NATO và những thách thức sau 75 năm tồn tại

Thứ Bảy, 24/08/2024, 18:10

Tháng 7/2024 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh NATO đã được tổ chức tại Washington. Sự kiện này là dịp để tổ chức lễ kỷ niệm Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương được ký kết tại Thủ đô nước Mỹ 75 năm về trước.

Ngoài các lễ kỷ niệm và các dự án ngắn hạn và trung hạn, Hội nghị lần này cũng là cơ hội để châu Âu định vị mình một cách rõ ràng về điều mà họ dự tính trong tương lai để trở thành trụ cột châu Âu của NATO, vốn được các Tổng thống Mỹ yêu cầu từ nhiều thập kỷ trước.

Năng lực và răn đe

Trên nhiều lĩnh vực, năng lực tác chiến của NATO đã được cải thiện. Hơn 2/3 số quốc gia thành viên đã thực hiện cam kết chi tiêu quốc phòng hằng năm ít nhất 2% GDP, nỗ lực nâng cao năng lực tác chiến trên nhiều lĩnh vực như vũ trụ, trên không, internet, đất liền, trên biển phổ điện từ..., trong đó có cải tạo và hiện đại hóa năng lực giám sát bầu trời và tăng cường hệ thống chỉ huy và kiểm soát của NATO, phân công vai trò lãnh đạo chủ chốt cho cơ quan nhà nước.

Về phòng thủ tên lửa và răn đe hạt nhân, các nước thành viên đã cam kết nâng cao hiệu quả của hệ thống tích hợp phòng thủ tên lửa và phòng không (IAMD), tăng cường phòng thủ tại khu vực châu Âu - Đại Tây Dương thông qua thực hiện mô hình luân phiên, trọng tâm là khu vực phía Đông. NATO đã tuyên bố tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD), trong đó có việc triển khai hệ thống Aegis Ashore tại Redzikowo, Ba Lan, đồng thời cũng khẳng định lại răn đe hạt nhân là nền tảng an ninh của họ, nhấn mạnh vai trò căn bản của vũ khí hạt nhân là duy trì hòa bình, ngăn ngừa cưỡng ép và kiềm chế xâm lược.

NATO và những thách thức sau 75 năm tồn tại -0
Việc mở rộng NATO từ 12 lên 32 thành viên từng chứng tỏ sức hấp dẫn và độ tin cậy của tổ chức này.

Về vấn đề viện trợ cho Ukraine, NATO tuyên bố thành lập Trung tâm viện trợ và huấn luyện an ninh cho Ukraine (NSATU) nhằm phối hợp với các đồng minh và đối tác cung cấp trang thiết bị quân sự và huấn luyện cho Ukraine, giúp đỡ Ukraine trong quá trình chuyển đổi mô hình của lực lượng quốc phòng và an ninh, giúp họ hội nhập sâu hơn vào tiêu chuẩn và chương trình của NATO. Kế hoạch hỗ trợ an ninh dài hạn bao gồm các nước thành viên cam kết cung cấp ít nhất 40 tỷ euro trong năm tới, nhằm giúp Ukraine xây dựng lực lượng quân đội có năng lực hiệu quả trong cuộc chiến hiện tại.

Ngoài ra, các nước thành viên sẽ cung cấp thiết bị quân sự, viện trợ và huấn luyện, cũng như đầu tư và trợ giúp cho cơ sở hạ tầng và công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Trung tâm phân tích, huấn luyện và giáo dục chung NATO - Ukraine (JATEC) là trụ cột quan trọng trong hợp tác giữa NATO và Ukraine. JATEC sẽ tổng kết và rút ra bài học từ cuộc chiến Ukraine, nâng cao năng lực tương tác giữa Ukraine và NATO.

NATO nhấn mạnh tầm quan trọng của các quan hệ đối tác trong việc tăng cường ổn định, tác động đến môi trường an ninh toàn cầu và duy trì luật pháp quốc tế. NATO sẽ ra sức tăng cường đối thoại chính trị và hợp tác thiết thực với các quốc gia và tổ chức như Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU)...

Phòng thủ tập thể

Từ một liên minh phòng thủ tập thể, ngay từ đầu những năm 1990, NATO đã chuyển thành một thể chế an ninh hợp tác nhằm bảo vệ nhân quyền và đảm bảo hòa bình. Chẳng hạn, dưới sự bảo trợ của NATO, quân đội phương Tây đã tiến hành các hoạt động quản lý khủng hoảng ở Balkan (những năm 1990) và Libya (2011), nhưng đặc biệt ở Afghanistan (2000-2010) sau khi các quốc gia thành viên của tổ chức này viện dẫn Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của tổ chức.

