G20 khẳng định tầm ảnh hưởng mới của Ấn Độ

Thứ Sáu, 15/09/2023, 10:54

Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) trong 2 ngày 9 và 10/9 vừa qua đã khép lại thành công mỹ mãn, với một tuyên bố chung được mong đợi nhất và nhiều kết quả khác. Hội nghị đã đánh dấu tầm ảnh hưởng mới của Ấn Độ trên sân chơi toàn cầu.

Tuyên bố chung tạo nên thắng lợi cho Nga

Các nhà ngoại giao Ấn Độ đã làm việc trong 200 giờ đàm phán không ngừng nghỉ, 300 cuộc gặp song phương và 15 bản dự thảo. Kết quả cuối cùng là các nước G20 đã đạt được một tuyên bố đồng thuận về cuộc chiến ở Ukraine, trong đó phần lớn rút lại các ngôn từ cứng rắn lên án Nga trong tuyên bố chung tại Bali vào năm ngoái. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết những bất đồng về cuộc chiến Nga-Ukraine có nguy cơ lần đầu tiên cản trở sự đồng thuận chung đã được giải tỏa.

1_image001.jpg -0
Đoàn chủ nhà Ấn Độ tại hội nghị

Phát biểu tại phiên họp buổi chiều của Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Delhi, Thủ tướng Modi cho biết ông “nhờ sự làm việc chăm chỉ của các nhóm của chúng tôi và sự hợp tác của các bạn, các nhà lãnh đạo tại G20 tại Hội nghị thượng đỉnh New Delhi đã đạt được sự đồng thuận về tuyên bố chung”. Ông nói điều đó có nghĩa là G20 năm nay được xem là “tham vọng nhất trong lịch sử G20. Với 112 kết quả và tài liệu của Chủ tịch G20 được ban hành, chúng ta đã tăng hơn gấp đôi công việc thực chất so với các nhiệm kỳ chủ tịch trước đây”.

Mấu chốt quan trọng là ngôn ngữ xung quanh vai trò của Nga trong cuộc chiến Ukraine đã được làm dịu đi đáng kể so với năm ngoái. Tất cả những cụm từ đề cập đến Nga, như “sự hung hăng của Nga” và “yêu cầu Nga rút quân” được nêu trong tuyên bố chung năm ngoái tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali đều bị xóa bỏ. Thay vào đó, tuyên bố nhấn mạnh rằng các quốc gia phải “kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giành lãnh thổ” và “việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được”.

Ông Amitabh Kant, đại diện của Ấn Độ tại nhóm G20, cho biết đã có “100% sự đồng thuận từ tất cả các nước” đối với tất cả 83 đoạn trong tuyên bố. Theo ông Kant, để đạt được sự đồng thuận, đã phải trải qua hơn 200 giờ “đàm phán rất khó khăn”. Ông Kant cho biết Brazil và Nam Phi, hai chủ tịch tiếp theo của G20, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Nga cũng như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico đồng ý với ngôn ngữ trong tuyên bố chung này.

Tuyên bố chung G20 đánh dấu một thắng lợi lớn cho Ấn Độ, quốc gia giữ chức chủ tịch G20 năm nay. Đây là một năm đặc biệt thách thức đối với nhóm đại diện cho các nền kinh tế lớn nhất thế giới, vì Nga và Trung Quốc đã tỏ ra không khoan nhượng trong các cuộc thảo luận xung quanh các vấn đề như cuộc chiến Ukraine, khí hậu và năng lượng, làm chệch hướng các nỗ lực đạt được sự đồng thuận trong các cuộc họp cấp bộ trưởng trước đó.

