GCC: Bảo hộ Mỹ hay miếng bánh kinh tế Trung Quốc

Thứ Hai, 17/01/2022, 09:56

Ngày 10-1, phái đoàn từ 4 quốc gia Vùng Vịnh đến Trung Quốc để tăng cường quan hệ đối tác kinh tế. Về mặt kinh tế, cách tiếp cận này mang lại rủi ro cho các quốc gia Vùng Vịnh mà an ninh của họ vẫn phụ thuộc vào Mỹ.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một phái đoàn gồm 4 ngoại trưởng của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đến thăm Trung Quốc.

Đến Bắc Kinh vào ngày 10-1, những người đứng đầu ngành ngoại giao Arab Saudi, Kuwait, Oman và Bahrain ở đó cho đến ngày 14-1 để thảo luận về thương mại và hiệp ước thương mại tự do.

“Khác với các cuộc thảo luận thông thường trong một chuyến thăm thông thường, chuyến thăm tập thể chưa từng có tiền lệ này của các nước GCC có thể sẽ mang lại tuyên bố về hợp tác song phương thiết thực hoặc tiến bộ lớn trong việc đàm phán một hiệp ước thương mại tự do”, nhà nghiên cứu Yin Gang tại Viện Nghiên cứu Tây Á và châu Phi thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nói với Global Times.

GCC: Bảo hộ Mỹ hay miếng bánh kinh tế Trung Quốc -0
Phái đoàn GCC đàm phán với các quan chức Trung Quốc.

Các nền quân chủ dầu mỏ Vùng Vịnh có thể đảm bảo thị trường mới cho dầu và khí đốt tự nhiên của họ ở một nước Trung Quốc đói năng lượng, trong khi Bắc Kinh có thể mở ra thị trường mới tới các nước Vùng Vịnh để bán hàng hóa và dịch vụ của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và công nghệ cao.

Bảo đảm an ninh Mỹ “không đáng tin cậy”?

Tuy nhiên, chuyến thăm này vượt ra ngoài khuôn khổ đơn thuần của quan hệ thương mại. Haoues Taguia, một chuyên gia về vịnh Ba Tư tại Trung tâm Al Jezira ở Doha, giải thích với Sputnik rằng đây là một phần bối cảnh biến chất của động lực địa chiến lược ở Trung Đông. “Hoa Kỳ đang tập trung ít hơn vào Trung Đông và nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc. Sự chuyển trục về phía châu Âu của Mỹ đã khiến nước này giảm sự hiện diện và cam kết ở các nước Vùng Vịnh”, chuyên gia Taguia giải thích.

Sự rút lui này của Mỹ là nguồn gốc kép gây lo ngại cho các nước Vùng Vịnh. Đặc biệt đối với Arab Saudi, cường quốc lớn nhất trong khu vực. Năm 1945, trên cầu tàu tuần dương Quincy, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt và người sáng lập Vương quốc Arab Saudi, Abdelaziz ibn Saoud, đã ký Hiệp ước Quincy: Vương quốc Arab Saudi đảm bảo cung cấp năng lượng cho Mỹ, đổi lại sự đảm bảo an ninh từ Washington.

Tuy nhiên, ở nhiều khía cạnh, hiệp ước này không còn có nhiều ý nghĩa nữa, theo chuyên gia Taguia. Hoa Kỳ ngày nay từ đáp ứng gần 75% nhu cầu năng lượng của họ. Họ không còn phụ thuộc vào vàng đen của Arab Saudi. Washington nhập khẩu trung bình 1.774 thùng dầu thô Arab Saudi mỗi ngày trong năm 2003. Lượng mua này giảm xuống còn 522 thùng/ngày vào năm 2020.