NATO và những thách thức sau 75 năm tồn tại -0
Lính NATO trên tàu sân bay trong chiến dịch không kích Libya.

Nhưng, “thành tích” chính trị - quân sự của các chiến dịch NATO, đặc biệt ở Libya và Afghanistan, lại chưa thực sự ấn tượng. Kể từ khi rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan, NATO dường như đã từ bỏ vai trò “cảnh sát thế giới” vốn đặc trưng cho tổ chức này trong những năm 2000. Nhóm Ramstein (nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine - UDCG) cho biết vì cuộc chiến ở Ukraine đã thức tỉnh NATO bằng “những cú sốc điện tồi tệ nhất”, nên thực tế tổ chức này vẫn không mấy tích cực trong việc hỗ trợ cụ thể cho Ukraine, trái ngược với EU hoặc UDCG.

Cuối cùng, uy tín của NATO chủ yếu dựa vào khả năng phòng thủ tập thể của các nước thành viên và đặc biệt hơn là bảo vệ lãnh thổ châu Âu. Đối mặt với chiến sự Nga - Ukraine, quân số của nhóm “Hiện diện tiền phương tăng cường (eFP)” - đóng quân ở các nước vùng Baltic và Ba Lan kể từ năm 2017 - đã tăng gấp đôi và hiện lên tới hơn 10.000 người. Ngày nay, 8 nhóm tác chiến đa quốc gia - đóng tại vùng Baltic, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia - tạo thành tuyến phòng thủ thường trực đầu tiên ở sườn Đông của liên minh. Tổ chức cũng quyết định tăng Lực lượng phản ứng nhanh (NRF) từ 40.000 lên 300.000 binh sĩ dưới “mô hình lực lượng mới” được phân bổ theo kế hoạch phòng thủ khu vực lãnh thổ đồng minh. Lực lượng giám sát không gian của NATO có nhiệm vụ đảm bảo an ninh không phận liên minh.

Ngoài ra, NATO cũng nhấn mạnh hơn nữa sự cần thiết phải tăng cường đáng kể khả năng răn đe và phòng thủ của mình thông qua một bộ năng lượng hạt nhân, thông thường, không gian và mạng, cũng như khả năng phòng thủ tên lửa. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc gia nhập gần đây của Phần Lan và Thụy Điển đã củng cố sự hiện diện của NATO ở biển Baltic, từ đó giúp đảm bảo an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương theo chủ trương của khối này.

Việc mở rộng NATO từ 12 lên 32 thành viên kể từ khi thành lập năm 1949 chứng tỏ sức hấp dẫn và độ tin cậy của tổ chức này về mặt răn đe và phòng thủ tập thể. Nếu sự xuất hiện của các quốc gia mới trong NATO giúp tăng cường khả năng quân sự và vị thế địa chính trị của tổ chức này thì điều đó cũng đòi hỏi phải có những điều chỉnh về mặt chiến thuật - đặc biệt về khả năng tương tác - và những điều chỉnh chiến lược. Thực vậy, NATO đang trở thành một hệ thống đa trung tâm, nơi mà đôi khi khó xây dựng được sự đồng thuận. Trong khi, trước đây, “Nhóm Bonn” - nhóm không chính thức tập hợp các nước Mỹ, Pháp, Anh và Đức - có ảnh hưởng mang tính quyết định trong việc ra quyết định, “định dạng Bucharest” - nhóm các nước Trung Âu - đang ngày càng khẳng định quan điểm của mình về vấn đề an ninh đối ngoại trong bối cảnh hiện tại.

Về phần mình, “Tam giác Weimar” - tập hợp các Ngoại trưởng Pháp, Đức và Ba Lan - dường như đã hồi sinh, chắc chắn không cần phô trương nhiều nhưng có quyết tâm. Do đó, vào tháng 2/2024, cả 3 vị ngoại trưởng đã ủng hộ việc thiết lập một chính sách an ninh và quốc phòng chung (CSDP) hiệu quả có thể đóng góp hữu ích cho an ninh quốc tế và xuyên Đại Tây Dương.

Hướng tới châu Âu hóa NATO?

Sự trở lại của một cuộc chiến tranh cường độ cao trên lục địa châu Âu và khả năng Mỹ ngày càng không quan tâm đến mối liên kết xuyên Đại Tây Dương để ưu tiên cho mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương sẽ là cơ hội để củng cố “quyền tự chủ chiến lược của EU” trong các vấn đề an ninh, quốc phòng và qua đó củng cố cái mà một số người gọi là “trụ cột châu Âu của NATO”. Tuy nhiên, hai khái niệm này không nhận được sự nhất trí giữa các quốc gia thành viên cũng như trong NATO.

