Mỹ Latinh: Khủng hoảng nước đe dọa bất ổn chính trị
Tình trạng thiếu nước ở mức báo động đang đe dọa sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia Mỹ Latinh. Đã xảy ra nhiều vụ việc xung đột giữa các nhóm nông dân, người da đỏ bản xứ và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, khai thác quặng mỏ. Giới chính trị các quốc gia Mỹ Latinh đang vào cuộc để giải quyết vấn đề.
Những cuộc “chiến tranh nước” thế kỷ 21
Khan hiếm nước đang là vấn nạn tại nhiều nước Mỹ Latinh. Tại Chile, hạn hán làm khô cạn nhiều hồ chứa nước khiến cho nguồn nước vốn đã thiếu hụt càng trở nên khan hiếm hơn. Người ta ước tính đến cuối năm 2021, hơn một nửa dân số nước này bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nước. Vào tháng 4-2022, lần đầu tiên trong lịch sử, thủ đô Santiago phải triển khai kế hoạch “khẩu phần” nước cho từng hộ dân. Hàng trăm cộng đồng dân cư ở nông thôn miền trung và Bắc Chile đang vật lộn với thiếu nước, phải dựa vào các xe bồn cung cấp nước có giới hạn. Nước đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia và luôn nằm ở tốp đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ, quốc hội. Năm 2019, hàng triệu người dân Chile đã biểu tình phản đối chính phủ, yêu cầu chính phủ phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiêu thụ nước.
Câu chuyện về khủng hoảng khan hiếm nước ngọt không phải bây giờ mới có mà đã xuất hiện ở khu vực Mỹ Latinh từ hơn 20 năm qua. Người ta còn nhớ như in sự kiện được gọi là cuộc “chiến tranh nước” đầu tiên trong thế kỷ 21 đã xảy ra tại Bolivia vào năm 2000. Khi đó, hàng ngàn người dân Bolivia từ thành phố Cochabamba biểu tình phản đối dữ dội việc tư nhân hóa dịch vụ cung cấp nước của thành phố. Cuộc biểu tình dẫn đến bạo lực khiến 1 người chết và hàng chục người bị thương, còn công ty cấp nước tư nhân thì bị đuổi khỏi địa phương. Cuộc “chiến tranh nước” đó cũng là tiền đề khủng hoảng chính trị và là một trong những yếu tố góp phần đưa ông Evo Morales lên làm Tổng thống Bolivia. Nhưng, khi ông Morales lên làm tổng thống rồi, thiếu nước vẫn là vấn đề “quốc nạn” chưa được giải quyết. Ông Morales cũng không thể hóa giải được “quốc nạn” thiếu nước khiến chính quyền do ông lãnh đạo đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm.
Đúng là biến đổi khí hậu, tình trạng thời tiết cực đoan, hạn hán là nguyên nhân quan trọng nhất làm cho nước ngày càng thiếu hụt trầm trọng ở khu vực Mỹ Latinh. Nhưng, cách con người quản lý tình trạng này cũng góp phần không nhỏ làm cho nó trở nên tồi tệ hơn. Việc tư nhân hóa cung cấp nước đã làm nảy sinh bất ổn chính trị, xã hội tại nhiều nơi.
Tại nhiều quốc gia trong khu vực, như Chile, Bolivia, Ecuador..., hiến pháp xem nước như một tài sản mà tư nhân có quyền sở hữu. Từ quy định đó, người ta bắt đầu cho phép tư nhân được quyền tự do khai thác và cung cấp nước ngọt, nước sinh hoạt. Tại Chile, hồ nước du lịch nổi tiếng Aculeo gần thủ đô Santiago bị khai tử từ năm 2018 là điển hình của tư nhân hóa nguồn nước. Các doanh nghiệp tư nhân được quyền khai thác các nguồn nước dẫn vào hồ đã làm một việc tai hại là chuyển dòng chảy sang những khu vực khác phục vụ sản xuất. Cùng với biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số sử dụng và khai thác nước cho các mục đích kinh tế khác đã khiến hồ Aculeo cạn kiệt trong vòng chưa tới 10 năm.
Trong guồng quay của cuộc khủng hoảng khan hiếm nước, sự cạnh tranh tiêu thụ nước từ các doanh nghiệp khai thác quặng mỏ làm cho tình trạng khan hiếm nước trở nên ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Không chỉ tiêu thụ nguồn nước phục vụ cho hoạt động khai khoáng, các doanh nghiệp này còn làm ô nhiễm nguồn nước còn lại làm cho nước không sử dụng được. Nhiều cuộc biểu tình, đụng độ bạo lực giữa cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp khai khoáng cũng từ đó mà ra và đã có nhiều người chết trong các cuộc “chiến tranh nước” như thế.
Ở đây còn có sự bất bình đẳng trong quyền tiếp cận nguồn nước tại nhiều quốc gia. Chẳng hạn ở Ecuador, giới nhà giàu chỉ chiếm 1% dân số nhưng nắm quyền kiểm soát 64% nguồn nước ngọt. Tại Chile, quốc gia đầu tiên trên thế giới tư nhân hóa dịch vụ cung cấp nước, một bộ phận người dân nước này không thể tiếp cận nguồn nước ngọt, tạo ra lỗ hổng lớn trong xã hội.
Giới chính trị vào cuộc
Dưới thời Tổng thống Morales, tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán được giảm thiểu khá tốt nhờ các chương trình, kế hoạch hành động hiệu quả của Chính phủ Bolivia nhưng tình trạng khan hiếm nước ở quốc gia cao nhất khu vực này vẫn chưa được cải thiện. Cho đến nay, thiếu nước vẫn tiếp tục là “quốc nạn” bất chấp “quyết tâm chính trị” của các chính khách.
Trong khi đó, tại Chile, tổng thống mới nhậm chức Gabriel Boric, tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Chile (mới 36 tuổi), đã mang lại hy vọng mới cho người dân với lời hứa hẹn xây dựng tương lai xanh cho đất nước, nhấn mạnh việc bảo vệ và phục hồi các chu kỳ tuần hoàn nước cho sự sống. Ông Boric đã cho thấy quyết tâm thực hiện lời hứa của mình bằng việc bổ nhiệm nhà khoa học về khí hậu Maisa Rojas làm Bộ trưởng Môi trường.
Bà Rojas được biết đến là một nhà khoa học rất tâm huyết với hoạt động chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Bà đã cùng một số nhà khoa học Chile viết tâm thư gửi đăng trên tờ tạp chí Nature của Anh bày tỏ lo ngại nếu ứng cử viên từ chối chống biến đổi khí hậu thắng cử. Khi tham gia vào nhóm làm việc về biến đổi khí hậu tại hội nghị COP26, bà Rojas đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Với cương vị Bộ trưởng Môi trường của Chile, bà Rojas cho biết sẽ rất khó để đáp ứng kỳ vọng của mọi người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhất là việc giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu nước ở Chile hiện nay. Nhưng, bà cũng tuyên bố sẽ cố gắng hết sức.