Cho đến tối 8/9, vẫn chưa có thỏa thuận nào về cách đề cập đến cuộc chiến Ukraine trong tuyên bố chung và phần trong dự thảo liên quan đến “tình hình địa chính trị” vẫn để trống. Các nước châu Âu muốn sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ để lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine nhưng Nga và Trung Quốc phản đối bất kỳ sự đề cập nào đến cuộc chiến. Phái đoàn Trung Quốc cũng đã phản đối việc Mỹ giữ chức chủ tịch G20 vào năm 2026. Vào sáng ngày 9/9, các quan chức Ấn Độ đã gửi một đoạn văn bản soạn thảo liên quan đến xung đột Ukraine tới các nhà lãnh đạo G20 và cuối cùng đã được tất cả các thành viên chấp nhận.

Bất chấp sự leo thang về ngôn ngữ ở Ukraine, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, gọi tuyên bố này là một “cột mốc quan trọng” và nói rằng đó là “một cuộc bỏ phiếu tin tưởng rằng G20 có thể cùng nhau giải quyết một loạt vấn đề cấp bách”. Kết quả đó phản ánh quyết tâm của Ấn Độ không đứng về bên nào trong cuộc chiến. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko chỉ trích tuyên bố chung G20, gọi đó là “không có gì đáng tự hào”.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hoan nghênh tuyên bố chung G20, khẳng định đây là một thắng lợi ngoại giao đối với Nga, đồng thời cho rằng tuyên bố này "phản ánh đầy đủ lập trường của chúng tôi".

Ông cho biết ông không mong đợi các nước phương Tây sẽ đồng ý với tuyên bố này, sau khi phái đoàn Nga và Trung Quốc nói rõ rằng họ không còn chấp nhận cách diễn đạt dùng để lên án việc xâm lược Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái.

“Có lẽ đó là tiếng nói lương tâm của họ”, ông Lavrov nói. “Thành thật mà nói, chúng tôi không mong đợi điều đó. Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ cách diễn đạt của mình trong văn bản”.

Ông cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy Nam bán cầu sẽ không còn mù quáng đi theo các cường quốc phương Tây nữa. “Họ không muốn bị yêu cầu phải tuân theo công thức Zelenskiy”, ông Lavrov nói. “Điều này là thiếu tôn trọng đối với các nước đang phát triển. Đây là chủ nghĩa thực dân mới từ các nước phương Tây và lần này họ đã thất bại”.

G20 khẳng định tầm ảnh hưởng mới của Ấn Độ -0
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Mỹ và các nước EU, những nước đã chi hàng tỷ USD để trang bị vũ khí cho Ukraine chống lại Nga và tiếp tục lên án Nga, khẳng định thỏa thuận này là một bước tiến trong việc thúc đẩy hòa bình trong khu vực. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 10/9 cho biết Hội nghị thượng đỉnh G20 đã “gửi thông điệp hòa bình trong khi Nga vẫn đang tiến hành cuộc chiến ở Ukraine” và đã “xác nhận sự cô lập của Nga”. “Thành thật mà nói, G20 không phải là diễn đàn để thảo luận chính trị”, ông Macron nói. “Đây không phải là nơi chúng ta sẽ thấy một số diễn biến lớn dựa trên tình hình thực tế”.

Thỏa thuận về khí hậu

Trong số các vấn đề khác được đề cập trong tuyên bố chung là các thỏa thuận xung quanh tài trợ khí hậu, nợ toàn cầu, cải cách các thể chế như Ngân hàng Thế giới và một “hiệp ước phát triển xanh” mới giữa các quốc gia thành viên. Tuyên bố cũng phê chuẩn Liên minh châu Phi chính thức gia nhập G20, sau khi Ấn Độ đưa ra lời mời tham gia nhóm trong nhiệm kỳ chủ tịch của nước này.