Ngoài ra, một số nước trong khu vực đặt câu hỏi về độ tin cậy của ô khu vực Mỹ. “Chúng ta đã thấy cuộc tấn công vào một cơ sở của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Arab Saudi, Aramco vào năm 2019, được cho là do Iran thực hiện. Tuy nhiên, chính quyền Trump khi đó từ chối trừng phạt Iran và tấn công trả đũa”, chuyên gia Taguia lưu ý. Ông nói thêm: “Do đó, các nước Vùng Vịnh không có sự chắc chắn rằng những đảm bảo của Hoa Kỳ là đáng tin cậy đối với an ninh của họ”. Nhận thấy tình hình mới này, các nước Vùng Vịnh “hiện đang cố gắng đa dạng hóa các đối tác kinh tế của họ. Và vì Trung Quốc là một cường quốc, đặc biệt là về cấp độ kinh tế, các nước Vùng Vịnh đang dần cố gắng tiến gần hơn”.

Không đẩy Trung Quốc vào “vòng tay của Iran”

Xu hướng này không phải là mới: vào năm 2019, Arab Saudi đã trở thành nước xuất khẩu dầu hàng đầu sang Trung Quốc. 15,9% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Arab Saudi. Với các quốc gia Vùng Vịnh khác, động lực cũng tương tự: thương mại giữa Bắc Kinh và các nước GCC đã vượt quá 180 tỷ USD vào năm 2019, chiếm 11% kim ngạch ngoại thương của GCC. Vào năm 2020, Trung Quốc đã thay thế EU trở thành đối tác thương mại hàng đầu của GCC. Vào năm 1990, khi quan hệ ngoại giao lần đầu tiên được thiết lập giữa Arab Saudi và Trung Quốc, thương mại giữa Trung Quốc và GCC chưa đến 1,5 tỷ USD, tức chỉ bằng 1% tổng khối lượng thương mại Vùng Vịnh.

GCC: Bảo hộ Mỹ hay miếng bánh kinh tế Trung Quốc -0
Năng lượng luôn là con bài chiến lược của GCC.

Việc nhân rộng quan hệ với Trung Quốc cũng phục vụ lợi ích địa chiến lược cho các nước GCC. Thật vậy, “một thỏa thuận khả thi với Bắc Kinh cũng sẽ là một phản ứng đối với thỏa thuận 25 năm đã ký giữa Trung Quốc và Iran”, chuyên gia Haoues Taguia nói. Trên thực tế, Tehran và Bắc Kinh đã ký vào năm 2021 một “thỏa thuận hợp tác chiến lược”, ước tính khoảng 400 tỷ USD. Mối quan hệ đối tác giúp củng cố Iran, đối thủ trong khu vực của Arab Saudi. “Các nước Vùng Vịnh đang cố gắng gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Iran. Họ mang lại cơ hội cho Trung Quốc, để ngăn chặn nước này hoàn toàn bị đẩy vào vòng tay của Iran và tránh việc hai nước này hợp tác trên tất cả các vấn đề khu vực và địa chiến lược”, chuyên gia Taguia phân tích.

Trong khi mối quan hệ của các thành viên GCC với Trung Quốc có lợi về mặt kinh tế và chiến lược nhưng mối quan hệ này có thể khiến họ rơi vào tình thế khó khăn. “Các nước Vùng Vịnh cần sự đảm bảo an ninh của Mỹ, ngay cả khi Washington không còn mạnh như trước”, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Doha nhắc lại. Ông tiếp tục: “Ngày nay, không ai có thể thay thế Washington trong vai trò này, ngay cả Trung Quốc”. Đồng thời, đối với các nước Vùng Vịnh, “lời hứa về tăng trưởng kinh tế với Trung Quốc vẫn còn xa vời”. Tuy nhiên, hiện nay đã có “một cuộc chiến tranh kinh tế và địa chiến lược gần như công khai giữa Bắc Kinh và Washington. “Nếu xung đột tiến tới một giai đoạn mới thì các nước Vùng Vịnh phải làm gì khi Hoa Kỳ yêu cầu họ chọn phe? Đó là một vấn đề lớn, bởi vì tăng trưởng kinh tế với Bắc Kinh nhưng an ninh với Washington. Đối với họ, đây là vấn đề nan giải của thế kỷ này”, chuyên gia Haoues Taguia kết luận.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.
.