Hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ: Mở rộng những cánh cửa

Thứ Tư, 13/09/2023, 09:50

Chuyến thăm lịch sử của đương kim Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam đã khép lại, với điểm nhấn là sự kiện nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện. Bước tiến này được kỳ vọng sẽ tạo nên “cơ hội chưa từng có” để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới mang tính đột phá, xây dựng nội lực, đưa nền kinh tế Việt Nam thực sự góp mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Những dấu ấn trên một chặng đường dài

Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là sự tiếp nối truyền thống gần 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, với nhiều dấu ấn phát triển về hợp tác kinh tế.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ được thiết lập năm 2013. Như Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định, chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Joe Biden tiếp tục thể hiện sự coi trọng của Hoa Kỳ trong mối quan hệ với Việt Nam, có ý nghĩa không chỉ để hai nước nhìn lại những thành tựu, mà còn để cùng nhau tiếp tục phát triển mối quan hệ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, để đạt được sự thịnh vượng chung.

Hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ: Mở rộng những cánh cửa  -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hợp tác kinh tế và thương mại luôn được coi là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vì sự thịnh vượng chung. Thương mại song phương giữa hai nước đã phát triển vượt bậc trong gần 3 thập kỷ qua, với đầu tư song phương lên tới hàng tỷ USD. Thương mại hàng hóa Việt Nam - Hoa Kỳ vượt 138 tỷ USD vào năm 2022 - một sự phát triển đáng chú ý từ việc gần như không có liên kết kinh tế trước khi quan hệ được thiết lập cách đây 28 năm. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng thương mại luôn ở mức hai con số.

Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam liên tục tăng và đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng đang trở thành xu thế. Hoa Kỳ hiện là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam, như dệt may, giày dép và điện tử. Việt Nam mua các sản phẩm của Hoa Kỳ như bông và đậu nành, đồng thời thu hút đầu tư của các công ty lớn từ Hoa Kỳ. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, là hai trong 14 đối tác khởi động Khuôn khổ Kinh tế thịnh vượng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), Việt Nam và Hoa Kỳ hiện đang đạt được tiến bộ trong việc hoàn thiện văn bản về cả 4 trụ cột của IPEF.

Nhìn lại chặng đường đã qua, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương đánh giá: “Từ thời điểm năm 1994, khi Hoa Kỳ chính thức gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, một trang mới về hợp tác kinh tế, thương mại trong tổng thể quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được bắt đầu.

Hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương (năm 2000); Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (năm 2006); hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (năm 2007)... trong đó Hiệp định Thương mại song phương (BTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 10/12/2001 đã đặt nền móng quan trọng, có tính chất khai mở, giúp tạo chuyển biến trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ một cách thực chất và mạnh mẽ.

Trải qua gần 30 năm từ thời điểm đó, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều liên tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD lên tới 124 tỷ USD (năm 2022).

Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới”.

Hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ: Mở rộng những cánh cửa  -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Còn theo một chuyên gia quốc tế uy tín về Việt Nam - giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales: “Từ khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013, Việt - Mỹ đã tập trung vào 9 lĩnh vực hợp tác, gồm chính trị - ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, môi trường và sức khỏe, vấn đề di sản chiến tranh, quốc phòng - an ninh, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, văn hóa, du lịch và thể thao. Các lĩnh vực này đều chứng kiến những tiến bộ đáng chú ý, trong đó thương mại và kinh tế là động lực chính”.

Giai đoạn 2020-2022, Hoa Kỳ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ.

Sự khai mở những triển vọng mới

Từ tháng 4/2023, phát biểu với báo chí, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Anthony Blinken đã nhấn mạnh: Quan hệ với Việt Nam là một trong những mối quan hệ năng động và quan trọng nhất của Hoa Kỳ, trong thời điểm hiện tại. Điều này đã một lần nữa được khẳng định qua chuyến thăm của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden - người đứng đầu Nhà Trắng thứ năm liên tiếp công du chính thức tới Việt Nam.

Về quan hệ đầu tư, nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hoa Kỳ hiện xếp thứ 11/142 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 1.223 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 11,4 tỷ USD.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ coi Việt Nam là thị trường chiến lược với cam kết đầu tư dài hạn, ủng hộ mạnh mẽ các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao... Nhiều đoàn doanh nghiệp rất lớn của Mỹ đã đến Việt Nam và đưa ra thông điệp đáng tin cậy về xu hướng các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, như Tập đoàn General Electric (GE), các hãng Intel, Nike Exxon Mobil, Amazon, Coca Cola, Google, Facebook, Paypal, Visa...

Hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ: Mở rộng những cánh cửa  -0
Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương.

Hoa Kỳ nằm trong top 10 quốc gia mà Việt Nam có dự án đầu tư. Gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam ngày càng quan tâm đầu tư vào Hoa Kỳ và được phía Hoa Kỳ đánh giá cao.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra: “Một đặc điểm rất quan trọng cần nhắc đến trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đó là tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế. Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử...

Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ được đánh giá là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, cung cấp các sản phẩm nguồn như bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ... để đáp ứng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế”.

Ông nhận định: "Sự kiện này (chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam) sẽ thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...”.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, lợi ích mang lại trước hết là hoạt động xuất khẩu. Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử... được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.

Không chỉ vậy, trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện. Sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững. "Đây là cơ hội lớn. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu" - Bộ trưởng Bộ Công thương nhận xét.

Hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ: Mở rộng những cánh cửa  -0
Dây chuyền sản xuất của Foxconn - một doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ - tại Việt Nam.

Ở một góc nhìn khác, ông Frederick Burke - nhà tư vấn cấp cao tại hãng luật Baker & McKenzie, người có hơn 30 năm sống và làm việc tại Việt Nam - khẳng định: Những lợi thế chiến lược của Việt Nam là chiều sâu và tầm quan trọng của danh mục đầu tư kinh tế. “Việt Nam kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, từ sản xuất-xuất khẩu trong nền kinh tế toàn cầu, cho đến các mặt hàng nông sản và hàng hóa có khối lượng lớn, thậm chí cả dịch vụ kỹ thuật số” - ông đánh giá và đúc kết: “Đối với chúng ta, những người đã tham gia xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong gần 30 năm qua, những con số khổng lồ về xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư, chưa kể đến sự thấu hiểu và mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, đã khá là tốt đẹp”.

Thực tế đã, đang và sẽ còn cho thấy, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung và kinh tế-thương mại-đầu tư nói riêng ngày càng phát triển, nhờ sự chia sẻ những lợi ích ngày càng rộng lớn; với tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai" và thái độ đối thoại chân thành, thẳng thắn, xây dựng từ cả hai phía, dựa trên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; đồng thời được đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam là rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập sâu rộng với thế giới, coi trọng quan hệ với các nước lớn, các đối tác quan trọng, cũng như của nhiều tổ chức, diễn đàn hợp tác khác.

Mây Linh
.
.
.