Đông Nam Á: Chiến địa của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung

Thứ Hai, 29/08/2022, 20:10

Đông Nam Á đang ngày càng thu hút sự chú ý của dư luận khi cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên gay gắt. Các nhà phân tích nhận định rằng khu vực rộng lớn và đa dạng với nhiều thị trường mới nổi này đang trở thành chiến trường địa chính trị và kinh tế chính giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời có thể mang lại cơ hội cho sự hợp tác giữa hai cường quốc.

Nỗ lực gây ảnh hưởng

Dấu hiệu mới nhất về tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á là chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới Trung Quốc cuối tháng 7. Indonesia nói riêng và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung là những nền tảng quan trọng trong chính sách ngoại giao khu vực của Trung Quốc. Nằm trên tuyến đường thủy chiến lược nối Đông Nam Á với Trung Đông và châu Phi, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và lớn thứ 5 thế giới. Dân số 700 triệu người và các chính sách hướng ngoại đang mang đến cho khu vực này tiềm năng phát triển vượt bậc.

Đông Nam Á: Chiến địa của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung -0
Nhà đầu tư kết thúc một phiên giao dịch tại sàn giao dịch Makati ở thủ đô Manila của Philippines.

Năm 2022, Đông Nam Á trở nên nổi bật hơn khi là nơi diễn ra 3 sự kiện quốc tế lớn, bao gồm Hội nghị cấp cao ASEAN ở Campuchia, Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Indonesia và Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Thái Lan. Thế giới đang theo dõi xem ASEAN sẽ đảm nhiệm ra sao vai trò cầu nối tiềm năng trong các cuộc đối thoại ngoại giao cấp cao, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng địa – chính trị đang gia tăng và chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vẫn tiếp diễn.

Đằng sau hợp tác ngày càng mở rộng giữa Trung Quốc và Indonesia là vị trí chiến lược ngày càng nổi bật của Đông Nam Á và sự cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ trong việc tạo dựng ảnh hưởng ở khu vực này. Trong những tháng gần đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách khẳng định lại ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á. Tháng 7-2021, Kurt Campbell, Điều phối viên Mỹ về các vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thuộc Hội đồng an ninh quốc gia, khẳng định Mỹ cần tăng cường can dự vào Đông Nam Á để nâng cao hiệu quả của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Kể từ nửa cuối năm 2021, các quan chức cấp cao Mỹ, trong đó có Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã thực hiện một loạt chuyến thăm tới Đông Nam Á. Tháng 5-2022, Mỹ đã tổ chức Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN đầu tiên tại Washington, nơi mà ông Biden khẳng định quan hệ giữa Mỹ và ASEAN đã bước vào một kỷ nguyên mới.

Trong khi Washington tăng cường các nỗ lực ngoại giao, các tương tác cấp cao giữa Trung Quốc và ASEAN cũng không ngừng tăng lên. Giữa tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tiến hành một cuộc vận động ngoại giao chớp nhoáng kéo dài 2 tuần trên khắp Đông Nam Á như một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa ra một giải pháp thay thế cho chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.

Khu vực tiềm năng lớn

Quy mô thị trường khổng lồ, dân số tương đối trẻ và các chính sách hướng ngoại đã hỗ trợ cho sự bùng nổ về kinh tế của Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự đa dạng về văn hóa và trình độ phát triển không đồng đều đang đặt ra những thách thức đối với sự phát triển của khu vực này trong tương lai.

Trong giai đoạn 2011 – 2020, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế bình quân của các nước ASEAN là 4,4%/năm. Mặc dù đại dịch COVID-19 đã gây gián đoạn cho hoạt động kinh tế và khiến ASEAN bị tăng trưởng âm 3,3% trong năm 2020, nhưng các nền kinh tế lớn trong khu vực đã bắt đầu phục hồi mạnh vào năm 2021, khi các biện pháp kiểm soát dịch được nới lỏng.

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới trong vòng 10 năm tới. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo đến năm 2030, 70% dân số ASEAN sẽ trở thành tầng lớp trung lưu, mang lại cơ hội kinh doanh khổng lồ và tạo ra thị trường tiêu dùng trị giá khoảng 4.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Nền kinh tế kỹ thuật số và ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực này. Trong một báo cáo chung được công bố gần đây, hãng công nghệ Google, tập đoàn Temasek của Singapore và công ty tư vấn Bain & Co. ước tính khu vực này đang trên đường trở thành nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Đông Nam Á đang bước vào thập kỷ kỹ thuật số, được thúc đẩy bởi một cơ sở người tiêu dùng và công ty thương mại ngày càng lớn, với thương mại điện tử và nhu cầu thực phẩm đang tăng lên nhanh chóng.

Đông Nam Á cũng là một điểm đến quan trọng đối với ngành sản xuất chất bán dẫn toàn cầu khi ngành công nghiệp này chuyển hướng sang các khu vực có chi phí thấp hơn. Khu vực này đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất chip toàn cầu, chiếm gần 30% hoạt động thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn. Khi ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử trong nước phát triển, các hãng sản xuất chip khổng lồ toàn cầu đã tăng gấp đôi đầu tư vào các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Có rất nhiều cơ hội đầu tư vào lĩnh vực logistics thương mại điện tử, dịch vụ tài chính kỹ thuật số và xây dựng cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á. Trong thời kỳ đại dịch, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã nhận ra tầm quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số như thanh toán di động.

Thách thức lớn nhất mà ASEAN đang phải đối mặt là sự phối hợp nội bộ khối trong bối cảnh có sự đa dạng đáng kể giữa các nước thành viên. Mặc dù Đông Nam Á được xem là một thị trường thống nhất, nhưng giữa các nước trong khu vực lại có sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, ngôn ngữ và văn hóa, môi trường chính trị, hệ thống tài chính và tiền tệ. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy năm 2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Singapore – quốc gia phát triển nhất Đông Nam Á – lên tới 72.000 USD, trong khi con số này của Campuchia chỉ là 1.591 USD, thấp hơn 45 lần so với Singapore.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.
.