Biden thì vẫn còn.

Khoảng lặng bất ngờ...

Sự yên tĩnh tương đối đã bao trùm biên giới phía Nam nước Mỹ kể từ Thứ sáu (12/5) bất chấp những lo ngại lan rộng rằng việc chấm dứt chính sách thời kỳ đại dịch nhằm trục xuất lập tức hầu hết người di cư, sẽ thúc đẩy một làn sóng tị nạn hướng tới và băng qua biên giới Mỹ - Mexico.

Trên thực tế, sự gia tăng người di cư đã xảy ra trước khi sắc lệnh ngặt nghèo nhằm hạn chế người nhập cư trong thời kỳ đại dịch - được gọi là Điều khoản 42 - chính thức hết hạn vào lúc 23h50 ngày 11/5. Do không chắc chắn về tác động của các biện pháp ngăn chặn mới, những người di cư đã vượt sông, cắt dây thép hàng rào, leo qua bức tường biên giới để đến Mỹ và tự nộp mình cho các đặc vụ biên phòng.

Những thách thức của Mỹ sau khi Điều khoản 42 hết hiệu lực -0
Các gia đình di cư đang từ Mexico vượt qua hàng rào biên giới vào Mỹ để xin tị nạn. Ảnh: Getty Images

Hàng ngàn người đã tỏa đến các cộng đồng ở khu vực biên giới như như El Paso (bang Texas) và Yuma (bang Arizona) và nhiều người trong số thậm chí phân tán khắp nước Mỹ bằng xe buýt, máy bay và ô tô. Thực trạng này tạo áp lực cho các nhà tạm trú và các nhóm viện trợ ở các thành phố như New York và Chicago, nơi giới chức địa phương nói rằng họ đã quá tải với những người di cư cần giúp đỡ.

Trước khi Điều khoản 42 hết hiệu lực, có những ngày số người vượt biên bị bắt giữ tại biên giới phía Nam lên tới khoảng 11.000, một trong những mức cao nhất được ghi nhận. Nhưng, sau khi Điều khoản 42 được dỡ bỏ, số vụ bắt giữ đã giảm.

Ông Alejandro Mayorkas, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ cho biết các đặc vụ biên phòng chỉ bắt giữ 6.300 người di cư vào Thứ sáu và 4.200 người vào Thứ bảy vừa qua. Ông Mayorkas cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng chính sách mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden, kết hợp củ cà rốt (các lộ trình pháp lý mới) với cây gậy (các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với những người vượt biên trái phép), đang phát huy tác dụng.

Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden vào Chủ nhật (14/5) cũng nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng tình hình biên giới ngay sau khi Điều khoản 42 được dỡ bỏ là “tốt hơn nhiều so với tất cả những gì mọi người dự đoán”.

Những thách thức của Mỹ sau khi Điều khoản 42 hết hiệu lực -0
Dòng người di cư chờ đợi ở El Paso, bang Texas trước thời điểm Điều khoản 42 hết hiệu lực. Ảnh: Wall Street Journal

Dòng chảy nhập cư sẽ lại tấp nập

Nhưng, thời gian tạm lắng kể trên có thể chỉ là sự yên bình trước cơn bão. Theo New York Times, các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường thúc đẩy người di cư đến Mỹ khó có thể giảm bớt trong những tháng tới. Phần lớn thế giới đang phát triển, từ châu Phi, châu Á đến Nam Mỹ và Caribe, vẫn đang quay cuồng với sự tàn phá kinh tế do COVID-19 gây ra và trầm trọng hơn bởi ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Justin Gest, nhà khoa học chính trị tại Đại học George Mason, chuyên nghiên cứu về nhập cư, cho biết: “Công chúng đang chỉ nhìn vào những người di cư ở biên giới, nhưng gốc rễ của vấn đề nằm ở yếu tố nội tại nơi các quốc gia xuất phát dòng người ấy, sẽ tiếp tục tồn tại”. Ông Gest nói. “Khi khủng hoảng xảy ra, chúng tạo ra các dòng chảy về phía Bắc”. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều cuộc di cư từ các quốc gia gặp khó khăn ở Tây bán cầu, chẳng hạn như Venezuela và Haiti. Không giống như châu Âu, nơi có nhiều nước là điểm đến tiềm năng cho người di cư, tại Tây bán cầu, hầu hết mọi con đường đều dẫn đến một cái đích duy nhất, đó là Mỹ.