Trên thực tế, một số quốc gia châu Âu không ủng hộ ý tưởng tự chủ chiến lược này, vì họ coi đó là một ý chí thoát khỏi ảnh hưởng của NATO - và thực ra là ảnh hưởng của Mỹ - mà họ đang cần để đảm bảo an ninh cho họ. “Mua hàng châu Âu trước hết” khi nói đến thiết bị quân sự là một khẩu hiệu ít được đánh giá cao ở bên kia Đại Tây Dương. Trong thực tế, Washington và phần lớn các nước đồng minh dường như ủng hộ câu châm ngôn “Tiêu dùng hàng châu Âu, mua hàng Mỹ!”.

Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra xung đột lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhiều khả năng sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp Mỹ có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp các hệ thống vũ khí mà châu Âu đặt hàng. Một số nước như Pháp, cho rằng EU phải trang bị cho mình các công cụ công nghiệp riêng để bảo vệ lợi ích của mình mà không phụ thuộc vào nước thứ ba, thậm chí là đồng minh. Hiện tại, dù sao đi nữa, châu Âu còn lâu mới thống nhất được kho khí tài của mình - họ có hệ thống vũ khí nhiều gấp 6 lần Mỹ - vốn rất tốn kém và ít hiệu quả.

Khái niệm “trụ cột châu Âu của NATO” cũng làm dấy lên sự nghi ngờ nào đó đối với các quốc gia như Vương quốc Anh hay Na Uy - họ có lý khi tự hỏi liệu từ “Châu Âu” chỉ mô tả EU hay liệu nó có nghĩa rộng hơn là tất cả các đồng minh châu Âu, cho dù là thành viên EU hay không? Còn Canada thì sao? Cũng như còn Thổ Nhĩ Kỳ thì sao, khi mà vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ - Cộng hòa Cyprus vẫn chưa được giải quyết?

Trong mọi trường hợp, không có gì đáng ngạc nhiên khi thuật ngữ “trụ cột châu Âu” của NATO không xuất hiện trong “La bàn chiến lược” của EU cũng như trong khái niệm chiến lược mới đây nhất của NATO. Để tránh những hiểu lầm và để hạ nhiệt các cuộc tranh luận, việc thống nhất không chỉ về một định nghĩa chung cho các khái niệm về tự chủ chiến lược châu Âu và trụ cột châu Âu trong NATO, mà còn về các mục tiêu cần đạt được trong vấn đề này, sẽ là điều thích hợp.

NATO và những thách thức sau 75 năm tồn tại -0
Chiến dịch quân sự của NATO ở Afghanistan để lại nhiều tranh cãi.

Như một sự thỏa hiệp và chắc chắn cũng là để trấn an Mỹ, NATO tự giới hạn mình trong việc ủng hộ một “hệ thống phòng thủ châu Âu mạnh mẽ và hiệu quả hơn, thực sự góp phần vào an ninh xuyên Đại Tây Dương và toàn cầu, đồng thời bổ sung và tương thích với Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương”.

Nhìn từ góc độ này, quốc phòng châu Âu do đó không nhằm mục đích thay thế NATO, vốn vẫn là nền tảng của quốc phòng châu Âu. Theo một cách nào đó, đây là hộp công cụ dành cho các quốc gia thành viên để bảo vệ lợi ích an ninh của chính họ ngoài biên giới, nhưng cũng để đảm bảo cho “phòng thủ châu Âu”. Ngược lại, các thỏa thuận “Berlin Plus” - cho phép liên minh ủng hộ các chiến dịch do EU lãnh đạo, trong đó không phải tất cả các quốc gia liên minh đều tham gia - tạo thành cơ sở khởi đầu để giải quyết các mối quan hệ giữa NATO và vấn đề quốc phòng của EU, ngay cả khi chúng tỏ ra khó áp dụng vì cả lý do chính trị và thực tiễn.

Đối mặt với bối cảnh quốc tế mới, 23 quốc gia thành viên EU cũng đã gia nhập NATO, đang muốn nhanh chóng tự xây dựng cho mình một hệ thống “phòng thủ châu Âu” hiệu quả và đủ tự chủ, không chỉ để tiếp tục bảo vệ những lợi ích riêng của EU ngoài biên giới (như họ đã làm từ 20 năm qua trong khuôn khổ CSDP), mà cũng là, và trước hết, để có thể đóng góp một cách tự chủ vào việc “phòng thủ châu Âu”, ngay cả trong trường hợp những khả năng của Mỹ bị hạn chế nghiêm trọng. Đây sẽ là một sự thay đổi mô hình cơ bản cho phòng thủ châu Âu, được Mỹ chủ yếu đảm bảo từ 75 năm qua và không kể NATO.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.
.