EU với vết rạn nứt Đông – Tây

Thứ Hai, 25/10/2021, 09:01

Sự phản đối gần đây của Ba Lan về vấn đề bộ máy tư pháp độc lập đã làm nổi bật căng thẳng giữa một bên là thành viên các nước Tây Âu của Liên minh châu Âu (EU) cùng với Brussels và bên kia là các quốc gia Đông Âu, đã gia nhập EU sau Chiến tranh Lạnh.

EU hiện đang vướng vào một cuộc tranh cãi gay gắt với Ba Lan, một trong các nước thành viên quan trọng nhất và là quốc gia lớn nhất trong số 12 quốc gia Đông Âu. Cuộc tranh chấp này, tuy không có khả năng dẫn đến việc Ba Lan rời EU hoặc sự tan rã của khối như một số chính trị gia Anh từng hy vọng nhưng cuộc đối đầu này thực sự nghiêm trọng vì nó nhắm tới bản chất cốt lõi của châu Âu. Bất kể tranh cãi này được giải quyết như thế nào, nó sẽ tác động sâu sắc đến hình thức và năng lực hoạt động của EU trong nhiều năm tới.

Cuộc tranh cãi bắt nguồn từ những bất đồng pháp lý phức tạp. Kể từ khi nắm quyền vào năm 2015 với đa số phiếu ủng hộ, đảng cầm quyền cánh hữu Pháp luật và Công lý của Ba Lan đã cố gắng thay đổi các thể chế nhà nước để phù hợp với nhận thức của đảng này. Và, điều thu hút sự chú ý của EU là những cải cách mà đảng cầm quyền của Ba Lan đã yêu cầu một số thẩm phán hàng đầu của Ba Lan phải nghỉ hưu và bổ nhiệm những người khác thay thế họ. EU cho rằng điều này đã vi phạm nguyên tắc tư pháp độc lập và công bằng, một nghĩa vụ quan trọng đối với bất kỳ quốc gia thành viên EU nào. Nhưng, thay vì nhượng bộ trước áp lực của Brussels, Chính phủ Ba Lan đã yêu cầu Tòa án Hiến pháp nước này ra phán quyết liệu các thể chế của EU có thể ngăn cản Ba Lan cơ cấu lại bộ máy tư pháp hay không.

EU với vết rạn nứt Đông – Tây -0
Brussels sẽ phải tự nhìn nhận lại rõ hơn tính đa dạng của khối.

Ngày 7-10-2021, Tòa án Hiến pháp Ba Lan đã ra phán quyết rằng một số phần của các hiệp ước mà theo đó Ba Lan trở thành thành viên EU không thể được coi là quan trọng hơn Hiến pháp Ba Lan. Tòa án Hiến pháp Ba Lan cũng cho biết họ không chỉ có quyền xem xét tính hợp hiến của luật pháp EU, mà còn có cả các phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu, cơ quan pháp lý cao nhất của EU.

Phán quyết này chính là câu chuyện. Toàn bộ tiền đề của EU phụ thuộc vào việc chấp nhận nguyên tắc rằng luật của EU có vị thế cao hơn và được ưu tiên áp dụng hơn luật của các quốc gia thành viên. Nếu một tòa án Ba Lan được phép nghi ngờ các phán quyết của tòa án cao nhất châu Âu thì chính khái niệm về luật pháp và trật tự trên toàn liên minh sẽ trở nên vô nghĩa.

Điều này đang bị cho là có vẻ cực đoan và thậm chí là phi dân chủ: Phần lớn luật pháp và tất cả các quy định mà EU áp dụng (liên minh này ban hành hàng nghìn quy định và luật mỗi năm) được soạn thảo bởi các quan chức làm việc tại Brussels vốn không do ai bầu. Uy thế tối cao của luật pháp EU cũng đang bị cho là làm giảm chủ quyền quốc gia của một số nước thành viên.

Tuy nhiên, không quốc gia nào có nghĩa vụ phải gia nhập EU và những nước tham gia đều biết rõ rằng một trong những hệ quả đầu tiên của tư cách thành viên EU là sự hạn chế chặt chẽ đối với quyền chủ quyền của họ. Bởi vậy, việc Ba Lan cho rằng một số nguyên tắc cơ bản của liên minh không được áp dụng tại quốc gia này, sau gần 2 thập niên nước này gia nhập EU, là một điều khá lạ!

Và, câu chuyện bất đồng pháp lý không phải là vướng mắc duy nhất của Ba Lan đối với EU. Ba Lan còn vướng vào các cuộc đối đầu khác với khối này về cách thức phân bổ nguồn tài trợ cho các nước thành viên và việc Ủy ban châu Âu có quyền trì hoãn phân phối tiền cho các quốc gia hay không. Ngoài ra, còn có một cuộc tranh cãi riêng biệt về việc hạn chế quyền của người đồng tính ở Ba Lan.

EU với vết rạn nứt Đông – Tây -0
Người dân Ba Lan bày tỏ thái độ với Polexit.

Không chỉ với Ba Lan, một cuộc tranh cãi tương tự cũng đang diễn ra giữa EU và Hungary, tuy không gay gắt bằng. Nhiều cử tri ở cả Ba Lan và Hungary đều bày tỏ thái độ ủng hộ chính phủ của họ, bởi đa phần đều tỏ thái độ bất bình với nhiều biện pháp xã hội mà Brussels áp đặt đối với họ.

Tuy nhiên, thay vì tìm hiểu và giải quyết những lo ngại này, Brussels lại cho rằng EU chủ cần “quất roi” mạnh tay hơn nữa và dành những nhận xét không mấy thiện cảm với chính phủ các nước này. Thay vì lắng nghe và ý thức được việc đã can thiệp quá nhiều vào đời sống chính trị và sự lựa chọn của các nước thành viên mới hơn, Brussels lại cho rằng sự can thiệp của liên minh là chưa đủ.

Như đã nói ở trên, sẽ không có Polexit (tương tự Brexit) và cũng sẽ không có chuyện Ba Lan hay Hungary bị trục xuất khỏi liên minh. Dựa trên điều khoản pháp lý, EU có thể hạn chế quyền bỏ phiếu và trợ cấp cho các nước thành viên không tôn trọng nghĩa vụ đối với EU. Tuy nhiên, quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt như vậy chỉ có thể được đưa ra nếu tất cả các nước thành viên bỏ phiếu tán thành. Điều này đồng nghĩa với việc nó chỉ có thể được thực thi khi chính Ba Lan hay Hungary tự bỏ phiếu ủng hộ trừng phạt chính mình - một kịch bản không thể xảy ra.

Cuối cùng, bài toán đặt ra ở đây là Brussels phải tự mình nhìn nhận lại rõ hơn tính đa dạng của các nước thành viên trong khối. Một cách tiếp cận khiêm tốn hơn, đó là thừa nhận rằng không phải tất cả các thông lệ xã hội và chính trị của Tây Âu đều có thể được áp dụng trên khắp lục địa.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.
.