Nhật Bản và bài toán thị trường dược phẩm

Thứ Hai, 09/09/2024, 06:48

Nhật Bản hiện vẫn là một trong số những thị trường dược phẩm lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 5% thị trường dược phẩm toàn cầu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dược phẩm Nhật Bản chỉ tăng trưởng ở mức tối thiểu trong những năm qua.

Thực tế cho thấy các quy trình định giá và quản lý phức tạp, cũng như việc thường xuyên cắt giảm giá thuốc do lo ngại về chi phí chăm sóc y tế tăng cao đã khiến các công ty dược phẩm Nhật Bản gặp khó khăn trong việc phát triển các sản phẩm mới, đồng thời khiến các hãng dược phẩm quốc tế dần xa rời thị trường Nhật Bản. Trước thực trạng đó, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực hành động để giành lại vị trí của mình trong ngành công nghiệp này.

Thực trạng ngành dược phẩm

Ngành công nghiệp dược phẩm của Nhật Bản đang gặp vấn đề. Trước đây, Nhật Bản là quốc gia chuyên phát triển các loại thuốc mới, nhưng hiện nay nước này bị tụt hậu so với các đối thủ của mình là Mỹ, châu Âu và thậm chỉ cả Trung Quốc. Chính sách kéo dài hàng thập kỷ nhằm hạ giá thuốc do lo ngại về chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao cũng ngăn cản các tập đoàn dược phẩm nước ngoài đưa các loại thuốc của họ vào thị trường Nhật Bản.

Nhật Bản và bài toán thị trường dược phẩm -0
Vị thế của Nhật Bản trong ngành công nghiệp dược phẩm thế giới đang bị lung lay.

Trong khi đó, Trung Quốc đã trở thành một thị trường mới quan trọng và phát triển nhanh chóng. Thị phần của các công ty Nhật Bản trong lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng đã giảm từ 11% vào năm 2013 xuống còn 4% vào năm 2023. Trong khi đó, thị phần của Trung Quốc đã tăng từ 3% lên 28% cùng kỳ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường dược phẩm lớn thứ hai thế giới.

Cuộc khủng hoảng hiện nay của ngành dược phẩm Nhật Bản bắt nguồn từ việc cải tổ hệ thống chăm sóc y tế bắt đầu vào năm 2011, khi dân số già hóa và giá thuốc tăng cao, khiến chi tiêu cho y tế tăng vọt và buộc chính phủ tìm cách kiểm soát chi phí.

Dân số già hóa làm gia tăng áp lực với hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia. Theo Ngân hàng Thế giới, chi tiêu cho chăm sóc y tế của Nhật Bản chiếm 7% GDP vào năm 2000 và tăng lên gần 11% GDP vào năm 2020. Để kiểm soát chi phí chăm sóc sức khỏe, Chính phủ Nhật Bản đã điều chỉnh giá thuốc 2 năm/lần, dẫn đến việc giá thuốc giảm từ 5 đến 7% sau mỗi 2 năm. Năm 2022, một đại diện của ngành dược phẩm tiết lộ với hãng tin Reuters rằng kể từ năm 2015, Nhật Bản đã hơn 50 lần thay đổi chế độ định giá thuốc. Có nhiều trường hợp, giá thuốc ở Nhật Bản chỉ bằng khoảng một nửa so với giá ở Mỹ.

Ngoài việc giảm giá thuốc, chính phủ còn đặt ra các tiêu chí nghiêm ngặt để các loại thuốc cải tiến được phê duyệt nhanh. Các biện pháp này đã ngăn cản các tập đoàn dược phẩm nước ngoài nộp đơn xin phê duyệt thuốc mới, khiến họ nản chí không muốn tiếp tục đầu tư nghiên cứu. Trên thực tế, chỉ có 20 loại thuốc được coi là "mới" ra mắt tại Nhật Bản vào năm 2023 - con số thấp nhất kể từ năm 2014 và chưa bằng một nửa số lượng thuốc mới được ra mắt tại Mỹ trong cùng năm.

Một biện pháp khác mà Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng để giảm chi phí chăm sóc y tế là đưa thuốc generic vào sử dụng rộng rãi. Generic là dược phẩm dùng thay thế sản phẩm gốc và được đưa ra thị trường sau khi bản quyền của sản phẩm gốc hết hạn. Thị phần của các loại thuốc này đã tăng từ 48,8% trong năm tài chính 2013 lên 69,9% trong năm tài chính 2017. Trong vài năm qua, một số công ty dược phẩm Nhật Bản đã bị giảm doanh số tới hai con số khi các loại thuốc generic được tung ra thị trường. Các công ty dược phẩm của nước này không còn có thể dựa vào các loại thuốc phát minh (biệt dược gốc) để tạo ra doanh thu lớn vì tỉ lệ thâm nhập của thuốc generic tại nước này đang ngày một tăng.

Con đường phía trước

Với ít nghiên cứu được thực hiện trong nước, Nhật Bản ngày càng phụ thuộc vào thuốc nhập khẩu vào thời điểm các tập đoàn dược phẩm nước ngoài ít quan tâm đến việc phát triển và bán thuốc tại Nhật Bản. Một thành viên của hội đồng quản trị công ty dược phẩm Nhật Bản giấu tên chia sẻ với SwissInfo rằng lý do lớn nhất khiến ngành dược phẩm Nhật Bản trì trệ là thị trường Nhật Bản không còn hấp dẫn. Các công ty tìm kiếm lợi nhuận đang ngày càng mất đi động lực để phát triển các loại thuốc mới tại Nhật Bản.

Trước thực trạng đó, năm 2023, Chính phủ Nhật Bản đã khởi động chiến dịch cải cách để thu hút các nhà sản xuất thuốc nước ngoài trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ bệnh nhân không thể tiếp cận các loại thuốc mới và đất nước tụt hậu trong lĩnh vực phát triển thuốc. Chiến lược này đã có bước tiến lớn vào tháng 7 vừa qua khi Thủ tướng Fumio Kishida công bố lộ trình biến Nhật Bản thành "vùng đất phát triển thuốc" và đảm bảo sẽ cung cấp các loại dược phẩm mới nhất, coi đây là một trong những chính sách quan trọng nhất của chính phủ.

Theo lộ trình này, Nhật Bản đề ra những chính sách nhằm đưa nước này trở thành quốc gia hấp dẫn đối với các công ty dược phẩm, bao gồm việc khởi động các thử nghiệm lâm sàng đối với các loại thuốc chưa được lưu hành trong 2 năm tới và từ nay đến 2028 sẽ thành lập hơn 10 công ty khởi nghiệp về phát triển thuốc với nguồn hỗ trợ tài chính lớn.

Với chiến lược mới cùng các cam kết của Chính phủ Nhật Bản, một số tập đoàn dược phẩm cho biết họ vẫn muốn tìm kiếm cơ hội tại đất nước này. Phát ngôn viên của tập đoàn dược phẩm Novartis nói: “Nhật Bản là một trong 4 khu vực địa lý ưu tiên mà chúng tôi có thể giới thiệu các phương án điều trị sáng tạo”. Trong khi đó, ông Ryo Hanamura của công ty tư vấn quản lý Arthur Little khẳng định: “Nhật Bản vẫn là thị trường lớn hấp dẫn với nền khoa học trình độ cao và lực lượng lao động giá rẻ, đặc biệt là với đồng tiền yếu như hiện nay”.

Khánh An (Tổng hợp)
.
.
.