Mất Hassan Nasrallah là tổn thất lớn của Hezbollah
Sau khi Tổng Thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel hôm 27/9, mọi sự chú ý dồn vào 2 phó tướng của ông là Safieddine và Naim Qassem như những ứng cử viên thay thế. Nhưng, sẽ chẳng ai trong 2 nhân vật này đủ khả năng lấp đầy khoảng trống mênh mông mà Nasrallah để lại.
80 quả bom và “trái tim” Hezbollah ngừng đập
Chiều 27/9, Israel cho biết đã tiêu diệt lãnh tụ tối cao của Hezbollah, Tổng thư ký Hassan Nasrallah trong một cuộc không kích vào ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut của Lebanon. Ít giờ sau thông báo đó, đến lượt Hezbollah xác nhận nhà lãnh đạo của họ đã thiệt mạng.
Theo Báo Wall Street Journal, kế hoạch tấn công của Israel đã bắt đầu từ nhiều tháng trước. Khi đó, các chỉ huy quân đội nước này bắt đầu được giao thảo luận về cách xuyên thủng một boong-ke ngầm kiên cố ở phía Nam Beirut bằng một loạt vụ nổ được hẹn giờ, mỗi vụ sẽ mở đường cho vụ nổ tiếp theo.
Và, đến khoảng hơn một tuần gần đây, kế hoạch ném bom đó đã được xác nhận là nhằm tiêu diệt Hassan Nasrallah. Các quan chức Israel cho biết thời điểm chính xác của cuộc tấn công là một cơ hội lóe lên trong khoảnh khắc, sau khi thông tin tình báo cho biết về cuộc họp của Tổng thư ký Hezbollah cùng các chỉ huy của lực lượng này vài giờ trước khi nó diễn ra.
Israel đã quyết định tấn công khi các điệp viên xác nhận thêm rằng thủ lĩnh Hezbollah sẽ sớm chuyển đến một địa điểm khác. Hơn 80 quả bom liên tiếp trút xuống một tòa nhà nằm trong khu dân cư lao động đông đúc ở phía Nam Beirut, nơi có boongke ngầm sâu 18 mét dưới lòng đất mà ông Nasrallah sử dụng làm phòng họp cùng các chỉ huy Hezbollah.
Khi những tiếng nổ như sấm rền kết thúc, một cột khói màu cam lớn bốc lên trên bầu trời chạng vạng của Beirut. Và, Hassan Nasrallah - nhà lãnh đạo 64 tuổi từng dẫn dắt Hezbollah trong hơn 3 thập kỷ đã thiệt mạng.
Cái chết của ông Nasrallah là một đòn chí tử nữa giáng vào Hezbollah, sau khi lực lượng này liên tiếp bị Israel tấn công trên nhiều mặt trận, từ hàng nghìn vụ nổ thiết bị cầm tay khiến các thành viên của họ bị thương hoặc thiệt mạng cho đến các cuộc không kích giết chết những chỉ huy quân sự hàng đầu.
Chỉ trong vòng 2 tháng, Israel đã tiêu diệt chỉ huy quân sự cấp cao của Hezbollah Fuad Shukr và Ibrahim Aqil - chỉ huy lực lượng biệt kích tinh nhuệ của họ. Cả hai đều là những cựu chiến binh đáng tin cậy ở độ tuổi 60 đã giúp Nasrallah xây dựng và chỉ đạo Hezbollah trong nhiều thập kỷ.
Những đòn tấn công dữ dội của Israel xóa sổ gần như toàn bộ một thế hệ lãnh đạo Hezbollah. Nhưng, mất mát lớn nhất dĩ nhiên vẫn là cái chết của ông Nasrallah. “Nasrallah là trái tim của Hezbollah”, Fawaz Gerges, một học giả về Trung Đông và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London, bình luận. “Mất ông ấy một thiệt hại vượt quá sức chịu đựng của tổ chức này”.
Biểu tượng cho sự lớn mạnh của Hezbollah
Đối với những người ngưỡng mộ ông, Nasrallah gần như là một nhân vật cứu thế, nhà lãnh đạo tôn kính nhất của những tín đồ Hồi giáo Shiite tại Lebanon.
