NATO tuyên bố rút khỏi Hiệp ước CFE
Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 7/11 tuyên bố sẽ đình chỉ hoạt động của một hiệp ước an ninh thời Chiến tranh Lạnh sau khi Nga đã chính thức rút khỏi hiệp ước này. Đây là vụ việc mới nhất trong loạt căng thẳng gia tăng giữa NATO và Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Trong một tuyên bố, NATO nói rằng “tình huống mà các quốc gia đồng minh tuân thủ hiệp ước, trong khi Nga thì không, sẽ không bền vững”. Liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương nói thêm rằng các thành viên của họ sẽ ngừng tham gia vào hành động này “trong thời gian cần thiết”. Tuyên bố nói thêm rằng động thái của Nga gây ra cuộc chiến ở Ukraine cũng “đi ngược lại với các mục tiêu của hiệp ước (CFE)”. Tuyên bố của NATO nói thêm rằng các thành viên của tổ chức này vẫn cam kết “giảm thiểu rủi ro quân sự, ngăn chặn những hiểu lầm và xung đột”.
Các nước trong liên minh Benelux (bao gồm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) đã công bố trong một tuyên bố chung hôm rằng họ cùng các đồng minh NATO khác đang đình chỉ hoạt động của Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE).
Hiệp ước ban đầu về Lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) đã được đàm phán trong những năm cuối của Chiến tranh Lạnh và ký kết vào năm 1990, được phê chuẩn 2 năm sau đó (1992). Mục tiêu của hiệp ước là nhằm mục đích ngăn chặn các đối thủ trong Chiến tranh Lạnh xây dựng lực lượng và thiết bị quân sự gần biên giới chung của nhau. Hiệp ước thiết lập các giới hạn toàn diện đối với các loại thiết bị quân sự thông thường chủ yếu ở châu Âu (từ Đại Tây Dương đến Urals) và yêu cầu tiêu hủy các vũ khí vượt quá giới hạn. Hiệp ước đề xuất các giới hạn bình đẳng cho hai nhóm quốc gia thành viên, gồm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Hiệp ước Warsaw. Hiệp hước đã được 30 nước phê chuẩn, bao gồm phần lớn thành viên NATO (lúc đó mới có 16 thành viên) và khối Warsaw. Sau đó, hiệp ước được sửa đổi năm 1997. Tuy nhiên, các nước NATO chưa bao giờ phê chuẩn phiên bản sửa đổi của hiệp ước và tiếp tục tuân thủ các điều khoản đã lỗi thời năm 1990, dựa trên cân bằng vũ khí thông thường giữa NATO và Hiệp ước Warsaw. Từ đó làm nảy sinh những xung đột trong việc thực thi hiệp ước.
Kết quả là Nga tuyên bố tạm dừng thực hiện các điều khoản của hiệp ước vào năm 2007. Nga cáo buộc vào năm 2007, kế hoạch của Mỹ nhằm tạo ra các căn cứ ở Romania và Bulgaria đã vi phạm hiệp ước. Các quan chức NATO phản đối điều này và tuyên bố rằng các căn cứ của Mỹ không nhằm mục đích cố định, do đó không thể bị coi là vi phạm. Tuy nhiên, sau đó có thông tin cho rằng các thỏa thuận được ký với cả Romania và Bulgaria vào năm 2006 đặc biệt cho phép xây dựng các căn cứ lâu dài dưới sự kiểm soát trực tiếp của Mỹ và tờ báo The Washington Times cũng đã nhận được xác nhận của một quan chức cấp cao của Mỹ rằng các cơ sở này được dự định tồn tại lâu dài.
Vào ngày 10/3/2015, với lý do NATO vi phạm hiệp ước trên thực tế, Nga đã chính thức tuyên bố sẽ hoàn toàn ngừng tham gia hiệp ước.
Tháng 5/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh bác bỏ hiệp ước này, điều này đã nhanh chóng bị NATO phản đối. Tuy nhiên, Nga để ngỏ khả năng một cuộc đối thoại về việc khôi phục quyền kiểm soát đối với vũ khí thông thường ở châu Âu. Nga đã đưa ra thông báo rút lui trước 150 ngày vào tháng 6, lập luận rằng hiệp ước, được hình thành từ đống tro tàn của Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời.
Nó cũng cho biết “giọt nước tràn ly” dẫn đến quyết định này là quyết định của NATO chào đón Phần Lan và Thụy Điển (cả hai nước không ký kết hiệp ước) tham gia khối. Phần Lan giáp Nga và Moscow bày tỏ lo ngại rằng nước này có thể được các nước thứ ba sử dụng để tích lũy vũ khí dọc biên giới Tây Bắc Nga. Trong khi Ukraine chưa phải là thành viên của NATO, một số quốc gia láng giềng đã tham gia liên minh quân sự bao gồm Ba Lan, Romania, Hungary và Slovakia.
Chính phủ Nga cho biết trong một tuyên bố: “Rõ ràng là, trong điều kiện ngày nay, CFE chắc chắn đã trở thành vết tích của quá khứ. Các đối thủ của chúng ta không nên có bất kỳ ảo tưởng nào về việc Nga quay trở lại tuân thủ CFE”.
Ngày 7/11, Bộ Ngoại giao Nga thông báo thủ tục chính thức rút khỏi CFE đã hoàn tất. “Văn bản pháp lý quốc tế, vốn bị đất nước chúng tôi đình chỉ hiệu lực từ năm 2007, cuối cùng đã trở thành lịch sử đối với chúng tôi”, tuyên bố cho biết. Nga cho rằng hành động của Mỹ cũng như nỗ lực mở rộng thành viên NATO là nguyên nhân khiến Moscow rời khỏi thỏa thuận. Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Hiệp ước CFE ở dạng ban đầu đã không còn phù hợp với thực tế”.
Đối với Nga, việc NATO liên tục mở rộng về phía Đông là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của nước Nga. Chính vì thế, trong hơn 2 thập niên qua, Nga và NATO luôn có những mâu thuẫn trong vấn đề mở rộng khối của NATO. Trong đó, Ukraine từ lâu đã được xem là “vùng đệm” hết sức nhạy cảm về địa chính trị. Các chính quyền Ukraine trước đây đều phải cân bằng thật kỹ mối quan hệ với hai phía Đông (Nga) và Tây (châu Âu và Mỹ, NATO). Những lần “chệch hướng” trước đây đã gây ra biến động địa chính trị, như việc 2 nước cộng hòa ở miền Đông Ukraine tuyên bố độc lập và xin sáp nhập vào Nga và việc Nga tái sáp nhập bán đảo Crimea,...
Tuy nhiên, từ khi ông Volodymyr Zelensky lên làm tổng thống đã quay hẳn sang hướng Tây, nôn nóng thúc đẩy ý định gia nhập cả 2 khối EU và NATO - điều này đã vượt “lằn ranh đỏ” đối với nước Nga. Cùng với đó là những động thái không nhân nhượng từ phía EU và NATO, liên tục khích lệ ông Zelensky. Đây chính là mấu chốt của mọi sự xung đột, không chỉ là rút khỏi CFE, mà cả CNPT và các hiệp ước vũ khí hạt nhân quan trọng khác.