Những thách thức của Mỹ sau khi Điều khoản 42 hết hiệu lực -0
Người di cư ngồi trước nhà thờ tại El Paso, đây cũng là một điểm tạm trú cho họ. Ảnh: Wall Street Journal.

Ngoài những yếu tố đẩy người di cư ra khỏi đất nước của họ, thỏi nam châm thu hút mọi người đến Mỹ là thị trường lao động. Dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đứng ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ thì vẫn có hàng triệu việc làm chưa được lấp đầy.

Wayne Cornelius, một học giả về nhập cư và giáo sư danh dự tại Đại học California, cho biết: “Không có thời điểm nào tốt hơn lúc này để người di cư tìm việc làm ở Mỹ. Ông nói: “Ngay cả đa số người xin tị nạn cũng bị thúc đẩy mạnh mẽ bởi triển vọng có việc làm lương cao hơn tại Mỹ, chứ không chỉ đơn thuần tìm một quê hương mới an toàn hơn”.

Thách thức còn nhiều

Điều khoản 42 đã bị dỡ bỏ nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi một chính sách mới nhằm ngăn người di cư từ khi họ chưa bắt đầu cuộc hành trình. Theo đó, người di cư sẽ không được chấp nhận tị nạn tại Mỹ trừ phi họ chứng minh rằng một quốc gia mà họ đi qua đã từ chối bảo vệ họ. Những người vi phạm chính sách này có thể bị truy tố hình sự, giam giữ kéo dài và cấm nhập cảnh trong 5 năm.

Ngoại lệ chỉ được áp dụng với những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như điều kiện y tế khẩn cấp hoặc đối với những người xin tị nạn đã dùng ứng dụng dành cho thiết bị di động để đặt cuộc hẹn phỏng vấn tại cửa khẩu chính thức. Cho đến nay, số lượng các cuộc hẹn như vậy là vô cùng hạn chế.

Với chính sách mới này, chính quyền Mỹ muốn gửi đi thông điệp là biên giới đã bị đóng và thông điệp đó nhắm vào cả người di cư lẫn công chúng Mỹ, những người vốn đang sợ xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn về nhập cư như nhiều nghị sĩ đảng Cộng Hòa từng cảnh báo. Thế nhưng, chính sách mới của Tổng thống Biden có thể cũng không đứng vững.

Chỉ vài phút sau khi chính sách mới có hiệu lực, các nhóm ủng hộ người nhập cư tại Mỹ đã đệ đơn kiện để ngăn chặn một điều khoản được thiết kế nhằm hạn chế những người xin tị nạn đến biên giới, ví nó giống như lệnh cấm quá cảnh bị bãi bỏ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Vài giờ trước khi Điều khoản 42 hết hiệu lực, một Thẩm phán Liên bang ở Florida đã ban hành lệnh cấm trả tự do cho những người di cư khỏi sự giam giữ của Mỹ mà không có ngày điều trần.

Chính phủ Mỹ đang phản đối phán quyết trên. Họ tuyên bố sẽ mở các trung tâm khu vực, bắt đầu từ Colombia và Guatemala, nơi những người di cư có thể nộp đơn xin quy chế tị nạn và trải qua quá trình sàng lọc ban đầu để đủ điều kiện nhập cảnh hợp pháp vào Mỹ. Ngoài ra, hiện Canada và Tây Ban Nha đã đồng ý tiếp nhận một số người xin tị nạn này.