Sinh ra ở phía Đông Beirut vào năm 1960 trong một gia đình Shiite bán rau nghèo khó, Nasrallah trải qua thời thơ ấu và những năm đầu thiếu niên ở trường công trước khi đăng ký vào một chủng viện Shiite ở thị trấn Baalbek của Lebanon khi mới 16 tuổi.
Ông đã hình thành tư tưởng chấn hưng Shiite - một nhóm thiểu số bị hạn chế nhiều về cả chính trị lẫn kinh tế bởi hệ thống giáo phái của Lebanon - trong khi học tập tại Najaf, Iraq, tại một chủng viện thuộc về Ayatollah al-Sadr, giáo sĩ nổi tiếng đã bị Tổng thống Iraq Saddam Hussein hành quyết.
Năm 1978, Nasrallah cũng bị trục xuất cùng với những sinh viên Lebanon khác vì hoạt động tôn giáo bị nhà chức trách sở tại xem là cực đoan. Nhưng, một mối quan hệ từ thời đó vẫn tồn tại: tình bạn của ông với Ruhollah Khomeini, người sau này trở thành lãnh tụ tối cao của Iran.
Khi Israel đưa quân vào Lebanon năm 1982, Nasrallah đã gia nhập một phong trào gồm nhiều nhóm vũ trang Shiite Lebanon khác nhau cùng chung tay đấu tranh chống lại sự chiếm đóng của Israel. Những nhóm này nhận được sự hỗ trợ từ Iran và sau đó được Iran hợp nhất thành Hezbollah vào năm 1985.
Là một học giả Hồi giáo có trình độ, một diễn giả công chúng hiệu quả và một nhà tổ chức có năng lực, Nasrallah đã tích lũy được kinh nghiệm lãnh đạo trong cuộc chiến lâu dài chống lại quân đội Israel và các lực lượng hỗ trợ địa phương của họ ở phía Nam Lebanon. Năm 1992, ông trở thành Tổng thư ký mới của Hezbollah sau khi người tiền nhiệm Abbas al-Musawi bị Israel ám sát.
Trong 3 thập kỷ dưới sự dẫn dắt của Nasrallah, Hezbollah đã phát triển từ một lực lượng dân quân trở thành đảng chính trị có ảnh hưởng lớn trong Chính phủ Lebanon. Ông cùng Hezbollah bền bỉ chiến đấu chống lại Israel một cách hiệu quả, dẫn tới việc quân đội Israel phải triệt thoái khỏi Lebanon năm 2000, một sự kiện mang lại cho Hezbollah và Nasrallah sự ca ngợi ở Trung Đông nói riêng và thế giới Hồi giáo nói chung, bất chấp sự thù địch giáo phái lịch sử giữa người Hồi giáo Sunni chiếm đa số và người Hồi giáo Shia thiểu số.
Đối với Nasrallah, cuộc chiến chống lại Israel còn có cả nỗi đau cá nhân. Người con trai cả của ông, Hadi đã hy sinh khi chiến đấu với lực lượng Israel ở miền Nam Lebanon năm 1997 khi mới 18 tuổi. Israel đã giữ thi thể của Hadi và đến năm 2024 mới trả lại hài cốt cho gia đình Nasrallah như một phần của cuộc trao đổi tù nhân.
Cái chết của con trai cũng củng cố thêm danh tiếng của Nasrallah như một nhà lãnh đạo đau khổ cùng người dân của mình; số phận của gia đình ông gắn liền với Hezbollah. 2 chị gái của ông đã kết hôn với các quan chức cấp cao của Hezbollah - một người là Imad Mughniyeh, người bị cáo buộc dàn dựng vụ đánh bom giết chết hàng trăm lính Mỹ vào năm 1983.
Nasrallah vì thế được những người theo dòng Shiite ở Lebanon thần tượng, được hàng triệu người khác trên khắp thế giới Arab và Hồi giáo kính trọng. Ông nhận danh hiệu sayyid, một danh hiệu tôn kính nhằm biểu thị dòng dõi giáo sĩ Shiite có từ thời nhà tiên tri Muhammad, người sáng lập đạo Hồi.