Ông Kant cho biết tuyên bố này là “tài liệu đầy tham vọng nhất về hành động vì khí hậu” cho đến nay, với các cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030 và tuyên bố rằng các nước đang phát triển sẽ cần nguồn tài trợ 5,9 nghìn tỷ USD để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Tuy nhiên, không có ngôn ngữ mới nào về nỗ lực của G20 nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, khi các quốc gia thành viên - nơi có 93% nhà máy điện than đang hoạt động trên thế giới - chỉ cam kết “giảm dần” việc sử dụng than. Nhiều nhà lãnh đạo G20 muốn nhấn mạnh rằng các cam kết về môi trường đã đạt được tiến bộ. Vào sáng 10/9, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã cam kết số tiền kỷ lục 2 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh, tiếp nối cam kết của các nhà lãnh đạo G20 nhằm tăng cường tài trợ cho khí hậu. Tuy nhiên, tuyên bố của các nhà lãnh đạo đã bị chỉ trích vì chưa đi đủ xa về nhiên liệu hóa thạch và than đá. Cam kết “giảm dần” thay vì “loại bỏ” than vẫn được giữ nguyên và các nhiên liệu hóa thạch khác như dầu khí hoàn toàn không được đề cập đến. Ông Macron bày tỏ sự thất vọng trước những gì ông mô tả là cam kết “không đầy đủ” của các thành viên G20 về các vấn đề khí hậu và cho biết trách nhiệm của các nền kinh tế mới nổi là phải cam kết đạt được mục tiêu không sử dụng than và loại bỏ than trong thập kỷ tới.

G20 khẳng định tầm ảnh hưởng mới của Ấn Độ -0
Các lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị

Có lẽ thông báo quan trọng nhất cuối tuần qua là việc ra mắt một hành lang kinh tế mới sẽ nối Ấn Độ với Trung Đông và châu Âu thông qua mạng lưới cơ sở hạ tầng đường sắt và vận tải biển mới - mặc dù nó vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch ban đầu. Dự án đầy tham vọng này đã được khởi động vào hôm 9/9 bởi Thủ tướng Ấn Độ Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden, và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Các kế hoạch và kinh phí cho dự án sẽ được trình bày trong vài tuần tới.

Sự tham gia của Liên minh châu Phi

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị G20 tối 9/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã mời Liên minh châu Phi (AU), với đại diện tiêu biểu là Chủ tịch Azali Assoumani, ngồi vào bàn của các nhà lãnh đạo G20 với tư cách là thành viên thường trực. AU hiện có địa vị tương tự như EU, trước đây là khối khu vực duy nhất có tư cách thành viên đầy đủ.

Các nhà lãnh đạo trên khắp châu Phi hoan nghênh động thái này. Việc mời AU gia nhập nhóm G20 đã được ông Modi đề xuất vào tháng 6, khi đó ông nói rằng việc này sẽ mang lại tiếng nói cho lục địa này. Cho đến gần đây, Nam Phi là quốc gia châu Phi duy nhất tham gia G20. Người đứng đầu AU Moussa Faki Mahamat cho biết động thái này sẽ cho phép lục địa đen đóng góp hiệu quả trong việc giúp thế giới giải quyết những thách thức toàn cầu. Ông viết trên X: “Tư cách thành viên này sẽ cung cấp một khuôn khổ thuận lợi để tăng cường vận động ủng hộ lục địa đen và đóng góp hiệu quả của nó nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu”. AU hiện có 55 thành viên, nhưng 6 quốc gia đang bị đình chỉ thành viên do đảo chính và chính quyền quân sự lên nắm quyền điều hành đất nước. Liên minh này có tổng GDP là 3 nghìn tỷ USD và dân số 1,4 tỷ người.

Tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa, nói trên X rằng ông rất vui mừng trước động thái này. Ông nói: “Các vấn đề khẩn cấp về khí hậu chỉ có thể được giải quyết một cách tập thể và với sự đoàn kết cao độ. Việc tiếp cận các nguồn tài chính đầy đủ và có thể dự đoán được từ nhiều nguồn công và tư nhân khác nhau là rất quan trọng nếu chúng ta muốn đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”. Tổng thống Nigeria, Bola Ahmed Tinubu, người có mặt tại hội nghị thượng đỉnh New Delhi, đã đăng trên X: “Là một lục địa, chúng tôi mong muốn thúc đẩy hơn nữa khát vọng của mình trên toàn cầu bằng cách sử dụng nền tảng G20”.

An Châu (Tổng hợp)
.
.
.