Justin Gest, nhà khoa học chính trị tại Đại học George Mason, cho rằng Mỹ đang muốn các đồng minh chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư, “nhưng không rõ điều đó có hiệu quả hay không”. Từ đầu năm nay, Washington đã khuyến khích người Venezuela, Cuba, Nicaragua và Haiti đăng ký chương trình “tạm tha nhân đạo” cho phép họ bay thẳng đến Mỹ và ở lại trong 2 năm, nếu họ có người bảo trợ tài chính.

Nhưng, còn nhiều người di cư đến từ các quốc gia không nằm trong chương trình, chẳng hạn như Colombia, Ecuador và Honduras. Ngay cả đối với 4 quốc gia được đưa vào danh sách, số đạt tiêu chuẩn cũng vượt quá “quota” 30.000 suất hằng tháng trong khi nhiều người không đủ điều kiện vì họ thiếu kết nối ở Mỹ.

Những thách thức của Mỹ sau khi Điều khoản 42 hết hiệu lực -0
Người di cư xếp hàng mua vé tại một bến xe buýt ở El Paso rồi tỏa đi nhiều nơi trên nước Mỹ. Ảnh: Wall Street Journal

Shauyuri Mejias, 48 tuổi, người Venezuela, đã nghiên cứu chương trình này nhưng nhận ra rằng cô không thể tham gia. Vì vậy, cô đã đi xuyên qua Darien Gap, một khu rừng rậm nguy hiểm nằm giữa Colombia và Panama, cùng với con trai, con dâu và cháu. “Chúng tôi là thế hệ đầu tiên của gia đình đến Mỹ. Chúng tôi không có ai để nương tựa ở đây”. Mejias nói với phóng viên New York Times khi đang ở trong một nơi giam giữ tại El Paso (Texas).

Gia đình Mejias đã sử dụng ứng dụng của Chính phủ Mỹ để đặt lịch phỏng vấn tại cửa khẩu và vượt biên trước khi Điều khoản 42 được dỡ bỏ. Tuy nhiên, giống như rất nhiều người di cư thất vọng tập trung ở Mexico, sự kiên nhẫn của họ bị hao mòn do hệ thống đăng ký luôn quá tải và xử lý chậm chạp.

Về mặt lịch sử, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy việc thực thi quyết liệt hơn và áp dụng biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn sẽ ngăn chặn tình trạng di cư ồ ạt vào Mỹ. Trong trường hợp ngược lại, một đợt bùng phát di cư mới có thể làm trầm trọng thêm cả cuộc khủng hoảng nhân đạo và những cơn đau đầu chính trị đối với chính quyền Tổng thống Biden. Những tuần gần đây, cơ quan y tế ở nhiều thị trấn vùng biên cho biết số ca nhập viện đã tăng đột biến do những người di cư trèo qua bức tường biên giới bị thương.

Hiện tại, chính quyền Mỹ - trong nỗ lực giảm bớt tình trạng quá tải cho các trung tâm giam giữ tại biên giới - đôi khi vẫn trả tự do cho những người vượt biên dù họ không có ngày trình diện trước tòa án di trú để xét xử, sau khi họ sàng lọc và kiểm tra.

Dù những người di cư được “tạm tha” cũng được yêu cầu phải đăng ký với Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ nhưng việc này đang bị nhiều đảng viên Cộng hòa chỉ trích. Họ cho biết sẽ đưa vấn đề nhập cư trở thành trung tâm trong các chiến dịch vận động bầu cử năm 2024.

Những sự phản đối như vậy tạo ra áp lực lớn cho chính quyền. Stuart Anderson, Giám đốc điều hành Tổ chức Quốc gia về chính sách Hoa Kỳ, một tổ chức tư vấn độc lập, cho biết nếu những thách thức pháp lý khiến các cơ sở giam giữ và tạm trú trở nên quá đông đúc, nguy hiểm và những hệ lụy xảy ra sẽ gây tổn hại tới chính quyền. “Công chúng Mỹ khi ấy sẽ đổ lỗi cho tổng thống”, ông Anderson nhấn mạnh.

Quang Anh
.
.
.