Những người ủng hộ Nasrallah dán hình ông lên các tấm biển quảng cáo, trưng bày trong những bức ảnh đóng khung tại nhà và trên móc chìa khóa. Họ nghe đi nghe lại những bài phát biểu chiến thắng của ông. Các ngôi sao nhạc pop hát về những chiến công của Nasrallah trong cuộc chiến với Israel. Một số người thậm chí còn sưu tầm những chiếc áo choàng mà ông đã mặc. Với họ, cái tên Nasrallah đồng nghĩa với những giá trị cao quý nhất.
Ai thay thế được Nasrallah?
Ngay cả người Israel, những người coi Hassan Nasrallah là kẻ thù, cũng thừa nhận tầm quan trọng đặc biệt của ông. Một quan chức cấp cao của Israel, phát biểu tại New York, cho biết cái chết của Nasrallah sẽ giáng một đòn chí tử vào Hezbollah và Iran. “Sự lãnh đạo mạnh mẽ của ông ấy khác biệt”, vị quan chức này cho biết. “Một số người là không thể thay thế”.
Việc tìm ra người kế nhiệm Nasrallah là vô cùng khó khăn, dù chắc chắn Hezbollah vẫn phải chọn ra một nhân vật thay thế nhà lãnh đạo 64 tuổi dẫn dắt tổ chức. 2 cái tên lập tức được đưa lên bàn cân sau cái chết của Nasrallah là Hashem Safieddine - người đứng đầu Hội đồng Điều hành của Hezbollah và Naim Qassem - Phó Tổng thư ký Hezbollah. Trong đó, Safieddine hay còn gọi là Hashem Safi Al-Di được đánh giá nhỉnh hơn. Nhà lãnh đạo sinh năm 1964 là anh em họ của Nasrallah và học thần học cùng với Nasrallah tại Najaf (Iraq) cũng như Qom (Iran). Cả hai đều gia nhập Hezbollah vào những ngày đầu của tổ chức.
Safieddine cũng xuất thân từ một gia đình Shiite được kính trọng, nơi đã sản sinh ra các học giả tôn giáo và các nghị sĩ Lebanon, trong khi anh trai của ông là Abdullah làm đại diện của Hezbollah tại Iran. Safieddine có mối quan hệ rất chặt chẽ với Iran; con trai ông, Redha kết hôn với con gái của Qassem Soleimani - vị tướng hàng đầu Iran đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ vào năm 2020.
Những yếu tố kể trên khiến Safieddine trở thành ứng cử viên sáng giá hơn cho việc kế vị Nasrallah. Nhưng, để dẫn dắt Hezbollah trước mắt vượt qua được giai đoạn khó khăn này và sau đó hồi phục danh tiếng cũng như sức mạnh là nhiệm vụ vô cùng khó. Safieddine cũng như Phó Tổng thư ký Naim Qassem đều không có được sức lôi cuốn quần chúng mạnh mẽ như Nasrallah, đồng thời cũng chưa thực sự chuẩn bị cho sự thay thế nhà lãnh đạo xuất sắc này.
Đáng nói hơn, Safieddine hay bất cứ ai bước lên tiếp quản Hezbollah bây giờ đều phải đáp ứng được điều kiện quan trọng nhất: bảo toàn mạng sống. Bởi, sau cái chết của lãnh tụ Nasrallah, máy bay chiến đấu Israel vẫn tấn công dữ dội các mục tiêu của Hezbollah trên khắp Lebanon, bao gồm cả vùng ngoại ô phía Nam Beirut.
Cuối tuần trước, thành viên cấp cao của tình báo Hezbollah là Hassan Khalil Yassin cũng đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel. Đến Chủ nhật, quân đội Israel cho biết họ hạ sát thêm một thủ lĩnh hàng đầu khác là Nabil Kaouk, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương của Hezbollah. Sau Yassin và Kaouk sẽ đến lượt ai nữa? Câu trả lời nằm ở tuyên bố của phát ngôn viên quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, khi ông này khẳng định Israel sẽ không dừng lại cho đến khi nào “loại bỏ và tiêu diệt hết các chỉ huy của Hezbollah”.